Cựu đại tá CIA Andre Sauvageot: “Tôi thích gọi anh là đồng chí”

share on:

Nói tiếng Việt cực chuẩn, một mực gọi người đối diện bằng cụm từ “đồng chí” và khi bước ra ngoài chỉ đội duy nhất chiếc mũ có hình sao vàng 5 cánh in chữ Việt Nam và mặc chiếc áo cờ đỏ búa liềm… Ông chính là cựu đại tá CIA Andre Sauvageot (Andre) – người có nhiều đóng góp cho nỗ lực bình thường hoá hoàn toàn quan hệ Việt – Mỹ.

Khi tôi để lại tin nhắn với nội dung xin được hẹn phỏng vấn, ngay sau cuộc làm việc với Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng, Andre đã chủ động gọi điện lại cho tôi bằng vốn tiếng Việt rất thuần thục: “Tôi đã xong việc rồi anh ạ, chiều nay anh có rảnh không, tôi xin phép mời anh đi ăn tối…”. Dĩ nhiên, tôi nhận lời ngay. Trên đường đi tới địa điểm mà Andre nhắn, tôi cứ nghĩ là sĩ quan thuộc CIA, ông phải cao to, dữ dằn lắm. Thế nhưng, đón tôi tại cổng Nhà khách Quân đội là một người đàn ông Mỹ nhỏ nhắn, đội mũ sao vàng, mặc áo búa liềm. Nở nụ cười hiền từ, Andre chạy tới ôm tôi thật chặt và nói lớn: “Chào đồng chí!”.

Cựu đại tá Andre Sauvageot (phải) trò chuyện với nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhân kỷ niệm 10 năm thực hiện Hiệp định thương mại song phương Mỹ – Việt (2001-2011). ảnh: NVCC

Khi tôi chưa kịp định thần thì Andre cười nói: “Tôi xin phép được gọi anh là đồng chí vì chỉ có đồng chí mới không phân biệt giới tính, tuổi tác, giàu nghèo, sang hèn, giai cấp. Tôi thích gọi anh là đồng chí bởi bình đẳng. Và với tất cả những ai tại Việt Nam tôi gặp, tôi đều gọi là đồng chí hết”.

Họ nói dối chúng tôi

“Hôm nay là một ngày đặc biệt, tôi và đồng chí lần đầu gặp nhau. Tôi không ăn mặn, tôi chỉ ăn chay. Tuy nhiên, đồng chí cứ gọi món gì tuỳ thích, ăn hết khả năng. Hôm nay, đồng chí đừng tranh thanh toán vì tôi xin phép được trả tiền cho bữa ăn này” – Andre thẳng thắn.

Vừa cầm dĩa, Andre vừa kể: Năm 1964, tôi lúc ấy là đại uý, tôi được cử sang Việt Nam làm chỉ huy đội biệt kích nhảy dù chuyên tìm và tiêu diệt Việt cộng tại bưng biền.

“Vợ tôi tên là Quỳnh Hương, tôi gặp cô ấy tại Sài Gòn. Sau này, Hương giúp tôi làm kế toán kiêm thủ quỹ, tài chính luôn. Hương có vẻ đẹp rất Việt Nam, Hương từng tuyên bố với tôi rằng sẽ không cưới tôi nếu tôi chỉ biết tiếng Anh. Ra ngoài, chúng tôi nói tiếng Anh nhưng đã về nhà thì vợ chồng, con cái đều nói tiếng Việt. Đó là một quy định bất thành văn trong gia đình chúng tôi”.
Ông Andre Sauvageot

Lúc mới sang Việt Nam, tôi tin hoàn toàn vào lời của Chính phủ Mỹ 100% rằng cuộc chiến mà chúng tôi phát động tại Việt Nam là chính nghĩa, rằng Việt Nam cộng hoà với sự trợ giúp đến “tận răng” từ Mỹ sẽ giành chiến thắng. Tuy nhiên, càng đi nhiều, gặp gỡ nhiều người dân và cả nói chuyện với những chiến sĩ phía cách mạng bị chúng tôi bắt thì tôi thấy bản chất cuộc chiến này không phải như chính quyền Mỹ nói.

“Địa bàn hoạt động của chúng tôi là các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thời điểm đấy, khu vực này là vùng ma thiêng nước độc, khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều và kênh rạch chằng chịt, cây cối um tùm, là địa bàn thuận lợi cho du kích quân, cách mạng. Dù ban ngày, chúng tôi kiểm tra rất kỹ từng nhà, thế nhưng có những chuyến “thị sát”, đoàn của chúng tôi vẫn bị du kích quân tấn công thiệt hại tới nửa binh lực” – Andre vẫn không giấu được vẻ sửng sốt.

“Qua những chuyến đi, tiếp xúc với người dân, vốn từ tiếng Việt của tôi đã khá lên trông thấy. Tôi bắt đầu nghe đài. Đài phát thanh Cộng hoà chỉ toàn là những chương trình giải trí nhảm nhí dành cho lớp thị dân thành phố. Tôi lén nghe Đài Tiếng nói Việt Nam để xem bên kia chiến tuyến nói gì. Tôi nghe rất đều, tôi có cảm tình đặc biệt với những phát thanh viên có giọng rất hay ngoài Bắc như Kim Cúc, Việt Khoa, Kiên Cường…”.

Tôi còn nhớ chuyên mục Nông nghiệp – Nông dân có những câu khẩu hiệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh như “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương” hay như “Hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ”. Rồi thì mục người tốt việc tốt có câu “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp” hay “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua” – Andre nhớ lại.

“Nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi thích nhất là bài hát “Đường ta đi dài theo đất nước” do ca sĩ Thu Hiền hát và bài hát “Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương” của tác giả Nguyễn Đức Toàn. Phía cách mạng có nhiều bài hát hay và ý nghĩa. Tôi thấy những bài hát này làm cho con người thêm sức mạnh, tự tin và sống lạc quan hơn. Nội dung không uỷ mị như những bài hát trên sóng của Đài phát thanh chính quyền Cộng hoà. Ngay như những điều khoản trong Hiệp định Paris, chúng tôi cũng không được biết. May có đài phía cách mạng mà chúng tôi mới nắm được. Đến lúc này, tôi mới thấy mình mất niềm tin và thực sự thất vọng với Chính phủ Mỹ và cấp trên của mình” – Andre bộc bạch.

Việt Cộng can trường lắm!

Theo Andre, năm 1970, ông được tham gia một cuộc thí nghiệm của CIA với một cán bộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam bị bắt giữ. Thông tin mà Tổng nha Cảnh sát của chính quyền Sài Gòn lúc đó cho hay, nữ cán bộ này là nhân vật cấp cao. Trực tiếp Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan là Tổng Giám đốc Cảnh sát quốc gia kiêm Giám đốc Nha An ninh Quân đội Việt Nam Cộng hòa, phụ trách Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo (Tướng Loan cũng chính là người rút súng bắn thẳng vào đầu một chiến sĩ biệt động trên đường phố Sài Gòn – PV) tra tấn bà bằng việc đốt cháy đen hai bàn tay và xét hỏi bà liên tục nhưng đều không moi được bất kỳ thông tin nào.

 

Cuối cùng, phía Việt Nam Cộng hòa đành giao nữ cán bộ cho CIA để thử nghiệm một phương pháp mới về tâm lý chiến. Cụ thể, phương pháp mà CIA sử dụng là phương pháp nhân đạo, dùng vật chất đối đãi tốt nhằm thuyết phục bà từ bỏ lý tưởng cộng sản.

“CIA bố trí cho bà sống tại một biệt thự xa hoa gần sát con đường trung tâm nối Sài Gòn hoa lệ với sân bay Tân Sơn Nhất với kẻ hầu người hạ, chăm sóc đặc biệt. Hằng ngày, những nhân viên CIA rất giỏi tiếng Việt, am hiểu về học thuyết Mác – Lênin và Chủ nghĩa cộng sản nói chuyện liên hồi với bà nhằm “đả thông” tư tưởng. “Sau một thời gian, CIA không thấy hiệu quả nên họ gọi tôi nhập cuộc. Tôi bắt chuyện với bà. Bà cũng trò chuyện lại nhưng là những câu chuyện về gia đình, không liên quan gì tới tổ chức, đồng đội cả. Bà khoe có 2 con trai, một người con là sĩ quan của Giải phóng quân và một người con là cán bộ ngoại giao của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đang công tác tại Liên Xô. Bà cũng khuyên tôi đừng thuyết phục bà vô ích vì không đời nào bà phản bội lại Tổ quốc, quê hương, phản bội lại con mình, phản bội lại lý tưởng mà bà đã dấn thân, lựa chọn” – Andre kể.

Khẽ đăm chiêu, Andre nhớ lại: “Tôi đành báo cáo với cấp trên rằng nếu cứ tiếp tục để tôi nói chuyện với bà thì người bị thuyết phục, và người từ bỏ “lý tưởng” là tôi chứ không phải bà ấy”.

“Tôi không thể nào quên câu nói của bà lúc chào tạm biệt tôi: “Có thể ngày mai tôi không được gặp các con tôi nữa nhưng tôi không hề tiếc nuối về sự lựa chọn của mình. Các ông sẽ không bao giờ chiến thắng bởi chỉ có Đảng Cộng sản mới là sự lựa chọn của người dân Việt Nam, mới là chính đảng duy nhất huy động được sức mạnh toàn dân tộc. Dẫu có hy sinh thì nhân dân này, đất nước này rốt cuộc sẽ giành được độc lập, tự do…” – Andre kể.

“Sau này, một vị chỉ huy trưởng của Trung tâm Huấn luyện cán bộ của Chính quyền Cộng hoà cũng được vời tới để thuyết phục bà nhưng cũng thất bại. Sau này, qua thông tin tôi được biết, do không moi được bất cứ thông tin có giá trị nên chúng đã xử tử bà” – Andre khẽ chùng giọng.

“Các anh thắng là đương nhiên!”

Theo Andre, năm 1973, ông được điều động làm phiên dịch viên cho tướng Woodward – Trưởng phái đoàn Mỹ trong Ban liên hợp quân sự 4 bên gồm: Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Việt Nam cộng hòa và Mỹ họp ở Sài Gòn trong vòng 2 tháng để thực hiện Hiệp định Paris.

“Cũng chính trong thời gian này, tôi có dịp trò chuyện với các tướng lĩnh của phía Mặt trận Giải phóng và Việt Nam dân chủ cộng hoà. Những vị tướng này không chỉ giỏi về quân sự mà còn giỏi cả về ngoại giao. Có những tướng lĩnh như vậy, các anh không thắng mới là lạ” – Andre nhận định.

“Tôi còn nhớ như in cuối tháng 3.1973, khi tôi hoàn thành nhiệm vụ tại Uỷ ban Liên hợp quân sự, Tướng John John Wickhan –  Phó Trưởng đoàn có hỏi tôi rằng sao suốt 9 năm qua, anh không đòi về? Việt Nam giờ đã có hoà bình, CIA sẽ bố trí cho anh một biệt thự sang trọng giữa trung tâm Sài Gòn hoa lệ, sao anh từ chối? Lúc ấy, như một phản xạ tự nhiên, tôi thẳng thừng: “Chừng nào còn người Mỹ thì Việt Nam làm sao có hoà bình, và cũng sẽ không có cái gọi là danh dự theo như Tổng thống Nixon tuyên bố đâu. Việt Nam cộng hoà sẽ không trụ nổi được. Việt Cộng sẽ thống nhất được Tổ quốc của mình”. Tôi còn nhớ như in ánh mắt đầy giận dữ của Tướng John Wickhan: “Là một sĩ quan Mỹ, sao anh lại có ý nghĩ điên rồ như vậy?”. Sau này khi gặp lại giữa Washington DC, Tướng John Wickhan đã khẽ bảo tôi rằng”: “Andre, anh nói đúng”.

Người Việt bao dung

Theo trí nhớ của Andre, trước thời điểm bình thường hoá quan hệ Việt – Mỹ, do chưa có kênh ngoại giao chính thống nào được thiết lập nên chúng tôi phải sử dụng kênh ngoại giao nhân dân. Cả hai bên đều nỗ lực tổ chức những cuộc gặp gỡ, trò chuyện giao lưu giữa các cựu chiến binh, khắc phục hậu quả bom mìn… Cũng nhờ đấy, Andre và những người bạn của mình vận động Chính phủ Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam. Andre cố gắng góp sức vào việc hàn gắn và phát triển quan hệ giữa hai nước, từ vị trí phiên dịch cho các phái đoàn Mỹ, chuyên viên phụ trách hồi hương của Bộ Ngoại giao Mỹ, doanh nhân, hay uỷ viên Hội đồng Thương mại Việt – Mỹ.

Nhấp một ly nước suối lạnh, Andre kể tiếp: “Năm 1993, tôi bắt đầu quay lại Hà Nội. Với vốn tiếng Việt của mình, tôi dễ dàng vẫy một “đồng chí” đạp xích lô để vòng quanh Hồ Gươm. Lúc ngồi trên xe, “đồng chí” ấy kể rằng mình lớn lên tại một vùng ngoại ô Hà Nội. Tháng 12.1972, máy bay Mỹ giội bom phá nát xóm nhỏ của gia đình anh ấy và một quả bom đã giết chết mẹ của anh ấy. Thế nhưng, anh ấy vẫn bảo rằng: “Có lẽ, mục tiêu của họ là nhà máy xi măng gần nhà tôi thôi, có lẽ họ không có mục đích giết mẹ tôi…”.

“Nghe tới đấy, tôi trào nước mắt anh ạ. Trên thế giới này làm gì có dân tộc nào bao dung và rộng lượng như vậy đâu. Sự thực là bom Mỹ đã giết chết mẹ đồng chí ấy và hàng triệu người vô tội khác. Vậy mà mới chỉ sau chừng ấy năm ngắn ngủi. Chúng tôi – những cựu quân nhân Mỹ thay vì bị đối đãi như kẻ thù thì lại được xem như là khách. Các đồng chí càng rộng lượng, càng tử tế thì chúng tôi lại càng thấy day dứt và có trách nhiệm với từng mảnh đất mà bom Mỹ đã giội xuống” – Andre xúc động.

“Tôi xem Việt Nam là quê hương thứ 2, trước tôi làm cố vấn cho Hội đồng Thương mại Việt – Mỹ, 11 năm liền làm Trưởng đại diện của Tập đoàn General Electrics tại Việt Nam và sau đó là cố vấn cho Interstate Traveler Company. Hơn 1 năm nay, tôi có việc riêng phải trở lại Mỹ, tôi đếm từng ngày được trở lại mảnh đất hình chữ S thân thương này và mong muốn đóng góp sự phát triển toàn diện Việt – Mỹ” – Andre chia sẻ.

Trong suốt bữa tối, Andre liên tục gắp đồ ăn cho tôi, còn mình thì ngồi ăn ngũ cốc một cách ngon lành. Andre cũng liên tục nhắc tôi ăn nhiều vào. “Đồng chí là thanh niên phải ăn khoẻ vào. Chúng tôi là thế hệ phải chịu trách nhiệm và khắc phục hậu quả những hành động do mình gây ra, còn việc đón nhận tương lai và mở ra niềm tin trong quan hệ Việt – Mỹ phải là các bạn trẻ của hai nước quyết định. Muốn vậy phải thật khoẻ” – Andre nói. /.

*  Từ năm 1964-1970, chỉ huy đội biệt kích, nhân viên CIA.

* Tháng 3.1973, Andre là người phiên dịch cho phái đoàn Mỹ ở cuộc họp quân sự bốn bên.

* Từ 1982 – 1986, ông làm phiên dịch cho Bộ Quốc phòng Mỹ trong những buổi làm việc với Ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch về vấn đề POW/MIA (vấn đề tù binh chiến tranh và người Mỹ mất tích trong chiến tranh).

* Từ năm 1987 – 1989, ông là phiên dịch cho Đại tướng John Vessey – đặc phái viên của Tổng thống Reagan về vấn đề POW/MIA.

* Từ năm 1989 – 1991, Chính phủ Mỹ bổ nhiệm ông làm trợ lý đặc biệt của Đại sứ Mỹ (tại Thái Lan) về Đông Dương sự vụ.

* Từ năm 1991 – 1992, là cố vấn khu vực cho Kế hoạch Hành động toàn diện (CPA) liên quan đến “thuyền nhân Việt Nam”, những người không được phép tái định cư tại Mỹ và các nước khác.

*  Từ 1993 – 2003, là Trưởng đại diện Hãng General Electric (GE) tại Việt Nam; làm cầu nối cho Hàng không Việt Nam thuê được 3 chiếc máy bay Boeing B767-300ER và nhiều hợp đồng thiết bị năng lượng như tua- bin khí, tua-bin hơi, tua-bin nước, máy phát điện.

Ngọc Thọ

Facebook Comments