Kiều bào 22 quốc gia và vùng lãnh thổ tự hào được ra thăm Trường Sa

share on:
Được gặp gỡ và tận mắt chứng kiến đời sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, bà con kiều bào hiểu rõ hơn về biển, đảo quê hương. Đó là sự phát triển vững chắc của từng xã đảo; là cuộc sống dung dị mà nồng nàn, chan chứa tình người, tình đảo; là tinh thần kiên trung của những người giữ biển, giữ đảo cũng như cảm phục hơn sự chịu đựng khó khăn, gian khổ của con người ở nơi đây.

Đoàn kiều bào chụp ảnh lưu niệm bên cột mốc chủ quyền tại đảo Song Tử Tây

Tàu 491 Hải quân chở hơn 200 đại biểu ra thăm Trường Sa, trong đó có gần 70 Việt kiều đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đa số các đại biểu lần đầu tiên tham gia hải trình này. Những cái tên Trường Sa, Nam Yết, Sinh Tồn, Đá Đông hay Đá Tây, dù là đảo nổi hay đảo chìm đều rất đặc biệt và bất ngờ với các đại biểu.

Trước đây, chưa một kiều bào trên tàu tưởng tượng được phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc ở giữa trùng khơi mang hình dáng thế nào. Được gặp gỡ và tận mắt chứng kiến đời sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo, bà con kiều bào hiểu rõ hơn về biển, đảo quê hương. Đó là sự phát triển vững chắc của từng xã đảo; là cuộc sống dung dị mà nồng nàn, chan chứa tình người, tình đảo; là tinh thần kiên trung của những người giữ biển, giữ đảo cũng như cảm phục hơn sự chịu đựng khó khăn, gian khổ của con người ở nơi đây.

Khi con tàu cập cảng thị trấn Trường Sa, sắc màu lung linh hiện lên dưới nắng vàng và biển xanh với những tà áo dài truyền thống, áo cờ đỏ sao vàng… hòa lẫn trong sắc trắng quân phục Hải quân nhân dân Việt Nam đã tạo nên một bức tranh đầy màu sắc tại cầu cảng, “thủ phủ” của huyện đảo. Gió nhẹ đủ làm bay lên những sợi tóc đã điểm màu thời gian của những kiều bào lớn tuổi, làm hồng lên đôi má của những cô gái là thế hệ người Việt thứ 2, thứ 3 tại nước ngoài lần đầu được về  với biển, đảo quê hương. Những đôi bàn tay rám nắng, đầy vị mặn mòi của biển siết chặt lấy những con người xa xứ trở về quê hương. Chúng tôi như những đứa con đi xa lâu này được về trở về bên gia đình đoàn tụ.

Vinh dự, tự hào, tin tưởng là tâm trạng của những người con đất Việt xa quê khi được ra thăm quân dân Trường Sa. Đoàn kiều bào đã gửi gắm những tình cảm sâu sắc tới những người đang ngày đêm canh giữ chủ quyền của Tổ quốc ở nơi đầu sóng ngọn gió và mong muốn được đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.

Đoàn kiều bào trồng cây lưu niệm tại đảo Song Tử Tây.

Chị Nguyễn Thúy Hà – đoàn kiều bào Singapore chia sẻ: “Bản thân tôi và tất cả các thành viên trong đoàn vô cùng xúc động vì hôm nay được đứng giữa nơi linh thiêng biển, đảo của Việt Nam; được thắp nén hương thơm tưởng niệm các chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã hy sinh vì chủ quyền yêu dấu. Mong linh hồn các anh siêu thoát. Chúng tôi luôn hướng về các anh và hướng về Tổ quốc Việt Nam thân yêu”.

Tại mốc chủ quyền Trường Sa, dưới bóng cờ Tổ quốc, những người lính Trường Sa chúng tôi cùng hát Quốc ca và hô vang 10 lời thề danh dự của quân nhân. Khi những tiếng hát cất lên, vang xa, len lỏi vào dưới những tán lá xanh, xuyên qua nắng, hòa quyện vào gió của đoàn công tác giao lưu với quân dân nơi đây, chúng tôi như cảm nhận được hào khí hơn mấy ngàn năm lịch sử của cha ông vọng lại nơi biển, đảo xa xôi của Tổ quốc. Đã có những giọt nước mắt rơi xuống, giọt nước mắt của niềm hạnh phúc vỡ òa, nghẹn ngào đầy xúc động.

Ông Đỗ Phan Quang Đoàn – Kiều bào Hunggary cho biết: “Thời gian vừa qua đã có nhiều kiều bào ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần đối với quân dân trên huyện đảo Trường Sa. Sau chuyến đi lần này, chúng tôi sẽ song hành cùng các chiến sĩ và nhân dân trên các đảo nhiều hơn nữa”.

Sự chia sẻ những món quà nhỏ mà thiêng liêng từ đất liền gửi đến quân dân huyện đảo như xóa đi khoảng cách giữa đất liền với biển, đảo. Không chỉ dừng lại ở đó, những trải nghiệm và trách nhiệm với chủ quyền Tổ quốc đã thôi thúc các kiều bào có thêm những dự định và hỗ trợ thiết thực hơn sau chuyến đi này.

Ông Vũ Hồng Nam – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Trưởng đoàn công tác khẳng định: “Chuyến đi của kiều bào đến với quân dân huyện đảo Trường Sa đã thành công tốt đẹp. Những tình cảm, lời động viên của người dân trong nước, đặc biệt là bà con kiều bào khi đến với Trường Sa rất đáng trân trọng. Khi về nước, bà con kiều bào sẽ tuyên truyền và kêu gọi người dân nước sở tại ủng hộ hơn nữa với biển, đảo quê hương”.

Dù chỉ có 10 ngày trong hành trình nhưng đã để lại cho các kiều bào niềm tự hào, sự cảm phục và hơn hết là trách nhiệm của mình để chung sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đức Tuấn/Báo Pháp luật Việt Nam

Facebook Comments