NHỚ VỀ MỘT VỤ ÁN “DẸP LOẠN KIÊU BINH” CÁCH ĐÂY 43 NĂM VÀO THÁNG 6-THÁNG 7 NĂM 1974: BÀI HỌC VỀ QUẢN LÝ CÁN BỘ THƯƠNG BỆNH BINH, CỰU CHIẾN BINH TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ

share on:

Vào những năm cuối cùng của cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong khi quân và dân cả nước đang dồn sức để giành thắng lợi quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam tiến tới thống nhất Tổ quốc thì những hoạt động phá hoại gây rối diễn ra ở nhiều địa phương. Một vụ án điển hình hồi đó mà một trong các “tứ thân phụ mẫu” của tôi đã tham gia phá án là vụ án “Bạo loạn phản cách mạng” xảy ra hồi tháng 6 – tháng 7 năm 1974 tại Ninh Bình thuộc Quân khu Hữu ngạn (nay hợp nhất với Quân khu Tả ngạn thành Quân khu 3 – Quân đội Nhân dân Việt Nam) và Thanh Hóa (thuộc Quân khu 4 cũ). Nguyên nhân của vụ án này là do một số phần tử thù địch, lưu manh, lợi dụng danh nghĩa thương bệnh binh để lừa gạt, kích động quân nhân, nhân dân nhằm gây ra tình trạng mất an ninh chính trị và trật tự xã hội ở miền Bắc khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang đi vào giai đoạn cuối cùng quyết định.

1- Kiên quyết đấu tranh với các hành vi phạm tội

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước sang thời kỳ mới. Công cuộc đấu tranh bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam ngày càng trở nên quyết liệt và sắp đi đến Tổng tấn công, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ở miền Nam, chiến lược“Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ đã hoàn toàn bị phá sản và chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” cũng sắp bị phá sản nốt. Sau những thất bại liên tiếp, địch càng ráo riết tiến hành chiến tranh tâm lý, chiến tranh gián điệp, bạo loạn lật đổ chính quyền, gây rối trật tự công cộng… nhằm phá hoại thành quả cách mạng của quân và dân hai miền Nam, Bắc.

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người

Phiên tòa hình sự của Tòa án Quân sự Quân khu Hữu ngạn diễn ra tháng 10 năm 1974 xét xử Lê Xuân Dân, Nguyễn Hoàng Liêm và đồng bọn phạm tội “Bạo loạn” ở Ninh Bình, Thanh Hóa hồi tháng 6, tháng 7 năm 1974.

Tối 29-6-1974, tại bãi chiếu phim thị xã Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, đối tượng Nguyễn Hoàng Liêm và đồng bọn chủ động sự gây sự đánh một quân nhân. Đội Kiểm soát quân sự của Quân khu Hữu ngạn đã bắt được Đỗ Xuân Nhung, Nguyễn Văn Cao. Cơ quan Kiểm soát quân sự tạm giữ Cao vì không có giấy tờ tùy thân; còn Liêm và các tên khác trốn thoát. Liêm và đồng bọn nhân chuyện Cao bị bắt giữ đã xuyên tạc, vu cáo các chiến sĩ Công an và Kiểm soát quân sự đã vô cớ đánh đập sỉ nhục và bắt đưa đi mất tích người của bọn chúng và lan truyền tin đồn xuyên tạc này đi nhiều nơi. Chúng đã vào Đoàn an dưỡng 580, cấu kết với những phần tử xấu kích động lôi kéo một số quân nhân yếu kém khác theo chúng. Nguyễn Hoàng Liêm đã tụ tập các tên Lê Xuân Dân, Nguyễn Văn Sang, Huỳnh Tấn Tới, Đỗ Xuân Nhung và một số tên khác cùng nhau bàn bạc kế hoạch gây bạo loạn rồi phân công nhau đi liên lạc và kích động ở nhiều nơi để phối hợp hành động.

Sáng 10-7-1974, Nguyễn Văn Sang, Lê Xuân Dân cùng đồng bọn chặn bắt 2 xe ô tô chở khách, đuổi hành khách xuống xe và buộc lái xe phải chở bọn chúng đi từ làng Kiểu (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) ra Ninh Bình. Dọc đường, chúng dừng xe hành hung, cướp súng đạn của 4 đồng chí bộ đội đi công tác lẻ. Trong các ngày 10 và 11-7-1974, tại thị xã Ninh Bình, bọn chúng đã có những hành vi xâm phạm an ninh trật tự, gây bạo loạn như: đánh đập, bắt trói, tước vũ khí của bộ đội, công an và đánh đập người dân; đột nhập, phá phách, chiếm giữ nhiều cơ quan đơn vị, bưu điện thị xã, Quân y viện 5, Ty Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh Ninh Bình… làm tê liệt nhiều cơ quan đầu não của tỉnh trong nhiều ngày. Chúng đã phá hủy, phá hỏng 7 máy điện thoại, 3 tủ tài liệu, cướp đoạt 4 súng trường, 20 súng ngắn, đạn dược, dao găm và nhật ấn bưu điện; đánh hàng chục người bị thương trong đó có cả cụ già, phụ nữ có thai, trẻ em; cướp đoạt nhiều tài sản của nhân dân.

Trong các vụ cướp phá, các đối tượng đã hô khẩu hiệu đòi thả người bị bắt (tên Nguyễn Văn Cao), đưa ra những yêu sách như: đòi thả những tên phạm pháp đã bị bắt giữ từ lâu, đòi trừng trị những chiến sĩ Công an và chiến sĩ Kiểm soát quân sự đã bắt giữ kẻ phạm pháp; đòi Công an và Kiểm soát quân sự không được kiểm soát sự đi lại, hoạt động của bọn chúng; đòi không được xử lý kỷ luật và pháp luật đối với bọn chúng về hành vi gây bạo loạn; đòi lập biên bản và hăm dọa nếu không thực hiện các yêu sách kể trên thì chúng sẽ làm to chuyện và hậu quả sẽ lớn gấp nhiều lần. Yêu sách ngang ngược của bọn chúng không được cơ quan chức năng của ta chấp nhận. Trước sự sẵn sàng đối phó kiên quyết của ta, bọn chúng phải giải tán khỏi thị xã Ninh Bình. Nhưng nhiều tên đã không chịu giao nộp súng, tung tin xuyên tạc, gây rối ở thị xã Thanh Hóa, hành hung cán bộ đơn vị, dân quân, công an địa phương, kích động đồng bọn tiếp tục hoạt động phá hoại lớn hơn.

2- Truy bắt và xét xử đúng người, đúng tội

Trước diễn biến trên, các lực lượng An ninh quân đội và Công an nhân dân đã triển khai các mũi trinh sát rất mạnh để truy quét, bắt giữ những kẻ phạm tội. Xét những hành vi của các đối tượng trong vụ án, các cơ quan chức năng có hai quan điểm giải quyết vụ án. Đa số cho rằng đó là hành vi bạo loạn với động cơ chống đối chính quyền, cần xử phạt nghiêm khắc. Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng hành vi của các bị cáo chỉ là gây rối làm mất trật tự trị an và yêu cầu có chế độ chính sách ưu đãi đối với những kẻ thoái hóa, biến chất. Sau nhiều lần bàn bạc, các cơ quan bảo vệ pháp luật đều thống nhất hành vi của các bị cáo có dấu hiệu của tội “bạo loạn”. Nguyễn Hoàng Liêm và 8 bị cáo khác bị Viện Kiểm sát quân sự Quân khu Hữu Ngạn truy tố về tội “bạo loạn”

Trong các ngày 12 và 13-12-1974, Tòa án quân sự Quân khu Hữu Ngạn đã mở phiên tòa do trung tá Tô Minh Tuấn làm chủ tọa đã xét xử các bị cáo trong vụ án này. Tại phiên tòa, chủ tọa phiên tòa, thẩm phán và các hội thẩm quân nhân đã làm rõ đối tượng Nguyễn Hoàng Liêm vốn là kẻ côn đồ, sống trụy lạc trong vùng địch tạm thời kiểm soát ở miền Nam; có chị gái làm gián điệp cho địch(tham gia biệt đội Thiên Nga) đã bị lực lượng An ninh miền Nam của ta trừng trị. Y đã trà trộn vào lực lượng vũ trang nhân dân của ta, được ra Bắc an dưỡng vào tháng 3-1971. Y căm ghét chế độ xã hội chủ nghĩa; cấu kết, tụ tập những phần tử xấu truyền bá tư tưởng phản động, nói xấu chế độ xã hội chủ nghĩa. Đã trên hai chục lần, Liêm cùng đồng bọn đi gây gổ đánh người, phá rối trật tự trị an ở nhiều thành phố, thị xã. Viện Kiểm sát quân sự xác định Liêm là phần tử chống đối trà trộn vào tổ chức quân đội để phá hoại. Trong vụ bạo loạn vừa diễn ra, y là kẻ chủ mưu rất nguy hiểm.

Trước vành móng ngựa, Nguyễn Hoàng Liêm đã khai nhận: Do sẵn có lòng căm thù đối với Công an Ninh Bình, lại sợ tên Cao khai ra vụ xảy ra ngày 29-6-1974 thì sẽ bị Công an bắt nên đã trộn vào Đoàn an dưỡng 580 (đóng cạnh Quân y viện 5), một phần để tìm thẻ thương binh đã bị mất, mặt khác để kích động quần chúng, làm cho quần chúng căm thù, uất ức với Công an Ninh Bình dẫn đến việc làm loạn ngày 10-7-1974… Liêm tung tin là “Tình hình Ninh Bình hiện nay rất căng, bọn công an, quân cảnh đi từng tốp ba đến năm người, gặp chúng ta bọn nó khiêu khích, anh em mình mà gây ra chuyện gì là chúng nó bắt ngay” (nguyên văn lời của Liêm khai trước tòa). Trả lời câu hỏi của chủ tọa phiên tòa về mục đích cuộc bạo loạn, Liêm khai nhận: “Nhằm mục đích phá Công an, làm mất uy tín, hiệu lực của Công an và dần dần người ta làm được, mình cũng làm được, người khác cũng làm được, dẫn đến có sự thay đổi về chế độ… Tôi là kẻ chủ mưu gây ra cuộc bạo loạn này” (Nguyên văn lời khai của Nguyễn Hoàng Liêm trước tòa).

Đối với tên Lê Xuân Dân thì hắn vốn là một tên cán bộ bình định, gián điệp của Mỹ – ngụy. Dịp tết Mậu Thân (1968) y về quê ăn tết thì bị bộ đội ta tấn công. Y không trở về đồn địch được nên đã trà trộn vào hàng ngũ ta ra hậu cứ, xâm nhập vào lực lượng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Khi bi ốm, y được đưa ra Bắc điều trị, an dưỡng. Y đã giấu kín lai lịch của mình và thường kích động những người bất mãn, những quân nhân chậm tiến phát ngôn đả kích cán bộ, đả kích chế độ, đe dọa nhân dân… Trong vụ bạo loạn y là kẻ tích cực đi lừa gạt, lôi cuốn, tụ tập nhiều người, dẫn đầu đồng bọn chiếm đoạt xe khách, cướp súng, đột nhập phá loại ở các cơ quan, bắt giữ cán bộ rồi hành hung, đánh đập nhiều người. Sau khi vụ bạo loạn bị các lực lượng của ta ngăn chặn và buộc phải giải tán, y vẫn cất giấu vũ khí, tụ tập đồng bọn để chuẩn bị cho một cuộc bạo loạn mới. Dân cũng là một trong những tên cầm đầu chỉ huy cuộc bạo loạn. Hành vi phạm tội của y bộc lộ rất rõ bản chất hung hãn của một tên cán bộ bình định của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn và đã gây nhiều tội ác. Lê Xuân Dân khai nhận: “Chiều ngày 9-7-1974, tôi lên Đại đội 124 để gặp Sang và Tới bàn kế hoạch đi gây bạo loạn ở Ninh Bình… Dọc đường đi, tôi đã làm áp lực cho đồng bọn cướp súng của bộ đội và nhân viên nhà nước, hô đồng bọn vào cướp súng”. Y thú nhận: “Sở dĩ tôi phạm tội là vì cuộc đời quá khứ của tôi đã sống nhiều năm trong chế độ ngụy quyền tay sai Nguyễn Văn Thiệu, tôi đã bị tiêm nhiễm nhiều tư tưởng phản động của địch tuyên truyền chống cộng, ảnh hưởng rất sâu sắc lối sống sa đọa, du đãng, cao bồi”. Sau khi được ngụy quyền cho đi học lớp cán bộ bình định nông thôn, Dân đã tự nguyện làm tay sai cho chúng, đi điều tra, phát hiện cơ sở cách mạng để báo cho ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn đàn áp, đồng thời trực tiếp làm công tác chiến tranh tâm lý”. Y luyến tiếc cuộc sống cũ, có lần y đã có định chạy trốn và vượt tuyến về miền Nam. Thế nê nên khi bọn xấu tổ chức gây bạo loạn, Dân đã có những hành động rất hung hãn chống lại chính quyền, chống lại lực lượng vũ trang nhân dân, gây ra nhiều tai hại cho chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương, phá hoại chính sách của Đảng.

3- Áp dụng hình phạt nghiêm minh

Âm mưu, mục đích, hành vi phạm tội của các bị cáo được hội đồng xét xử làm rõ trong phiên tòa. Trước những tang vật vụ án, các bị cáo hoàn toàn thừa nhận tội lỗi của chúng. Hội đồng xét xử sau khi thẩm vấn công khai, nghe các nhân chứng và xem xét các vật chứng đã có đầy đủ căn cứ kết luận các bị cáo Nguyễn Hoàng Liêm, Lê Xuân Dân, Nguyễn Văn Sang, Huỳnh Tấn Tới, Võ Ngọc Tư, Nguyễn Văn Đồng, Lê Văn Côi, Đỗ Xuân Nhung, Trần Văn Đen phạm tội “bạo loạn”, tội phạm và hình phạt được quy định ở Điều 7 của Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng do Lệnh số 117/CT của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công bố ngày 10-11-1967.

Trong phần tuyên án, Hội đồng xét xử nêu rõ: Các bị cáo đã tụ tập đông người, vũ trang công khai, chiếm đoạt phương tiện giao thông của Nhà nước, cướp nhiều vũ khí của Quân nhân và Công an; chiếm giữ Quân y viện 5 làm sở chỉ huy và hậu cần. Từ đó đột nhập phá hoại Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh, Ty Công an và một số cơ quan khác ở thị xã Ninh Bình. Chúng đã bắt giữ, uy hiếp, đánh đập cán bộ Công an, Quân nhân và Nhân Dân rất tàn nhẫn; chống đối mệnh lệnh chỉ huy từ đội, đoàn đến chính ủy quân khu; phá hủy, phá hỏng và chiếm đoạt một số tài sản của nhà nước và của công dân; phá hoại trật tự trị an ở thị xã Ninh Bình, thị xã Thanh Hóa và khu vực huyện Yên Định. Hội đồng xét xử xác định: Tính chất hành vi phạm tội của các bị cáo là rất nghiêm trọng. Đây là vụ bạo loạn phản cách mạng do những phần tử thoái hóa, biến chất đã kích động, cưỡng ép một số quân nhân yếu kém vô kỷ luật gây ra. Hành động của bọn chúng là chống lại Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang nhân dân, gây tội ác với nhân dân, phá hoại tình đoàn kết quân dân, làm cho nhân dân bất bình căm ghét… Mục đích phản cách mạng của vụ án đã thể hiện rõ trong hành vi phạm tội, mục tiêu phá hoại, khẩu hiệu hành động của chúng, nhằm làm cho hệ thống chuyên chính của ta ở địa phương suy yếu mất hiệu lực, tạo điều kiện cho chúng và những phần tử thù địch khác tiếp tục phá hoại hậu phương của ta.

Tòa án quân sự Quân khu Hữu Ngạn đã xử phạt nghiêm khắc các bị cáo tùy theo tội trạng gây ra. Đối tượng Nguyễn Hoàng Liêm, Lê Xuân Dân là những kẻ chủ mưu, cầm đầu vụ bạo loạn, bị Tòa án tuyên phạt tử hình. Nguyễn Văn Sang bị phạt tù chung thân. Sáu bị cáo khác bị phạt các mức án từ 3 năm đến 15 năm tù. Tòa án đã xét xử đúng người, đúng tội được đông đảo cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tham dự phiên tòa đồng tình với quyết định của Tòa án. Phiên tòa xét xử đã vạch trần những hành vi phá hoại của kẻ địch, có tác dụng đề cao cảnh giác, cổ vũ việc đấu tranh chống lại những hành động chống đối của các phần tử thù địch; góp phần bảo vệ an ninh, chính trị, củng cố thêm sức mạnh cho quân và dân ta chắc tay súng, chiến đấu vì miền Nam ruột thịt, tiến tới Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đánh tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền Sài Gòn được Mỹ yểm trợ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước./.

Nguyễn Minh Tâm

Facebook Comments