“Điệp vụ hạt nhân Đà Lạt”: sự kiện có thật được Mỹ giải mật năm 1997

share on:

Mùa xuân năm 1975, khi Quân Giải phóng dần tiến sát Đà Lạt, giám đốc Trung tâm nghiên cứu nguyên tử Đà Lạt đã đến Sứ quán Mỹ tại Sài Gòn cảnh báo một tin tức động trời: tại đó còn có plutonium và uranium đã làm giàu. Đây là những nguyên liệu phóng xạ được Mỹ chuyển cho VNCH nhằm phục vụ nghiên cứu theo chương trình Nguyên tử vì Hòa Bình từ năm 1962.

Nhà khoa học Mỹ thu thanh nhiên liệu hạt nhân


Ngày 24/3/1975, Kissinger điện cho Sứ quán tại Sài Gòn ra lệnh: phá hủy lò hạt nhân nếu không thể thu hồi các thanh nhiên liệu; không thể để rơi vào tay Quân Giải phóng vì ở đó có những công nghệ rất tiên tiến mà Liên Xô cũng chưa sở hữu lúc bấy giờ.

Hai nhà khoa học Mỹ tại Sài Gòn đã tình nguyện thi hành nhiệm vụ cảm tử này: đến Đà Lạt thu hồi các thanh nhiên liệu. Đó là Wally Hendrickson và John Horan. Họ được cảnh báo sẽ không có cứu viện nếu điệp vụ thất bại, và cách trốn thoát duy nhất là đi bộ 50 dặm về phía biển nếu “Việt Cộng” chiếm được Đà Lạt. Hơn thế nữa, họ sẽ phải tự chịu trách nhiệm cá nhân nếu bị bắt, và có khả năng bị “Việt Cộng chặt đầu”. Hendrickson cho rằng chỉ có 50% cơ hội để thành công.

Đại tá Rich Miller thì tính toán lượng TNT để có thể chôn vùi lò phản ứng. Vụ nổ nếu có không đến mức như bom nguyên tử, xong dự kiến cũng sẽ tương đương với một quả “bom bẩn”, sẽ chết hàng ngàn người, và khu vực quanh đó sẽ phải bị bỏ hoang hàng thế hệ.

Điệp vụ được chọn tiến hành vào ngày 30/3/1975, là ngày lễ Chủ nhật Phục sinh, nhằm hạn chế sự chú ý của “Việt Cộng”. Máy bay vận tải chở họ cùng thiết bị đến Đà Lạt. Thành phố hỗn loạn. Họ nhìn thấy lính Nam Việt Nam tuần soát, thấy người tị nạn tràn ngập sân bay, và thậm chí thấy cả tù binh “Việt Cộng”. Tiếng đạn chíu chíu khắp nơi.

Lầu Năm Góc ra lệnh cấm máy bay mang người tị nạn trở lại Sài Gòn. Nhưng Đại sứ Martin thì kiên quyết: “không chở người tị nạn – thì cũng chẳng có điệp vụ”. Mất 90 phút để Lầu Năm Góc đồng ý.

Họ lập tức tiến hành công việc: xây tường bảo hộ, nhấc từng thanh nhiên liệu bằng tay thay vì cần cẩu nhằm tiết kiệm thời gian. Để hạn chế bị ảnh hưởng bởi phóng xạ, bốn người đã tiến hành luân phiên: khi một người nâng thanh nhiên liệu, thì ba người còn lại nấp sau tường bảo hộ.

Cùng lúc, Quân Giải phóng cũng nhận được mệnh lệnh phải kiểm soát an toàn mục tiêu lò phản ứng ngay sau khi vào Đà Lạt, vì ở đó có “hàng Mỹ”.

Hai giờ sáng ngày 31/3, công việc thu hồi hoàn thành, và máy bay đã lập tức chở 67 thanh nhiên liệu về Mỹ. Các nhà khoa học rời đi sau trên một máy bay khác cùng nhiều người tị nạn chỉ vài tiếng trước khi Đà Lạt “thất thủ”. Nguy cơ phải đánh sập lò phản ứng đã được loại trừ.

Điệp vụ thành công mỹ mãn. Nhưng…….

TRỚ TRÊU thay, đến tận năm 1979, Mỹ mới nhận ra cái thu hồi được từ Đà Lạt không phải là “hàng xịn”: 80 gam nhiên liệu hạt nhân của họ vẫn còn nguyên ở Việt Nam. Tuy còn xa mới đủ mức chế tạo vũ khí hạt nhân, nhưng Mỹ vẫn giữ kín bí mật này trong nhiều năm.

[Tham khảo]:

*nytimes.com/1997/01/16/world/now-it-can-be-told-plutonium-and-a-do-or-die-vietnam-foray.html
* claysbeach.blogspot.com/2015/07/exposed-us-had-plans-to-nuke-vietnam.html?m=1
* m.lasvegassun.com/news/1997/jan/16/doe-reveals-vietnam-plutonium-mistake/
* rootsaction.org/news-a-views/962-vietnam-war-nuclear-mission

– LSVN- vnw

Facebook Comments