‘Nghe điện 5 giây mất 30 triệu đồng’ là tin giả

share on:

Hàng chục nghìn người dùng Facebook đang chia sẻ nội dung “mất tiền sau khi nghe cuộc gọi”, nhưng Cục An toàn thông tin khẳng định đây là tin giả.

Sáng 25/4, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia NCSC, thuộc Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông cảnh báo về tin giả đang lan truyền trên mạng xã hội về việc bị trừ tiền và mất hết dữ liệu cá nhân khi bắt máy nghe điện từ đầu số lạ.

Cụ thể, trên Facebook, nhiều tài khoản thông tin bạn bè, người thân của họ đã bị mất hàng triệu đồng chỉ vì nghe cuộc gọi từ đầu số 02 hay 05.

“Mẹ em nhận được cuộc gọi và nghe máy nhưng không có hồi âm. 5h mẹ em dậy thấy điện thoại sập nguồn. Nhưng khi bật lên thấy pin máy là 99%, nghi là bị đánh sập chứ không phải do hết pin”, tài khoản có tên Thanh Thúy đăng câu chuyện. Người này cho biết sau đó đã kiểm tra tài khoản ngân hàng và phát hiện bị trừ 30 triệu đồng, đồng thời bị yêu cầu đặt lại mật khẩu và FaceID.

Tài khoản trên cũng khẳng định “đây là câu chuyện có thật, đã trình báo cơ quan công an và được hướng dẫn không sử dụng app của ngân hàng”. Sau một tuần, bài viết của Thúy có hơn 7,5 nghìn lượt chia sẻ, 5 nghìn bình luận và được nhiều fanpage, người dùng đăng lại.

Ảnh chụp màn hình một bài đăng trên Facebook, sau đó được NCSC xác định là tin sai sự thật.

Ngoài ra, một kịch bản khác cũng được một số người nhắc đến là “nhấc máy 5 giây bay luôn 1,2 triệu đồng”, kèm ảnh chụp danh sách cuộc gọi, thông báo biến động số dư từ ngân hàng. Nguyễn Công, ở Thường Tín (Hà Nội), là một trong những người nói mình là nạn nhân trên trang cá nhân. Tuy nhiên, anh thừa nhận “cũng chỉ chia sẻ lại thông tin” và đã xóa bài.

Theo NCSC, chuyện mất tiền và mất dữ liệu khi nghe điện thoại từ số lạ là hoàn toàn sai sự thật. Các cuộc gọi trên là từ số điện thoại thông thường, nên thao tác nhận cuộc gọi sẽ không gây ra vấn đề gì nghiêm trọng. Trong trường hợp người dùng gọi lại hoặc làm theo hướng dẫn, họ có thể bị trừ cước viễn thông. Kẻ gian không thể xâm nhập được điện thoại của người dùng chỉ với thao tác như trên.

NCSC cho biết việc mất dữ liệu cá nhân, danh bạ, thẻ ngân hàng… có thể xảy ra nếu kẻ gian gửi kèm một liên kết dẫn dụ người dùng bấm vào, khiến thiết bị bị dính phần mềm độc hại hoặc bị chuyển hướng đến trang đánh cắp thông tin.

Trước đó, mạng xã hội cũng lan truyền tin “mất sạch tài khoản khi nghe cuộc gọi FlashAI” và được các chuyên gia khẳng định là tin giả. Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty An ninh mạng NCS, hiện chưa từng ghi nhận giải pháp công nghệ cao nào có khả năng xâm nhập thiết bị di động của người dùng chỉ qua một cuộc gọi tại Việt Nam.

“Trên thực tế vẫn có hình thức tấn công qua số điện thoại, lợi dụng lỗ hổng hệ thống hoặc bảo mật chip để cài phần mềm gián điệp. Tuy nhiên, giải pháp đó khó thực hiện qua cuộc gọi mạng di động, đồng thời yêu cầu kỹ thuật cao, phức tạp để có thể thực hiện thành công”, ông Sơn nói.

Tại cuộc họp ngày 6/4, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá tin giả là một trong những vấn đề còn tồn tại của TikTok, Facebook, YouTube. Ngoài việc xử lý nền tảng, người đăng và lan truyền tin giả cũng có thể bị xử phạt. Bộ khuyến nghị người dân cần “suy nghĩ kỹ” trước khi đăng nội dung trên mạng để tránh vô tình phát tán tin giả.

“Mọi người cần luyện thói quen không tin ngay vào mọi thứ thấy trên mạng, suy nghĩ hai lần trước khi chia sẻ thông tin, bình luận về tin tức trên mạng, đồng thời tham khảo ý kiến bạn bè hoặc chờ xác nhận từ cơ quan có thẩm quyền”, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, nói trong một cuộc họp cuối năm ngoái.

Lưu Quý/VNE

Facebook Comments