Những tượng đài bất tử trên biển

share on:

Sau 26 năm chốt giữ, bảo vệ vùng biển, trời thềm lục phía Nam tổ quốc, có không ít cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hi sinh và trong số đó có những chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại nơi ngàn khơi.

Khúc bi hùng cùng niềm kiêu hãnh

Câu chuyện xúc động ấy, một lần nữa chúng tôi được nghe Trung tá Bùi Xuân Bổng (Tiểu đoàn DK1), người sống sót trở về trong vụ sập nhà giàn Phúc Tần 3, cách đây 25 năm kể lại. Những tưởng thời gian sẽ phần nào làm vơi đi những mất mát, ký ức đau thương; nhưng không, đối với anh, đó là nỗi đau đầy kiêu hãnh. Hồi tưởng lại quá khứ trong niềm xúc động, Trung tác Bổng kể, vào chiều ngày 4/10/1990, trời đang trong xanh bỗng dưng sóng gió đùng đùng nổi lên. Những con sóng cuồn cuộn từ lòng biển dựng lên như vách núi rồi đổ ập xuống nhà giàn. Làm thế nào để sống đây, khi không có phương tiện cứu hộ nào ngoài 5 chiếc áo phao cá nhân cũ? Trong khi sóng mỗi lúc một lớn, nhà giàn chao đảo mạnh.

“Đây là nhà giàn thế hệ đầu tiên, chiều cao từ mặt biển lên sàn chỉ 7 mét, nên sóng cấp bốn là đã trùm lên sân thượng. Anh em chúng tôi lúc đó không biết có bão đến vì không có thông tin gì. Biển mịt mù, sóng dâng cao như quả núi liên tiếp ập vào nhà giàn. Những tấm gỗ mặt sàn bật tung. Tất cả đều ướt. Bằng mọi cách phải sống và trở về, nghĩ vậy, tôi đã bàn với chú Quảng, Phó chỉ huy trưởng, lấy dây dù kết thành phao bè để khi xuống biển có cái mà bám vào. Nhà giàn có 8 người nhưng chỉ có 5 cái áo phao cá nhân, một cái rách không có giây buộc, phải ưu tiên cho 5 đồng chí bơi yếu, còn lại cởi trần nhảy xuống biển”, Trung tá Bổng ứa nước  mắt hồi tưởng lại giờ phút bi thương ngày ấy.

Những tượng đài bất tử trên biển

Đoàn công tác thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ DK1 đã hi sinh trên biển

Rạng sáng ngày 5/12, những con sóng lớn liên tiếp, dồn dập, trong tích tắc nhà giàn chìm vào đêm đen. Tất cả lao ra khỏi nhà giàn, lao xuống biển một cách vô định, không biết bơi về đâu. Trời tối đen như mực, không ai nhìn thấy ai dù chỉ cách trong gang tấc. Tất cả chỉ còn nhận ra nhau qua tiếng gào thét. Đúng lúc đó, anh Bổng nghe tiếng anh Hồ Thế Công và Phạm Xuân Quỳnh, liền hét lớn “Quỳnh ơi, Công ơi, anh ở đây”, rồi rướn mình cho phao lao về phía trước. Công và Quỳnh đã bám được vào mảnh phao bè. Chiếc áo phao của anh Quỳnh bị sóng đánh rách mất một nửa, Công không còn đủ sức bám vào phao nữa. Anh Bổng xé áo mình làm dây, buộc tay Công vào mảnh phao bè, để nếu chết thì vẫn còn xác. Cả ba anh bám vào phao bè suốt gần một đêm, một ngày lênh đênh trên biển như thế, ai cũng động viên nhau cố sức bám trụ, chờ tàu đến cứu. Nếu không có tàu đến cứu thì cũng chuẩn bị tâm lý sẵn sàng hi sinh, chìm vào lòng biển, vì không còn sức nữa. Báu và Trung bám được vào một thùng phuy trong sóng dữ.

Trong khi đó ở một nhóm khác, chính trị viên Nguyễn Hữu Quảng cùng y sĩ Trần Văn Là, chiến sĩ cơ điện Hồ Văn Hiền bám vào thanh gỗ cố chống chọi với bão tố. Anh em lấy lương khô ăn để cố giữ sức. Lương khô mặn chát vì thấm nước biển. Biết mình không trụ được nữa, Quảng đã nhường lại miếng lương khô cuối cùng và chiếc áo phao của mình cho Hồ Văn Hiền rồi chìm vào lòng biển. Có ngờ đâu, Là và Hiền cũng bị bão tố nhấn chìm ngay sau đó. Sau 20 giờ tăng tốc, ngụp lặn trong sóng gió, tàu cứu hộ HQ-711 đã cứu được Bổng, Quỳnh, Công, Báu, Trung. Tàu HQ-711 tiếp tục tìm kiếm đến ngày thứ hai, thứ ba và những ngày sau đó, nhưng không thấy Quảng, Hiền, Là đâu nữa. “Đó là những phút giây bi hùng đau thương nhưng kiêu hãnh nhất của đời lính”, Trung tá Bổng mắt đỏ hoe kể lại.

Có cái chết hóa thành bất tử

Là một trong 10 liệt sĩ của nhà giàn DK1 tính đến thời điểm này, liệt sĩ Anh hùng lực lượng VTND Đại úy Vũ Quang Chương được thế hệ những người lính hải quân biết đến như đỉnh cao của đức hi sinh quên mình vì tổ quốc. Hành động ôm cờ tổ quốc, cùng đồng đội chống chọi với bão tố đến hơi thở cuối cùng, mãi là biểu tượng đẹp đẽ nhất của người lính biển. Lịch sử mãi mãi ghi danh, nhân dân đời đời ghi nhớ, biển xanh vọng mãi tên anh- người lính bất tử của tổ quốc trong thời bình.

Để hiểu rõ hơn về sự hi sinh kiên cường của 9 cán bộ chiến sĩ nhà giàn Phúc Nguyên 2A trong cơn bão tháng 12 năm 1998, chúng tôi tìm đến nhà anh Hoàng Văn Thủy, nguyên chiến sĩ báo vụ 1 của nhà giàn Phúc Nguyên 2A (DK1/6) thủa ấy. Nhà giàn DK1/6 thuộc lớp thế hệ thứ 2, được xây dựng vào năm 1991 đóng trên bãi cạn Phúc Nguyên. Giống như nhà giàn DK1, nhà giàn DK1/6 cũng phải chịu những tổn thất nặng nề và chứng kiến sự hi sinh anh dũng của các chiến sĩ tại nhà giàn, trong cơn bão Fathes vào ngày 12/12/1998.

Đã 17 năm trôi qua, thế nhưng mỗi lần nhắc đến những ký ức đau thương năm nào, anh Hoàng Văn Thủy vẫn không kìm được nước mắt. Anh kể, sau khi nhận được lệnh từ Sở Chỉ huy, Lữ đoàn 171, đồng chí chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/6 khi đó là Đại úy Vũ Quang Chương đã nhanh chóng hội ý, giao nhiệm vụ cho từng người, làm tốt công tác chẩn bị, sẵn sàng đối phó với tình huống xấu nhất xảy ra. Sóng mỗi lúc một lớn hơn và dữ dội. Những con sóng lừng lững như quả núi liên tiếp ập đến làm nhà giàn rung lắc mạnh. Mặt biển mịt mù trắng xóa, gió rít ầm ầm. Nhà giàn lắc lư chao đảo theo sóng.

“Khi ấy, biết không trụ được trước những đợt bão tố, anh Chương lặng lẽ đến mở tủ, cầm lá cờ tổ quốc ôm lên ngực mình rồi gấp gọn cùng với cuốn sổ vàng truyền thống cho vào bao gói chặt và rời nhà giàn sau cùng. Thời điểm ấy tôi cũng nghĩ là mình chết chứ không sống được. Khi đó tôi đã gọi điện cho chị Vân ở đài canh 01 dặn dò: Nếu em chết, nhờ chị viết thư về gia đình báo cho nhà em biết nhé. Khi ấy, tôi nghe rõ chị Vân khóc trong máy…Bất ngờ một con sóng lớn ấp tới, tôi chỉ kịp nghe anh Chương gọi: Thủy ơi! Nhà giàn không đổ, rồi con sóng lớn nhấn chìm tôi và anh Chương xuống biển. Trong trận bão ấy, 6 chiến sĩ đã hi sinh”, anh Thủy nấc nghẹn kể lại.

Có lẽ, khi nhắc đến sự hi sinh của các chiến sĩ tại nhà giàn DK1, chúng ta không thể không nhắc tới người liệt sĩ thứ 10, Đại úy Dương Văn Bắc. Chiến sĩ ấy đã hi sinh vào ngày 7/10/2014 tại nhà giàn DK1/11, trong khi đang làm nhiệm vụ kiểm tra hệ thống vật cản dưới sàn cập tàu, nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho nhiệm vụ chống biệt kích, người nhái ban đêm. Khi công việc gần hoàn tất, bất ngờ một cơn sóng lớn dữ dội đánh trùm qua sàn cập tàu, tràn lên mép chiếu nghỉ. Mặc dù đã bám chặt vào lan can, gồng mình chống đỡ, nhưng sức mạnh của cơn sóng đã đánh bật lan can, kéo anh Bắc xuống biển sâu. Mặc dù sau đó anh Bắc được tìm thấy và được các bác sĩ của Viện Quân y 175 tận tình cứu chữa, nhưng người chiến sĩ ấy đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay đồng đội ngay sau đó…

Trong 10 chiến sĩ hi sinh tại nhà giàn DK1, có 6 cán bộ, chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại ngàn khơi, mộ của các anh là những ngọn sóng bạc đầu, máu đào của các anh hòa vào lòng biển, xương cốt các anh hóa đá san hô nằm tận biển sâu. Các anh đã khắc vào lòng biển một tượng đài của đức hi sinh quên mình vì tổ quốc.

Lịch sử là một dòng chảy liên tục, lịch sử không bao giờ quên những người lính nhà giàn DK1 đã hi sinh vì chủ quyền tổ quốc. Chẳng ai muốn cuốn sổ truyền thống của Tiểu đoàn DK1 thêm dòng mực mới, nhưng 10 cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh trên biển phía Nam, đã hóa thành tượng đài bất tử. Tượng đài ấy sống mãi trong lòng nhân dân và các thế hệ hải quân, để mỗi lần khách từ đất liền ra thăm lại thêm một lần khâm phục, nhắc nhớ.

Mai Thắng/Lao động Thủ đô

Facebook Comments