Số phận của những “cây nhiệt đới”

share on:

“Cây nhiệt đới” – tên gọi có vẻ “thực vật” nhưng lại là một loại khí tài trinh sát điện tử “tinh quái” mà Mỹ sử dụng nhiều trong chiến tranh ở Việt Nam, giờ hầu như chỉ còn thấy trong bảo tàng. Chẳng ngờ, lần vào Quảng Trị mới đây tôi lại được thấy một cây “xịn” trong cửa hàng phế liệu chiến tranh và nó đã trở thành “hàng độc” được săn lùng trong giới chơi… “đồ cổ chiến tranh”!

Bất ngờ gặp “tên chỉ điểm”

Tới thị trấn Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, nghe nói vẫn còn một cửa hàng phế liệu chiến tranh còn hoạt động khá “xôm tụ”, tôi lập tức tiếp cận ngay.

Một cuốc xe ôm đưa tôi từ thị trấn ra xã Tân Hợp, dừng chân trước ngôi nhà xập xệ với tấm biển “Thu mua sắt vụn”. Anh xe ôm ghé tai tôi trước khi nhấn ga “bái bai”: “Nhà ông Nguyễn Phúc, chuyên buôn bán phế liệu chiến tranh đó!”.

Tôi lò dò bước vào ngó nghiêng. Sắt vụn, thùng phuy, dây thép gai, tôn lá ngổn ngang xen lẫn vỏ bom tấn, vỏ đạn la liệt. Nhiều vỏ bom đã gỡ hết thuốc, cưa bổ đôi nằm lổn nhổn bên cạnh một bình gas, một máy cưa bom tự chế.

– Đi đâu đấy! Ông già tui không có nhà đâu?

Tôi lúng túng trả lời khi cậu thanh niên cởi trần, quần đùi màu cháo lòng chạy ra, tay lăm lăm con dao rựa:

– Tôi… tôi đi xem có gì hay thì mua thôi mà!

– Ờ… ờ, xem đi!

Quân đội Mỹ thả “cây nhiệt đới” ở rừng Trường Sơn

Trấn tĩnh hơn khi nghe cậu ta đáp lời, tôi kịp hỏi và biết ông Nguyễn Phúc, chủ cửa hàng đi vắng, cậu con trai thì hỏi gì cũng “không biết đâu”, “đợi ông già về mà hỏi”. Lại càng hay! Thế là tôi có dịp sục sạo khắp cửa hàng của ông. Vỏ bom, đầu đạn pháo, mũ sắt có cả. Tôi còn kịp tìm thấy cả bản cam kết không tàng trữ, mua bán vật liệu nổ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ mà ông Phúc ký, có cả dấu đỏ của công an chứng nhận.

– Này! Có thứ gì hay hơn không? Tôi hỏi cậu thanh niên với vẻ gợi ý.

– Đây! Vào đây… Cậu ta bỗng dưng hồ hởi đưa tôi ra góc khuất gần cửa nhà, chỉ vào một ống thép sơn màu xanh, dựng trên vỏ quả bom tấn – mua thứ này không? Nhiều người hỏi lắm đó! Cây nhiệt đới!

Tôi sững sờ giây lát rồi thốt lên! Đúng nó rồi! Cây nhiệt đới, thứ mà hồi học phổ thông ở môn lịch sử đã nhiều lần chúng tôi được nghe cô giáo nói. Gọi là “cây” nhưng nó chẳng hề “thực vật” tý nào mà toàn bằng sắt và thiết bị điện tử. Nó còn “tinh quái” đến mức: thính hơn “chó săn”, tinh hơn trinh sát, nhanh hơn thám báo và trong mắt bộ đội ta, nó còn “khốn nạn” hơn cả một tên… chỉ điểm.

Nghe kể nhiều về nó nhưng tôi cũng mới chỉ được thấy một lần khi vào Bảo tàng Công binh ở Hà Nội. Tưởng là “cây trinh sát” thì nó phải kết cấu phức tạp, cầu kỳ lắm, ai dè chỉ là một trục sắt đã han gỉ, bên trên chỏng chơ bốn cái râu tôm cong queo nhìn chẳng có gì bắt mắt. Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đi cùng hôm ấy bảo tôi: “Ngày trước thứ này Mỹ rải nhiều như… củi dọc đường Trường Sơn. Nhưng sau mấy chục năm, một phần đã han gỉ hết, một phần đi vào các cửa hàng sắt vụn. Giờ thứ này hiếm lắm! Cả Bảo tàng Công binh cũng chỉ có duy nhất một cây nhiệt đới này thôi!”. Thế mà giờ đây tôi lại có dịp “chạm trán”… “tên chỉ điểm” còn mới hơn cả cây tôi đã thấy trong bảo tàng.

Cậu thanh niên thao thao nói, ở vùng này trước đây nhiều cây nhiệt đới lắm nhưng giờ rất hiếm, toàn dân TP Hồ Chí Minh, Hà Nội về mua. Tôi bỗng nhớ có lần Trung tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó tư lệnh Bộ đội Trường Sơn kể: hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra ở Quảng Trị, từ cảng Cửa Việt lên đến đường 9 Nam Lào là nơi có nhiều cây nhiệt đới nhất. Cây nhiệt đới ra đời từ năm 1966, có nhiệm vụ “chỉ điểm” cho máy bay đánh chặn trên đường Trường Sơn. Tính từ năm 1966 tới nay cũng ngót nghét 45 năm rồi, cây nhiệt đới trở thành “hàng độc” cũng phải.

Giờ đây, trước mắt tôi, “cây” này không han gỉ, đen đúa như trong bảo tàng mà còn nguyên màu sơn xanh lá rừng, 4 râu ăng-ten nhọn hoắt. Giờ thì tôi đã hiểu vì sao Mỹ dùng cách gọi “văn vẻ” là cây, dù từ vỏ đến ruột nó toàn sắt. Nó được sơn màu xanh cho giống các loại cây rừng Trường Sơn để lừa ta. Trong ruột của nó có bộ cảm ứng thu các chấn động, bên trong gồm bán dẫn, tụ, kháng được bao bọc bằng lớp nhựa rất cứng và dày; bên ngoài có bốn cái râu (ăng-ten). Nhờ thế, chúng có thể phát hiện hơi người và tiếng động. Từ đây, thông tin chuyển trực tiếp về trung tâm quân sự ở Gu-am và Thái Lan phân tích dữ liệu rồi truyền báo cho máy bay tới bắn phá. Địch có thể “trồng” cây nhiệt đới bằng cách cho máy bay thả bằng dù hoặc cho biệt kích đi cắm, gài. Tuổi thọ của cây nhiệt đới kéo dài khoảng 70 ngày.

Tướng Trường Sơn kể chuyện “cây nhiệt đới”

Hồi cây nhiệt đới mới xuất hiện, bộ đội ta không biết, nhiều đoàn xe bị bắn phá, nhiều bộ đội bị thương vong vì “tên chỉ điểm” này. Sau ta cho bộ đội công binh lùng tìm khắp rừng. Tìm được rồi, ta hóa giải nó quá… đơn giản như dùng hàng trăm vỏ lon thịt hộp, đái vào mỗi lon một ít treo đầy rừng đánh lừa cây nhiệt đới, buộc gập mấy đầu thu của nó lại để không thu được.

Trong cuốn hồi ký “Trường Sơn – có một thời như thế”, Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng, nguyên là cán bộ công binh của Trung đoàn 98 thuộc Binh đoàn Trường Sơn kể, ngày 3/4/1970, đơn vị ông đã “chạm trán” cây nhiệt đới. Ông viết: “Trước khi giao ca giữa máy bay phản lực với máy bay AC130 là chúng trút bom vướng nổ, nhiều ngày không thể phá hết được, chỉ giải quyết trên mặt đường và chiều sâu hai bên đường 15m để thông đường cho xe hàng vào. Sau khi khắc phục đường xong, tôi nhìn đồng hồ trên tay, lúc này là 16 giờ 30 phút, tôi phán đoán giờ này đến khi xe hàng vào sẽ không còn đợt hoạt động nào của máy bay nữa, dòng suy nghĩ của tôi chưa dứt thì máy bay đã ập đến, một tốp 2 chiếc F4 ào tới, chúng lượn một vòng rồi chúc đầu phóng 4 quả bom.

Một số loại bom mìn quân đội Mỹ sử dụng ở Hướng Hóa, Quảng Trị, nơi có hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra

Tôi quan sát thấy vị trí bom rơi cách đài quan sát khoảng 200m, cách đường ôtô 30m, nhưng chờ hồi lâu không thấy bom nổ, tôi gọi điện về sở chỉ huy báo cáo, anh Bằng – Trung đội trưởng lệnh “đồng chí vào kiểm tra, chỉ được phép mặc quần lót, không được mang bất cứ vật gì có kim loại, có thể là bom nổ chậm hẹn giờ hoặc bom từ trường, chú ý bom vướng nổ”. Tôi làm đúng theo mệnh lệnh, nhưng tìm mãi không thấy dấu vết bom, tôi quay lại đài quan sát báo cáo, sở chỉ huy lệnh tiếp: “Điều thêm hai chiến sĩ cùng vào tìm, phải giải quyết xong trước 19 giờ”.

Cả ba chúng tôi sục sạo đi lại hai ba lượt, vị trí đã định vị khi ở đài quan sát, rất may trong đống cây đổ ngổn ngang có một loại cây lạ không lá, tôi liền tới sát gọi hai đồng chí chiến sĩ cùng quan sát, rồi cho hai chiến sĩ quay về chốt báo cáo ngay, xin chỉ huy hướng xử lý. Hai chiến sĩ quay lại thông báo đây là cây nhiệt đới, lệnh tìm thu hết và xử lý bằng việc buộc túm các râu ăng-ten lại. Để chắc ăn, tôi còn quấn trên đầu các ăng-ten bằng vải áo lót xé ra, chỉ sau nửa giờ, chúng tôi tìm được cả 4 cây nhiệt đới xong trước 19 giờ, cũng là lúc xe hàng đầu tiên tới đỉnh dốc, nơi chúng tôi chốt bảo vệ xe qua.

Hôm sau, tôi cưa một cây nhiệt đới thành hai nửa, lấy ra ba tầng linh kiện điện tử và đọc tài liệu mới hiểu. Thực chất là bộ cảm ứng thu các chấn động, được Mỹ chế tạo thành nhiều loại, loại cho biệt kích đem đi đặt, loại cho máy bay thả bằng dù treo trên các cây rừng, còn một loại trang bị cho F4 phóng, mỗi dàn 8 ống phóng, thông thường F4 mang 2 dàn 16 ống phóng, loại trang bị cho F4 được cải tiến từ bộ cảm ứng ASID được gọi là cây nhiệt đới.

Tiếng Anh gọi là Tranggenradio, nghĩa là trinh sát điện tử, một cái tên rất kiêu được tuyên truyền là loại vũ khí siêu lợi hại, biết tất cả mọi hoạt động của bộ đội ta, cây nhiệt đới có loại ngắn, loại dài, thông thường chúng thả loại thân dài 1,24m, đường kính thân 7,6cm, đường kính đuôi 11,7cm, nặng 16,8kg (trông giống như quả đạn tên lửa). Bên trong chứa ba tầng linh kiện điện tử gồm các loại bóng bán dẫn, tụ, kháng… được bao bọc bằng lớp nhựa dày hỗn hợp rất cứng, một khối pin lớn và một micro nối với cần ăng-ten. Cấu tạo bộ ăng-ten gồm 4 râu, một râu thẳng lên trời, ba râu còn lại xòe ba góc, tất cả là màu xanh lá cây trông như một cây rừng rất khó phát hiện. Mục tiêu của cây nhiệt đới là phát hiện chấn động mặt đất, đối với người, cự ly phát hiện là 25-35m, ôtô 200-300m, thời gian hoạt động 65-70 ngày.

Quy trình hoạt động của cây nhiệt đới là thu các tiếng động và chấn động, phát tín hiệu lên không trung cho một máy bay ở độ cao 15-20km, máy bay lập tức phát về trung tâm xử lý. Trung tâm này Mỹ đặt ở đảo Gu-am. Trung tâm xử lý xác định tiếng động của người hay ôtô, xe máy, kho tàng, xác định tọa độ khu vực, sau đó truyền tín hiệu về sở chỉ huy. Chỉ huy sở kiểm tra lại và điều động máy bay ở khu vực gần nhất đến oanh tạc. Quy trình xử lý phát tín hiệu thông tin từ cây nhiệt đới đến các bộ phận chỉ diễn ra trong giây phút. Cây nhiệt đới gây không ít khó khăn cho ta thời kỳ đầu khi ta chưa phát hiện và xử lý được. Sau này ta phát hiện và xử lý được thì cây nhiệt đới không còn tác dụng, thậm chí gây khó khăn và tổn thất ngược lại cho địch.

Tôi đọc tài liệu và thực tế tháo máy ra quan sát đã hiểu được tính năng tác dụng của cây nhiệt đới, liền bàn với chỉ huy và anh em đem ba cây nhiệt đới thu được trả về vị trí cũ, bố trí một đài radio và một máy phát điện, cứ đúng 19 giờ 30 cho phát hai loại máy đến 22 giờ cho tắt, cứ thế 3 đêm liền. Còn đường ôtô cho mở một đường tránh cách 3km, địch có đánh cũng không ảnh hưởng kế hoạch vận chuyển.

Đúng như dự đoán, đến ngày thứ 5, khi gà rừng vừa cất tiếng gáy phía xa báo hiệu buổi sáng đã thấy một máy bay OV10 vè vè lượn đi lượn lại, cứ xoáy tròn khu vực chúng tôi nghi binh địch, chúc đầu phóng một quả đạn khói vào đúng vị trí của ba cây nhiệt đới rồi chuồn thẳng. Chỉ 10 phút sau, hai biên đội F4 và F105 gồm 4 chiếc lao đến gầm rít, lượn hai vòng rồi bổ nhào trút bom phá, bom bi, bom cháy phát quang, chúng dốc vào một khoảng rừng còn sót lại sát trọng điểm, làm cho cây đổ ngổn ngang, cháy đen nham nhở, lẫn với đất đỏ, bùn suối bị bom đào hất tung tóe, trông cảnh tượng thật thảm thương. Cứ thế, chúng oanh tạc 3 lần trong ngày, hàng chục tấn bom đạn ném xuống khu rừng trống vắng, cá suối chết trắng, trôi dạt xuống cuối nguồn, anh em vớt về tổ chức buổi liên hoan mừng chiến công, tất cả các món luộc, rán, nướng, nấu măng đều là cá do máy bay địch cung cấp, cộng với rượu cần, xôi dân bản cho tạo thành bữa liên hoan thịnh soạn sôi nổi.

Cây nhiệt đới trong cửa hàng phế liệu chiến tranh của ông Phúc

Nhiều chiến sĩ trẻ vừa ăn vừa hát, nào là “Tiểu đội xe không kính” và “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” của Phạm Tiến Duật – Hoàng Hiệp, “Quả bom câm” của Doãn Nho, “Cùng anh tiến quân trên đường dài” của Huy Du, bữa liên hoan vui vẻ thực sự đã tạo niềm phấn chấn cho đơn vị. Có chiến sĩ vẻ mặt tươi cười nói: “Các anh ơi, trận này ta chơi thằng Mỹ một cú đẹp quá; nhưng phải nghĩ kế tiếp chứ, để trận sau ta thắng to hơn, “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, cả đơn vị cười sảng khoái…”.

Trở lại với chuyện đi mua cây nhiệt đới của tôi. Xin được số điện thoại của ông Phúc, đặt vấn đề mua cây nhiệt đới. Ông  bảo, cây này đã có một “đại gia” ở Hà Nội đặt mua với giá 1 triệu đồng. Tôi cố nì nèo trả 1,2 triệu nhưng ông kiên quyết không bán: “Hẹn chú khi kiếm được cây khác, tôi làm ăn phải giữ… chữ tín!”. Thấy tôi nhiệt tình, có người giới thiệu cho tôi một cửa hàng bán đồ lưu niệm chiến tranh ở Quảng Nam cũng bán cây nhiệt đới…

Gặp ở Bảo tàng đồng quê

Đặc biệt, mới đây khi đến thăm Bảo tàng Đồng Quê (Giao Thủy, Nam Định) do gia đình Thiếu tướng Hoàng Kiền, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đường tuần tra biên giới xây dựng, chúng tôi cũng được thấy một cây nhiệt đới được trưng bày tại đây. Thiếu tướng Hoàng Kiền cho biết, ông nguyên là bộ đội Trường Sơn những năm chiến tranh nên đã nhiều lần chạm trán cây nhiệt đới. Sau này, làm Tư lệnh Binh chủng Công binh, ông thường xuyên chỉ đạo, chỉ huy bộ đội làm công tác dò gỡ bom mìn.

Ở vùng túi bom Quảng Trị, bộ đội ta ngoài việc gỡ được rất nhiều bom thì còn tìm được nhiều cây nhiệt đới. Kỷ vật cây nhiệt đới mà gia đình ông đang trưng bày là do một người lính trong đội dò gỡ bom mìn gửi tặng. Cây nhiệt đới này còn khá mới, dẫu đã qua hơn 40 năm ẩn mình dưới tán rừng nhiệt đới nhưng vẫn còn nguyên nước sơn màu xanh. Trưng bày trong bảo tàng, đặt bên cạnh một lùm cây, “sát thủ” điện tử này không khác gì loài tắc kè giỏi ngụy trang, chìm lẫn vào cây lá. Nếu đi giữa rừng rậm, không quan sát kỹ thì khó mà phát hiện được cây nhiệt đới đứng cạnh những cây rừng.

Thiếu tướng Hoàng Kiền cũng bày tỏ sự nuối tiếc vì những kỷ vật cây nhiệt đới đã dần bị “biến mất” vào các lò thu gom sắt vụn ở Quảng Trị. Cho nên, hiện vật ông trưng bày ở bảo tàng thật có ý nghĩa. Hằng ngày, các em nhỏ đến tham quan bảo tàng đều thích thú ngắm nghía nó. Có cô giáo giảng dạy môn lịch sử còn đạp xe nhiều cây số đến bảo tàng để xem cây nhiệt đới. Cô tâm sự, dẫu được học, được nghe nói về cây nhiệt đới rất nhiều trong nhà trường nhưng đây là lần đầu tiên cô được chứng kiến một cây nhiệt đới thật. Cô giáo đã chụp lại ảnh cây nhiệt đới trong bảo tàng để mang về cho học sinh xem mỗi khi giảng bài…

Nhưng do có ý thức sưu tầm và bảo tồn hiện vật chiến tranh như vợ chồng Thiếu tướng Hoàng Kiền thì hậu thế mới còn có dịp mục sở thị như thế. Ở nước ta hiện nay có nhiều bảo tàng chiến tranh của các cựu chiến bình tự lập nên, khá phong phú hiện vật nhưng hiếm có bảo tàng nào sưu tầm được cây nhiệt đới. Chúng đã lần lượt được chuyển vào các lò chế biến phế liệu từ mấy chục năm nay rồi.

Tôi ra về mà cứ “tiếc” mãi về số phận của những cây nhiệt đới, một hiện vật giàu ý nghĩa giáo dục truyền thống đang rất hiếm ở các bảo tàng nhưng lại chẳng mấy ai quan tâm tìm kiếm ngoài những người chơi “đồ cổ chiến tranh”…

Phóng sự của Công Minh/petrotimes.vn

Facebook Comments