Thông điệp của Nga khi khai hỏa tên lửa siêu vượt âm ở Ukraine

share on:

Nga dùng Kinzhal, tên lửa siêu vượt âm có thể mang đầu đạn hạt nhân, tập kích mục tiêu tại Ukraine dường như nhằm phát thông điệp “dằn mặt” phương Tây.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 19/3 xác nhận đã lần đầu tiên sử dụng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal tấn công một căn cứ ở vùng Ivano-Frankivsk ở miền đông Ukraine. Một ngày sau, Moskva tuyên bố tiếp tục khai hỏa Kinzhal tập kích kho nhiên liệu gần làng Kostyantynivka ở tỉnh Mykolaiv phía tây nam.

Lầu Năm Góc cho hay họ đã phát hiện Nga sử dụng loại tên lửa siêu vượt âm tối tân này ở Ukraine và quân đội Mỹ có khả năng theo dõi đường bay của Kinzhal trong đòn tập kích.

Dominika Kunertova, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh ở Zurich, cho rằng những vụ phóng tên lửa Kinzhal này là “màn phô diễn sức mạnh” của Nga với phương Tây trong bối cảnh chiến sự ở Ukraine đã kéo dài gần một tháng.

Tên lửa siêu vượt âm thường được mô tả là loại vũ khí “vô hình” do tốc độ bay rất cao, cộng với khả năng cơ động trong hành trình, khiến chúng có thể né tránh được phần lớn hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay. Nga và Trung Quốc đều tuyên bố đã sở hữu vũ khí siêu vượt âm, trong khi Mỹ vẫn đang chật vật phát triển chương trình này.

Rebekah Koffler, cựu sĩ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ kiêm chuyên gia về Nga, cũng cho rằng hành động khai hỏa tên lửa Kinzhal là một phần trong kế hoạch chiến lược của Nga. “Đó là một nhân tố thay đổi cuộc chơi trong lĩnh vực địa chính trị, không phải lĩnh vực quân sự, do họ đang cố gắng chuyển đi thông điệp chiến lược”, Koffler nói.

Tiêm kích MiG-31 mang tên lửa siêu vượt âm Kinzhal bay trên Quảng trường Đỏ trong lễ duyệt binh Ngày chiến thắng ở Moskva tháng 5/2018. Ảnh: AFP.

Koffler nhận định với quyết định phóng tên lửa Kinzhal, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang báo hiệu cho Mỹ và NATO rằng ông sẵn sàng tăng sử dụng sức mạnh quân sự của nước này. “Ông ấy có thể sử dụng các tên lửa hành trình khác, song lại chọn tên lửa siêu vượt âm”, Koffler nói. “Thông điệp chiến lược ở đây là Nga đã sở hữu vũ khí này, còn Mỹ thì không”.

Theo bà, giá trị quân sự mà tên lửa Kinzhal mang lại trong đòn tập kích không cao hơn là mấy so với các loại tên lửa đạn đạo hay hành trình khác. Tuy nhiên, điểm mấu chốt nằm ở chỗ Kinzhal có thể mang đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân.

“Ông Putin đang phát đi thông điệp rằng Nga có sức chịu đựng cao trước chiến tranh hạt nhân”, chuyên gia này nói. “Nếu Mỹ và phương Tây tiếp tục dồn Nga vào chân tường, ông ấy sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài thực hiện điều này”.

Nga vẫn tuân thủ học thuyết răn đe lẫn nhau và ít có khả năng Tổng thống Putin sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào Mỹ hoặc các thành viên NATO. Tuy nhiên, chưa rõ Mỹ và NATO sẽ phản ứng ra sao nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.

Koffler nhận định trong bối cảnh nguy cơ tấn công hạt nhân tăng lên, động thái phóng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal của Nga ở Ukraine nhằm buộc phương Tây phải nhượng bộ.

“Ông Putin muốn ngăn phương Tây can thiệp vào vấn đề Ukraine, nếu không ông ấy sẽ vượt qua lằn ranh đỏ về vũ khí hạt nhân”, chuyên gia này cho biết.

Tổng thống Putin từng ra lệnh cho lực lượng răn đe chiến lược của Nga chuyển trạng thái báo động sẵn sàng chiến đấu, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân hủy diệt. Tuy nhiên, Mỹ và Anh sau đó nhận thấy lực lượng hạt nhân chiến lược Nga hầu như không có động thái thay đổi đáng kể nào.

Tên lửa diệt hạm siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal là một trong 6 siêu vũ khí được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố trong thông điệp liên bang hồi tháng 3/2018, được đánh giá có khả năng răn đe cao và đủ sức đánh bại mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có.

Để đạt được uy lực này, tên lửa Kinzhal được phóng từ tiêm kích MiG-31 và ứng dụng đường bay như tên lửa đạn đạo trong pha giữa, kết hợp với khả năng cơ động mạnh để tránh lá chắn tên lửa đối phương. Tầm bắn tối đa tới 2.000 km và tốc độ khoảng 12.000 km/h của tên lửa Kinzhal giúp tiêm kích MiG-31 không phải bay vào lưới phòng không quanh mục tiêu, bảo đảm an toàn cho phi công và máy bay.

Tuy nhiên, chuyên gia Kunertova cho rằng ngoài thông điệp “dằn mặt” phương Tây, tên lửa siêu vượt âm Kinzhal của Nga sẽ không góp phần làm thay đổi quá nhiều cục diện chiến trường ở Ukraine, do đây là loại vũ khí đắt tiền và không cần thiết để hạ các mục tiêu ít có giá trị chiến lược cao.

“Đây có thể chỉ là một vài vụ phóng tên lửa Kinzhal đơn lẻ của Nga, bởi nước này chưa sản xuất được nhiều loại vũ khí tối tân này”, Kunertova nói.

Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm “phi vũ trang và phi phát xít hóa Ukraine” ngày 24/2. Lực lượng Nga ngày 20/3 phóng tên lửa tập kích nhiều mục tiêu tại Ukraine, trong lúc lực lượng mặt đất được cho là “đạt được tiến bộ hạn chế”.

Nguyễn Tiến (Theo Fox News)

Facebook Comments