Về 2 nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đều mang tên Trần Thị Lý

share on:

1. Chị Trần Thị Lý ở Quảng Nam
Chị Trần Thị Lý sinh năm 1933 tại Quảng Nam, chị tham gia Cách Mạng từ năm 12 tuổi. Trong giai đoạn từ 1951 – 1956, chị tham gia đường dây cán bộ nằm vùng và đã từng 2 lần bị bắt nhưng đều được tha vì không đủ chứng cứ. Năm 1956 chị bị chính quyền VNCH bắt lần thứ 3, chị bị tra tấn với những hình thức dã man nhất như: điện giật, dùi đâm, đổ nước xà phòng, dùng dao cắt vú, dùng lửa nung bộ phận sinh dục đến nỗi bị mất khả năng sinh sản… nhưng người phụ nữ trung kiên ấy vẫn không hé răng dù chỉ một lời.

Chị Trần Thị Lý, Quảng Nam (chị mất ngày 20/11/1992)

Tháng 10 năm 1958, Trần Thị Lý bị tra tấn tới kiệt sức, phía VNCH cho rằng chị không thể sống được nữa nên đem vứt chị ra ngoài nhà lao, chị may mắn thoát chết một cách hi hữu, được đồng đội bí mật đón về, chuyển sang Campuchia và được đưa ra Bắc chữa trị.

Sự kiện Trần Thị Lý bị bắt, bị tra tấn ngoài sức tưởng tượng đã làm rúng động dư luận thế giới bấy giờ và nó bắt đầu châm ngòi cho cuộc chiến truyền thông giữa hai miền Nam Bắc.

* Ngay lập tức không lâu sau đó, 17 giờ ngày 25-10-1958, Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam tại Hà Nội đã phát đi bản tin về Trần Thị Lý với nội dung: “Chị Lý bị bọn tay chân của Diệm bắt đánh đập, “sám hối” với những nhục hình dã man như: lấy kìm sắt kẹp vào người rứt ra từng mảng thịt, dùng điện tra vào đầu vú và bộ phận sinh dục!”.

* Tiếp đó, lúc 7 giờ 15 ngày 19-11-1958, Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam lại phát đi lời kêu gọi của Trần Thị Lý gửi Ủy ban Quốc tế, chị kể: “Lần thứ 3, tháng 3-1956, chúng bắt tôi về nhà lao Hội An và tra tấn vô cùng dã man, tên Phan Văn Lợi, người do Diệm cử từ Sài Gòn ra, cùng nhiều tên khác trực tiếp tra tấn. Chúng đổ nước xà phòng và nước bẩn vào họng tôi rồi mang giày đinh thi nhau đạp lên bụng, lên ngực làm nước trào ra miệng và mũi. Chúng lấy móc sắt xuyên bàn chân tôi rồi treo ngược lên xà nhà, dùng điện tra vào cửa mình và vú; lấy dao xẻo từng miếng thịt trên đùi, cánh tay và ngực. Chúng dùng kìm sắt nung đỏ rồi kẹp vào bắp thịt tôi rứt ra từng mảng, dùng thước sắt thọc vào âm đạo… Chúng bắt tôi phải nhận tội “Thân cộng” và “Chống chính phủ quốc gia” của chúng!”.

* Ngày 21-11-1958, 5 bộ đội Liên khu 5 viết kiến nghị và được 2.000 đại biểu ký gửi đến Ủy ban Quốc tế phản đối sự dã man của chính quyền Sài Gòn đối với Trần Thị Lý. Từ ngày 11 đến 21-11-1958, 39 đoàn khách quốc tế đến thăm chị Lý và 62 đoàn tiếp tục đăng ký vào thăm. Đài Phát thanh Hà Nội cũng phát đi lời của ông Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt–Anh rằng:
“Tôi đã từng chứng kiến tội ác của bọn thực dân đối với nhân dân thuộc địa song tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy người Việt Nam nỡ đối xử với người Việt Nam tàn tệ như thế. Với chính sách đàn áp dã man này, chính quyền Ngô Đình Diệm đã tỏ ra rất thối nát. Ủy ban Quốc tế tại Việt Nam cần lưu ý ngay đến vấn đề này, đó là nhiệm vụ của họ!”.

* Khi nhà thơ Tố Hữu đến thăm Trần Thị Lý, ông đã khóc rất nhiều vì quá xúc động. Tháng 12-1958, bài thơ Người con gái Việt Nam của ông ra đời (sau đó được dịch ra nhiều thứ tiếng), gây xúc động lòng người và là tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế:
“Em là ai? Cô gái hay nàng tiên
Em có tuổi hay không có tuổi
Mái tóc em đây, là mây hay là suối
Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông
Thịt da em hay là sắt là đồng ?”
… “Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng
Em đã sống lại rồi em đã sống !
Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung
Ko giết được em, người con gái anh hùng !”
… “ Từ cõi chết, em trở về, chói lọi
Như buổi em đi, ngọn cờ đỏ gọi
Em trở về, người con gái quang vinh
Cả nước ôm em, khúc ruột của mình.”

Chồng chị là Thầy giáo Nguyễn Viết Tuấn. Tháng 3 năm 1978, khước từ mọi mai mối, bất chấp lời khuyên của chị Lý nên xây dựng hạnh phúc với những người con gái lành lặn khác, anh Tuấn vẫn quyết tâm xây dựng đời sống gia đình với chị. Và đám cưới của họ được tổ chức tại quê hương Đại Lộc. Tháng 5 năm 1978, Nguyễn Viết Tuấn tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội rồi trở về Quảng Nam- Đà Nẵng làm CB giảng dạy ở khoa điện. Ngôi nhà 63- đường Hải Phòng giữa lòng Đà Nẵng thân thương ghi dấu biết bao nhiêu là ý chí, nghị lực của cả hai để có được hơi ấm thực sự của hạnh phúc gia đình, trong đó, có cả tương lai của đứa con gái tên gọi Thuỳ Linh.
Mọi người thường nghe nói đến những địa danh Bác Hồ hay qua lại trên con đường hoạt động cách mạng như Phan Thiết, Sài Gòn, Niu York, Pari, Hà Nội… Đọc câu chuyện còn ít người biết tới này mới hay còn có những địa danh quê hương khác đối với Bác cũng rất thân thương…
Giữa năm 1958, sau hơn 2 năm bị giặc giam cầm và tra tấn, chị Trần Thị Lý được đưa ra Bắc chữa bệnh và là bệnh nhân đặc biệt của bệnh viện Hữu nghị Việt–Xô. Tình trạng suy kiệt, 42 vết thương trên người liên tục rỉ máu… sức khỏe giảm sút nghiêm trọng (lúc ấy chị chỉ còn nặng chưa đến 26 kg). Đến thăm chị, Bác Hồ rất cảm động. Nhìn chị đau đớn, Bác tìm cách nói chuyện để chị nguôi đi phần nào nỗi đau thể xác. Bác nói về con người đất Quảng kiên trung, hỏi “đố” chị về những nét độc đáo của quê hương chị. Câu chuyện của hai bác cháu rất thú vị…

Thói quen của người Quảng

Bác hỏi chị Lý rằng đặc điểm đáng nhớ nhất của người Quảng Nam là gì ? Chị kê hàng loạt, nào là: Quảng Nam hay cãi, “ăn cục nói hòn” mà chất phác, hiền hậu, đảm đang… Nhưng Bác cười và cho là chưa phải. Bác bảo rằng: cái không lẫn vào đâu được chính là đi đâu họ cũng mang theo cái “nhiệt kế” bên mình. Chị Lý ngỡ ngàng, nghĩ mãi không ra. Bác cười hóm hỉnh và giải thích: Quê của con có thói quen uống nước chè xanh nấu thật đậm đặc, còn nóng hổi rồi rót ra gáo dừa, chế thêm một ít nước lạnh rồi dùng ngón tay út “đo” xem vừa độ uống chưa…
Ôi, cái “nhiệt kế” thân thuộc, tiện ích ấy mà chị (có lẽ tất cả những người Quảng cũng không nghĩ được thói quen đã ăn đậm trong mình ấy) lại không nhận ra, đúng là không lẫn vào đâu được. Bác ơi, Bác thật tình cảm, gần gũi, nhưng cũng thật khôi hài khi ví von một cách thân thương đến vậy.

Đặc sản của Quảng Nam

Khi được hỏi về điều này, chị Lý lại “quảng cáo” món mỳ Quảng đậm đà thương nhớ, nhất là những lúc đi xa như thế này, hương vị ấy khó mà quên cho được. Vậy mà Bác lại mỉm cười xua tay và “tả” thật tỉ mỉ món mắm cái (cá cơm được ướp muối thật mặn, mặn đến độ con cá còn nguyên con, không bị nát) được giã ớt, tỏi thật cay, chấm với bánh tráng sắn (bánh đa làm từ bột sắn) cuốn rau muống thì số một. Đúng rồi, chị Lý lại nhớ ra rồi, ăn món mắm vừa mặn vừa cay, uống nước chè đậm đặc thì chỉ có người Quảng mà thôi.
Chị rơi nước mắt… chị như thấy quê hương mình đang ở bên thật gần gũi, hiền hậu, như được tiếp thêm sức mạnh để chống lại khó khăn. Và chị đã sống, đã mang theo về đất Quảng tình cảm của Bác: chiếc mũ sắt (bây giờ đặt ở bàn thờ chị) và chiếc vali (Viện bảo tàng Cách mạng Việt Nam) mà Bác đã tặng chị ngày ấy.

2. Chị Trần Thị Lý ở Quảng Bình

Chị Trần Thị Lý sinh ra trong một gia đình nghèo bên dòng sông Lũy, một nhánh của con sông Nhật Lệ, phía nam Cầu Dài, đó là làng Phú Thượng, Phú Hải, Đồng Hới.

Chị Trần Thị Lý, Quảng Bình (chị mất ngày 07/5/2000)

Là một người lanh lợi, hoạt bát, có ý thức tập thể cao nên chị được giao nhiệm vụ làm liên lạc cho Đảng ủy, Xã đội. Năm 1964, chị được kết nạp Đảng lúc tròn 19 tuổi. Tháng 2 năm 1965, Mỹ mở rộng chiến tranh leo thang ra miền Bắc đã chọn thị xã Đồng Hới làm điểm đánh mở đầu. Phú Hải là một trong những điểm nóng chiến sự. Lúc này, chị Trần Thị Lý được sung vào lực lượng dân quân, làm chiến sĩ phòng không nam Cầu Dài, thị xã Đồng Hới.
Chị Trần Thị Lý trong những cuộc chiến đấu đánh trả máy bay thù đã tỏ rõ bản lĩnh chiến đấu xuất sắc. Chị đã chạy từ trận địa phòng không này sang trận địa phòng không khác để truyền mệnh lệnh chiến đấu của cấp trên chuyển về, đồng thời dùng súng trường K44 bắn trả máy bay Mỹ rất kiên cường. Chị đào hầm sập, cứu đồng đội, đồng bào bị bom Mỹ vùi lấp.
Đặc biệt trong ngày 4-4 – 1965, đế quốc Mỹ đã huy động hàng trăm lượt máy bay đến ném bom Cầu Dài, triệt hạ thị xã Đồng Hới, chị Trần Thị Lý đã dũng cảm mưu trí chèo đò chở Bí thư Đảng ủy xã Lê Viết Thuật vượt sông để chỉ đạo dân quân, nhân dân chiến đấu, rồi trở lại trận địa an toàn. Trong một lần bị bom vùi, chị đã kịp thời bình tĩnh cởi áo ngoài khoác lên đầu súng để đất đá khỏi vào làm chẹt nòng. Sau đó, chị đã bươn mình ra, tiếp tục nổ súng bắn vào kẻ thù.
Với những thành tích xuất sắc đó, chị đã được Quốc hội tuyên dương anh hùng vào ngày 1-1-1967. Cũng trong năm đó chị được chuyển sang quân đội, làm chính trị viên phó Thị đội Đồng Hới. Từ năm 1967, chị được cử đi học Trường văn hóa Quân khu, sau đó được cử đi học tiếp tại Học viện chính trị Quân sự của Bộ Quốc phòng. Năm 1978 , chị đảm nhiệm chức Phó đội trưởng đội công tác thuộc đoàn 871, Tổng cục chính trị.
Từ 1985 chị được điều về giữ chức Phó rồi Giám đốc, Phó Bí thư chi bộ khách sạn Bạch Đằng của Quân khu 5 ở Đà Nẵng. Chị là Đại biểu Quốc hội khóa IV, V và VI. Chị từng là Ủy viên Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Chị đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác.
Anh hùng Trần Thị Lý là người giàu tình cảm với mảnh đất minh sinh ra và lớn lên. Sau này, khi làm Giám đốc khách sạn Bạch Đằng, hễ có các con cháu quê hương Phú Hải vào học hay công tác tại Đà Nẵng, nếu gặp khó khăn, chị đã tìm cách giúp đỡ, động viên để các cháu an tâm học tập và công tác. Nhiều lần về thăm quê chị đều đến thăm và tặng quà cho Đảng ủy, UBND và các đoàn thể trong phường. Chị đã giúp Hội Người cao tuổi địa phương sắm một cỗ xe tang, đóng góp cho quỹ xây dựng nhà văn hóa, trạm y tế phường và giúp đỡ những hộ nghèo hoặc gặp khó khăn.
Chị đã được vinh dự 3 lần gặp Bác Hồ và được Bác trực tiếp chỉ giáo. Lần thứ nhất là lần cùng đoàn Quảng Bình được ưu tiên gặp Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng sau ngày Đại hội liên hoan chiến sĩ anh hùng thi đua toàn quốc (1-1-1967). Gần cuối buổi, Bác Hồ bảo chị Lý hát bài “Quảng Bình quê ta ơi” của nhạc sĩ Hoàng Vân cho Bác nghe. Quá cảm động và lúng túng nên chưa thực hiện được ngay thì Thủ tướng Phạm Văn Đồng “cứu nguy” cho chị và bảo: “Cháu Lý hãy “cầm càng” cho tất cả đoàn cùng hát”. Thế là anh hùng Trần Thị Lý đã đứng dậy và bắt nhịp cho toàn đoàn Quảng Bình hát vang bài hát mà Bác và Thủ tướng yêu thích.
Lần thứ hai, chị gặp và được Bác Hồ chỉ giáo là ngày trước lúc lên đường sang Cu Ba tham dự Đại hội liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới. Khi Bác hỏi: “Cháu đã chuẩn bị những gì sang thăm và tham quan ở Cu Ba?”, chị Lý đã thuật lại chuyện các chú lãnh đạo cho may áo dài, sắm giày cao gót nhưng sử dụng còn lúng túng lắm. Bác liền bào: “Cháu sang Cu Ba lần này để báo cáo thành tích kinh nghiệm chiến đấu của mình và học tập kinh nghiệm của nhiều người khác chứ đâu có phải đi du lịch mà sắm các thứ ấy. Để Bác nói chú Song Hào chuẩn bị bộ đồ bộ đội và dép cao su cho cháu”. Và chị Trần Thị Lý đã mặc trang phục như thế trong suốt thời kỳ ở Cu Ba.
Lần thứ 3, chị Trần Thị Lý vinh dự được gặp Bác và ăn cơm buổi trưa với Người trước một ngày sang tham quan Liên Xô, nhân kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Mười Nga. Bữa cơm đó, ngoài chị Lý còn có nữ anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế và dũng sĩ diệt Mỹ Nguyễn Hồng Sơn vừa ở miền Nam ra. Bác gắp nhiều thịt gà cho vào bát các anh hùng và dũng sĩ và giục các cháu ăn nhanh. Khi xới cơm cho Bác, cảm động quá, chị Lý làm rơi ra mâm mấy hạt cơm, Bác nhặt bỏ vào bát mình và nói: “Hạt cơm là hạt ngọc của trời, bỏ đi là lãng phí”. Câu nói đó có ý nghĩa giáo dục mang tính thời sự không những lúc đó mà cả đến ngày nay đối với chúng ta về thái độ tiết kiệm, tránh lãng phí và quý trọng sản phẩm do nông dân làm ra.
Về đời tư, chị gặp tướng anh hùng Nguyễn Chơn (sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) và hai người yêu nhau. Hai người được tướng Trần Hoài Ân, Cục trưởng Cục Cán bộ Bộ Quốc phòng mai mối, lại được Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cha nuôi tinh thần của chị Trần Thị Lý tán thưởng. Đám cưới đời sống mới của họ đã được tiến hành tại hội trường Đoàn 871 của Tổng cục Chính trị ngày 31-7-1977. Chú rể lúc đó ở tuổi 48, cô dâu ở tuổi 34.
Đồng chí Võ Chí Công, thủ trưởng cũ của tướng Nguyễn Chơn đứng ra làm chủ hôn. Thủ tướng Phạm Văn Đồng bận việc không đến dự được đã gửi tặng đôi tân hôn 1 chai rượu và 2 cây bút máy, chai rượu để mời khách ngày vui của hai người. Hai cây bút máy là lời gián tiếp dặn dò: Vợ chồng chỉ nên sinh 2 con. Quả vậy vợ chồng của hai anh hùng Chơn – Lý chỉ sinh được 2 cháu gái. Các cô nay đã có gia thất và làm việc trong cơ quan Nhà nước, một người ở Hà Nội, một người ở Đà Nẵng.
Thiếu tá Trần Thanh Hương (em ruột anh hùng Trần Thị Lý đang nghỉ hưu ở khu dân cư số 8, phường Đồng Sơn, TP. Đồng Hới) đã cho tôi biết một chi tiết vô cùng cảm động. Chị Trần Thị Lý bị đau đường ruột, điều trị khắp các bệnh viện trong nước không đỡ nên đã sang Trung Quốc điều trị. Nhưng bệnh tình vẫn ít thuyên giảm. Sau đó đơn vị đã đưa chị về điều trị tại bệnh viện Quân y 17 Quân khu 5. Biết mình sẽ không qua nổi, chị xin bệnh viện về nhà nghỉ một đêm. Đêm đó chị đã dặn dò chồng, con, em và các cháu nhiều điều và ngủ một đêm rất ngon lành trong ngôi nhà ấm cúng của mình trước khi sáng mai phải trở lại bệnh viện. Ít hôm sau chị đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 7-5-2000.
Anh hùng Trần Thị Lý là một trong 3 khuôn mặt nữ anh hùng bên sông Nhật Lệ trong những ngày đánh Mỹ. Đó là những người đã góp phần làm sáng danh lịch sử quê hương Đồng Hới anh hùng.

Lâm Hoàng Ân

Facebook Comments