Vì sao chữ Z trở thành biểu tượng chiến dịch quân sự của Nga?

share on:

Câu trả lời ngắn gọn là chưa ai biết chính xác vì sao, dù có một số giả thuyết.

Cuối tháng 2, vài ngày trước khi Nga tấn công toàn diện vào Ukraine, mạng xã hội bắt đầu lan truyền các video và hình ảnh cho thấy xe tăng, xe tải liên lạc và bệ phóng tên lửa được “trang trí” bằng chữ Z – cũng như các chữ cái khác, bao gồm O, X, A và V – đang lăn bánh về phía biên giới.

Những ngày gần đây, chữ Z còn dần trở thành một biểu tượng cho làn sóng ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga nhắm vào Ukraine.

Richard Evans, nhà sử học về châu Âu hiện đại tại Đại học Cambridge, cho biết: “Chữ Z không tồn tại trong bảng chữ cái Cyrillic của Nga, nhưng nó nhanh chóng được những người ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin sử dụng rộng rãi”, theo Telegraph.

“Z” hàm ý gì?

Những giả thuyết phổ biến nhất được các chuyên gia quân sự đưa ra bao gồm: “Za pobedy”, nghĩa là “chiến thắng”, hoặc “Zapad”, nghĩa là “phía tây” (Ukraine nằm về phía tây nam so với Nga).

Một số người gọi các phương tiện có sơn chữ Z là “biệt đội Zorro” (một anh hùng hư cấu nổi tiếng). Trong khi đó, những người khác cho rằng chữ Z có thể tượng trưng cho tên của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky – người được xem “mục tiêu số một” của Điện Kremlin trong chiến dịch quân sự đặc biệt.

Nhà nghiên cứu Aric Toler của Bellingcat – tổ chức điều tra mã nguồn mở đã theo dõi hoạt động quân sự của Nga kể từ năm 2014 – hôm 20/2 cho biết họ chưa nhìn thấy ký hiệu Z được sử dụng trước đây, theo CNN.

Chuyên gia chính sách quốc phòng người Nga Rob Lee – đã theo dõi các phương tiện có ký hiệu Z kể từ khi quân đội Nga tập trung ở biên giới Ukraine – cho rằng biểu tượng này có thể ám chỉ các lực lượng quân sự được giao nhiệm vụ tham chiến ở nước này.

“Có vẻ lực lượng Nga gần biên giới đang sơn ký hiệu lên phương tiện để phân biệt lực lượng đặc nhiệm hoặc các cấp khác nhau”, ông Lee, nghiên cứu sinh tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh của Đại học King’s College London, viết trên Twitter vào ngày 19/2.

Bộ Quốc phòng Nga đã không bình luận về bất kỳ giả thuyết nào. Thay vào đó, họ đăng trên Instagram rằng Z có nghĩa là Za pobedu(“chiến thắng”) và V là đại diện cho “sức mạnh của sự thật”, theo Guardian.

Z trở thành biểu tượng ủng hộ cuộc chiến Ukraine như thế nào?

Những ngày gần đây, từ một biểu tượng quân sự bí ẩn, chữ Z đã trở thành dấu hiệu của sự ủng hộ đối với chiến dịch của Nga.

Chỉ ba ngày sau khi chiến dịch bắt đầu, hãng truyền thông nhà nước RT đã thông báo trên các kênh truyền thông xã hội rằng họ đang bán những mặt hàng có chữ Z, bao gồm áo phông và áo hoodie, để thể hiện sự ủng hộ đối với quân đội Nga.

Kể từ đó, vô số buổi tụ tập đông người đã được tổ chức trên khắp đất nước, trong đó người Nga trẻ mặc áo có in hình chữ Z. Chữ cái này cũng xuất hiện trên tường các khu chung cư lớn và bảng hiệu quảng cáo.

Kamil Galeev, nhà nghiên cứu độc lập và là cựu thành viên tại Trung tâm Wilson – tổ chức tư vấn chính sách phi đảng phái ở Washington, D.C., nói: “Các nhà chức trách đã phát động một chiến dịch tuyên truyền để thu hút sự ủng hộ của người dân đối với cuộc tấn công vào Ukraine và chiến dịch truyền thông này đang có kết quả tốt”.

Ký tự Z cũng được các quan chức Nga sử dụng để tuyên truyền ủng hộ cuộc tấn công.

Maria Butina – đại diện khu vực Kirov ủng hộ ông Tổng thống Vladimir Putin – đã chia sẻ lên mạng xã hội đoạn video bà đang vẽ chữ Z màu trắng trên ve áo khoác. “Hãy tiến lên, các anh em. Chúng tôi ở bên các anh. Mãi mãi”, bà nói trong video và nắm chặt tay. Bà cũng đăng một bức ảnh của bản thân trong chiếc áo phông đen có chữ Z màu trắng.

Sergei Tsivilev, người đứng đầu vùng Kemerovo, thậm chí thông báo rằng ông đã quyết định đổi tên vùng và thêm chữ Z vào. Vùng này hiện có thể được gọi là KuZbass.

Người dân phản ứng thế nào với ký hiệu Z?

Trên đường phố Nga, người ta có thể bắt gặp ôtô riêng có dán hoặc sơn chữ Z, hoặc người dân đeo cài áo hay mặc áo có in chữ cái này.

Tại một trại cứu tế ở thành phố Kazan thuộc vùng Tatarstan của Nga, bệnh nhi ung thư được yêu cầu xếp thành hình chữ Z bên ngoài trời tuyết để bày tỏ sự ủng hộ đối với chiến dịch quân sự của Nga.

“Bệnh nhân và toàn bộ nhóm của chúng tôi đã tham gia, tổng cộng khoảng 60 người. Mọi người xếp hàng theo hình chữ Z”, ông Vladimir Vavilov, người đứng đầu tổ chức từ thiện dành cho bệnh nhân ung thư, cho biết.

“Trên tay trái, chúng tôi cầm tờ rơi có cờ của LPR, DPR, Nga và Tatarstan, và tay phải chúng tôi là nắm đấm giơ lên”, ông nói, đề cập đến hai khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine mà Nga đã công nhận là các quốc gia độc lập vào tháng trước.

Đoạn phim từ các thành phố chính của Nga được chia sẻ vào cuối tuần qua ghi lại cảnh những đoàn xe ôtô dán chữ Z màu trắng trên cửa sổ, treo cờ Nga và bấm còi lăn bánh trên đường.

Trong hai đoạn video lan truyền trên mạng xã hội, thanh niên Nga mặc áo phông đen và áo khoác nỉ có mũ có in hình chữ Z và dòng chữ #СвоихНеБросаем, nghĩa là “chúng tôi không bỏ rơi (các bạn) của mình”. Họ vẫy cờ Nga và hô vang: “Vì nước Nga, vì tổng thống. Vì nước Nga, vì Putin!”.

Bên cạnh đó, ký hiệu Z cũng được sử dụng như một chiến thuật hù dọa người phản đối chiến tranh. Thành viên của nhóm nghệ thuật Pussy Riot, cũng như một tổ chức phi chính phủ phản chiến, cho biết biểu tượng Z được vẽ trên cửa căn hộ của họ.

Dẫu vậy, một số người Nga phản đối cuộc chiến đã chế nhạo ký hiệu Z. Nhiều hình ảnh châm biếm chữ Z cũng đã được đăng tải lên Internet. Trong các cuộc tuần hành trên toàn nước Nga hôm 6/3 phản đối chiến dịch quân sự tại Ukraine, một số người biểu tình đã cầm biểu ngữ có chữ Zachem (Để làm gì?).

Ký hiệu Z xuất hiện bên ngoài nước Nga như thế nào?

Hôm 4/3, hàng nghìn người Serbia vẫy cờ Nga và cầm biểu ngữ có chữ Z đã diễu hành qua thủ đô Belgrade tới đại sứ quán Nga để thể hiện sự ủng hộ đối với Moscow.

Các phóng viên đưa tin từ Ukraine cho hãng tin nhà nước Rossiya-24 của Nga cũng được nhìn thấy mặc trang phục có chữ Z.

Tại giải thể dục dụng cụ thế giới ở Doha, Qatar, vận động viên Nga Ivan Kuliak hôm 5/3 đã mặc áo có vẽ chữ Z lên bục nhận huy chương khi đứng cạnh vận động viên đạt huy chương vàng Illia Kovtun của Ukraine.

Hồng Ngọc Theo CNN, Guardian, Telegraph

Facebook Comments