Việt Nam luôn tích cực và nghiêm túc thực hiện các công ước quốc tế về quyền con người

share on:

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, hàng triệu con người Việt Nam đã hy sinh xương máu để giành độc lập cho Tổ quốc và tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Là đất nước từng phải trải qua rất nhiều đau thương, mất mát do chiến tranh, người dân Việt Nam hiểu hơn ai hết giá trị của độc lập, tự do, hạnh phúc, bởi thế dân tộc Việt Nam đã và đang cố gắng cao nhất để xây dựng một đất nước ngày càng phát triển, các quyền và tự do cơ bản của người dân được tôn trọng và bảo vệ.

Việt Nam gia nhập các điều ước quốc tế quan trọng về quyền con người vào đầu những năm 80 của Thế kỷ XX, ngay thời điểm đủ điều kiện tham gia các Công ước quốc tế về quyền con người sau khi trở thành thành viên Liên hợp quốc năm 1977. Đó là dấu mốc rất đáng ghi nhận bởi bối đất nước lúc đó chúng ta vừa ra khỏi chiến tranh, gặp nhiều khó khăn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa. Trước đó, Việt Nam đã tham gia bốn Công ước quốc tế Geneva (1949) về bảo hộ nạn nhân chiến tranh, đối xử nhân đạo với tù nhân chiến tranh vào năm 1957. Chính vì vậy, việc gia nhập các Công ước quốc tế về quyền con người của Việt Nam là một minh chứng rõ nét về nỗ lực của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo vệ, thúc đẩy và tôn trọng các quyền con người theo các chuẩn mực quốc tế.

Đến nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, cụ thể: Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị 1966 (ICCPR), gia nhập ngày 24-9-1982; Công ước về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa 1966, gia nhập ngày 24-9-1982; Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ 1979, ký kết ngày 29-7-1980, phê chuẩn ngày 17-2-1982; Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc 1969, gia nhập ngày 9-6-1982; Công ước về Quyền Trẻ em 1989, ký kết ngày 26-1-1990, phê chuẩn ngày 28-2-1990 và hai Nghị định thư bổ sung về trẻ em trong xung đột vũ trang (ký kết ngày 8-9-2000, phê chuẩn ngày 20-12-2001) và chống sử dụng trẻ em trong các hoạt động mại dâm và tranh ảnh khiêu dâm (ký kết ngày 8-9-2000, phê chuẩn ngày 20-12-2001); Công ước về Quyền của Người khuyết tật 2006, ký ngày 22-11-2007 và phê chuẩn ngày 5-2-2015; Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, ký ngày 7-11-2013 và phê chuẩn ngày 5-2-2015.

Nhà nước Việt Nam luôn xác định việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền và tự do cơ bản của con người là nguyên tắc cơ bản của mọi chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đây cũng là sự hiện thực hóa các cam kết đối với các khuôn khổ pháp lý và thể chế quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có các khuyến nghị UPR mà Việt Nam đã chấp thuận. Thực tiễn thời gian qua cho thấy Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Bên cạnh các điều ước quốc tế về quyền con người cơ bản nêu trên, Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế khác liên quan đến việc bảo vệ quyền con người và luật nhân đạo quốc tế, như: Nghị định thư bổ sung Công ước Geneva về bảo hộ nạn nhân trong các cuộc xung đột quốc tế (gia nhập ngày 28-8-1981); Công ước Quốc tế về Ngăn ngừa và Trừng trị Tội ác Diệt chủng 1948 (gia nhập ngày 9-6-1981); Công ước Quốc tế về Ngăn chặn và Trừng trị Tội ác Apartheid 1973 (gia nhập ngày 9-6-1981); Công ước Quốc tế về Không áp dụng những hạn chế luật pháp đối với các Tội phạm Chiến tranh và Tội ác chống Nhân loại 1968 (gia nhập ngày 4-6-1983); Công ước về Chống Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia 2000 (ký kết ngày 13-12-2000, phê chuẩn ngày 8-6-2012).

Đi bầu cử là quyền của mọi công dân Việt Nam khi đủ 18 tuổi. Ảnh tư liệu

Song song với các hoạt động nêu trên, việc hướng đến những chuẩn mực cơ bản và phổ quát về quyền con người, đưa những qui định chung đã được quốc tế thừa nhận rộng rãi về các quyền con người vào pháp luật, chính sách của Việt Nam, phù hợp điều kiện đặc thù của Việt Nam, là một công tác trọng tâm trong việc triển khai chủ trương tăng cường hợp tác quốc tế về quyền con người.  Chúng ta luôn xác định, xây dựng Nhà nước Pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và đảm bảo các quyền con người được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Hiến pháp năm 2013. Không chỉ tham gia ngày càng nhiều các công ước quốc tế về quyền con người, Việt Nam luôn nghiêm túc trong thực thi trách nhiệm, nghĩa vụ của một quốc gia thành viên các công ước, đặc biệt là nghĩa vụ nội luật hóa quy định của các công ước. Nhờ đó, các quyền con người được quy định ngày càng cụ thể và toàn diện hơn trong luật pháp quốc gia. Tiêu biểu nhất chính là Hiến pháp 2013 với một chương riêng quy định về quyền con người và quyền công dân và hàng loạt các bộ luật, luật đã và đang được điều chỉnh, sửa đổi hoặc ban hành mới theo tinh thần Hiến pháp 2013 và các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, quyền công dân được triển khai đồng bộ và xuyên suốt thông qua các chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội và các chính sách, cơ chế nhằm triển khai các Luật và văn bản luật này trên thực tế. Tính từ năm 2009 đến nay, Quốc hội đã ban hành và sửa đổi nhiều đạo luật quan trọng nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc cho việc tôn trọng và bảo đảm thực thi quyền con người. Các đạo luật được ban hành mới liên quan đến quyền con người như: Luật Trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước (2009), Luật khám chữa bệnh (2009), Luật lý lịch tư pháp (2009), Luật Người cao tuổi (2010), Luật Người khuyết tật (2010), Luật nuôi con nuôi (2010), Luật Thi hành án hình sự (2010), Luật Tố tụng hành chính (2010), Luật Khiếu nại (2011), Luật Tố cáo (2011), Luật Phòng, chống mua bán người (2011), Luật Công đoàn (2012), Luật Xử lý các vi phạm hành chính (2012), Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (2012)… Một số đạo luật quan trọng khác cũng được Quốc hội sửa đổi, bổ sung như: Luật Bầu cử Quốc hội sửa đổi và Luật bầu cử Đại biểu Hội đồng Nhân dân sửa đổi (2010), Bộ Luật Lao động sửa đổi (2012), Luật Luật sư sửa đổi, bổ sung (2012), Luật Xuất bản sửa đổi (2012). Chính phủ cũng ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa và hướng dẫn thi hành luật, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Cùng với triển khai đồng bộ các văn bản pháp luật về quyền con người, Việt Nam đã tăng cường và mở rộng chương trình giáo dục, đào tạo về quyền con người cho các cán bộ của các cơ quan nhà nước. Nhiều hội thảo, hội nghị liên quan đến quyền con người đã được tổ chức với sự tham gia của đông đảo đại diện nhiều bộ, ngành, các trung tâm nghiên cứu và cơ sở đào tạo chuyên sâu về quyền con người; mở nhiều lớp giảng dạy thường xuyên về quyền con người. Quá trình mở rộng tuyên truyền và giáo dục về quyền con người đã trang bị kiến thức cơ bản cho cán bộ chính phủ cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Việt Nam cũng đẩy mạnh đào tạo kiến thức nhân quyền cho các cán bộ công chức, viên chức địa phương nhằm tăng cường nhận thức, năng lực và hiệu quả công tác nhân quyền ở cơ sở. Các nội dung giáo dục về quyền con người đã và đang từng bước được đưa vào chương trình dạy học ở các trường phổ thông, lồng ghép vào một số môn học chuyên sâu trong các trường đại học có đào tạo chuyên ngành luật.

Trên bình diện quốc tế, Việt Nam đang ngày càng chủ động và tích cực hơn tại các cơ chế của Liên hợp quốc về quyền con người, đặc biệt là đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016. Ở cấp độ khu vực, Việt Nam tham gia nghiêm túc vào quá trình xây dựng Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN, Uỷ ban liên chính phủ ASEAN về quyền con người, đóng góp tích cực trong các Ủy ban ASEAN về phụ nữ và trẻ em, về lao động di cư… Ở cấp độ song phương, Việt Nam hiện có cơ chế Đối thoại nhân quyền chính thức với năm nước/đối tác, bao gồm Mỹ, EU, Thụy Sỹ, Na Uy và Australia. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nhiều kênh trao đổi không chính thức về các vấn đề quyền con người, tham gia nhiều diễn đàn liên quan đến các khía cạnh khác nhau của quyền con người. Nhìn chung, trong các hoạt động hợp tác song phương cũng như tại các diễn đàn đa phương về quyền con người, Việt Nam luôn thể hiện hình ảnh tích cực, chủ động và có những đóng góp thiết thực nhằm thúc đẩy nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực quyền con người trên tinh thần đối thoại, tăng cường hiểu biết lẫn nhau.

Những thành tựu đạt được trong công cuộc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam xuất phát trước hết từ truyền thống nhân văn, nhân đạo của dân tộc Việt Nam; từ ý chí, nguyện vọng của toàn thể nhân dân Việt Nam và sự cố gắng, nỗ lực và chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam, hướng tới một xã hội luôn đặt con người ở trung tâm của sự phát triển và một nhà nước pháp quyền “của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”. Đó cũng là kết quả của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bản chất ưu việt, tiến bộ của chế độ xã hội chủ nghĩa, của truyền thống văn hóa, các đặc thù của dân tộc Việt Nam với việc thực hiện nghiêm túc các chuẩn mực chung và nghĩa vụ quốc tế về quyền con người được quy định trong các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.

NGUYỄN TUẤN/Báo QĐND

Facebook Comments