Việt Nam năm 2018: Tiếng vọng của lịch sử và tương lai

share on:

Khi đội bóng U23 Việt Nam giành những thắng lợi ngoạn mục trên đấu trường thể thao khu vực, một chuỗi chiến thắng không tưởng cho đến trận cuối cùng, nhiều người trong số chúng ta tự hỏi: thực sự sức mạnh Việt Nam đến đâu và có thể đến đâu?

Từ tiếng vọng lịch sử

Không có một câu trả lời dễ dàng, vì đó là câu hỏi về một đất nước, một dân tộc, một nền văn hóa, một lịch sử và những lựa chọn mang tính quyết định cho tương lai.

Nhưng nếu lịch sử là người thầy, chúng ta đã có nhiều chiến thắng trong quá khứ, kể cả những chiến thắng không tưởng. Đế chế Thành Cát Tư Hãn chỉ thất bại ở Nhật Bản và Việt Nam. Điện Biên Phủ thành một từ tiếng Pháp, làm rung chấn địa cầu. Việt Nam đã giành độc lập, thống nhất qua những cuộc chiến khốc liệt hàng đầu của thế kỷ 20. Việt Nam vẫn là Việt Nam, với nhiều di sản văn hóa đặc trưng, dù trải qua 1000 năm Bắc thuộc.

Việt Nam có “Nam quốc Sơn hà”, “Hịch tướng sĩ” và “Tuyên ngôn độc lập”.

Việt Nam tự hào về anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Truyện Kiều Nguyễn Du lập nhiều kỷ lục, được dịch ra 20 thứ tiếng, danh tiếng và nhân văn sâu sắc như Thơ Dâng của Tagore, Faust của Johann Wolfgang von Goethe.

Việt Nam năm 2018: Tiếng vọng của lịch sử và tương lai

Chiến thắng của U23 Việt Nam làm nức lòng người dân cả nước. Ảnh: Phạm Hải

Từ một hình mẫu thực hiện xuất sắc các Mục tiêu thiên niên kỷ về xóa nghèo đói, Việt Nam chủ động cam kết với những tiêu chuẩn hàng đầu trong các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU).

Nền hòa bình trong gần 40 năm qua không phải là một điều mặc nhận, mà là nỗ lực không ngừng của mỗi một con người Việt Nam. Đến những vùng chiến sự hoặc giải quyết những di sản chiến tranh, người ta mới thấy giá trị đích thực của hòa bình.

…đến khoảnh khắc 2018 và sau đó

Xét trên nhiều tiêu chí, Việt Nam đã nằm trong nhóm các quốc gia tầm trung, tạm định nghĩa như một quốc gia chưa phải là cường quốc nhưng có năng lực, vai trò ảnh hưởng nhất định trong trường quốc tế.

Với dân số đứng thứ 15, GDP nằm trong tốp 50 thế giới và dự báo có thể vào tốp 20 sau 2030, Việt Nam có cơ sở để xây dựng năng lực, tầm nhìn cho một quốc gia tầm trung. Bước ra 2017, Việt Nam đang nằm trong nhóm nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất châu Á. Cùng với đó là nhiều dự báo lạc quan cho năm 2018.

Nhưng thách thức cao hơn núi. Bẫy thu nhập trung bình không dễ vượt qua. Năng suất lao động dưới mức trung bình của khu vực. Môi trường bị tác động nghiêm trọng do nhiều năm ưu tiên tăng trưởng nhanh. Biển Đông, nguồn nước sông Mê Kông, an ninh mạng, khả năng bị tụt hậu về công nghệ trong khi thế giới biến chuyển nhanh và khó đoán định tiếp tục tạo thành những nan đề lâu dài cho các nhà hoạch định chính sách cấp chiến lược.

Suy nghĩ về giải pháp

Chiến thắng lớn đi kèm với thách thức lớn. Singapore, Hà Lan, Qatar là những câu chuyện có thật về chiến thắng nghịch cảnh để vươn lên. Mẫu số chung trong các câu chuyện thành công đó là tầm nhìn, sự sáng tạo, đi cùng với một quyết tâm chính trị. Trong các tiêu chí, tính hiệu quả phải được đặt lên ưu tiên hàng đầu.

Việt Nam đã có quyết tâm chính trị. Bởi vậy tầm nhìn sẽ có tính chất quyết định. Nước nhỏ, vừa hay lớn còn do tầm nhìn. Từ một Việt Nam hội nhập thành công, chúng ta có thể kỳ vọng về một Việt Nam dẫn dắt trong những lĩnh vực có lợi ích quốc gia thiết yếu, ví dụ trong bảo vệ an ninh nguồn nước hay đối phó với biến đổi khí hậu. Hay nói cách khác, không chỉ tuân thủ luật chơi, Việt Nam có thể can dự để kiến thiết luật chơi.

Sáng tạo sẽ đem đến đột phá. Một trận “Điện Biên Phủ” về kinh tế nếu có phải bắt đầu từ tư duy “bên ngoài khuôn khổ”. Singapore hay Hà Lan đều không có tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy cần phản biện lập luận tận thu tài nguyên hay các nguồn lực có sẵn cho tăng trưởng.

Việt Nam đang ở giai đoạn sau của “dân số vàng” bắt đầu từ năm 2007. Nguy cơ “chưa giàu đã già” đang hiện hữu nếu không tranh thủ được. Gần 70% dân số Việt Nam đang ở tuổi lao động, trong đó đa phần là người có độ tuổi dưới 35. Tuổi trẻ đi liền với sáng tạo. Nhưng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nêu: số công trình khoa học công bố trên các tạp chí ISI của Việt Nam trong 5-6 năm vừa qua tăng 20%. Song, nhìn xung quanh, chúng ta chỉ bằng 1/3 của Thái Lan, 1/4 của Malaysia, 1/5 của Singapore. Bằng sáng chế được cấp ở Việt Nam, trong 5 năm gần đây tăng 60%. Nhưng so với thế giới thì chỉ bằng 1/3 của Thái Lan, 1/11 của Malaysia, 1/30 của Singapore, 1/1240 của Hàn Quốc và 1/3170 của Trung Quốc.

Việt Nam năm 2018: Tiếng vọng của lịch sử và tương lai

Chúng ta đứng trước nhiều thách thức cũng như cơ hội phát triển. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Thật may, Việt Nam vẫn còn cơ sở cho sự lạc quan. Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2017 (Global Innovation Index 2017, là GII 2017) do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) kết hợp với Trường ĐH Cornell (Hoa Kỳ) và Học viện Kinh doanh INSEAD (Pháp) thực hiện, Việt Nam đã thăng hạng khá ấn tượng, từ vị trí 59/128 lên 47/127 nước và nền kinh tế (tăng 12 bậc). Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam từng đạt được từ trước đến nay. Việt Nam còn đứng vị trí số 1 về chỉ số GII 2017 trong số các nước có thu nhập trung bình thấp.

Với chỉ số đó, Việt Nam hoàn toàn có thể có thêm Nguyễn Hà Đông (Flappy Bird), Phạm Minh Tuấn (trong danh sách 192 lãnh đạo trẻ toàn cầu của WEF), Phan Minh Liêm (trong nhóm các nhà khoa học xuất sắc hàng đầu thế giới về chữa trị ung thư), Nguyễn Đức Khương (tốp 200 nhà kinh tế trẻ xuất sắc thế giới)…

Cuối cùng, nếu đặt yêu cầu là tính toán chi phí bỏ ra và hiệu quả thu lại, hàng loạt quy trình, giấy phép, thủ tục phải được cắt giảm một cách mạnh bạo. Để lập một doanh nghiệp ở Singapore chỉ mất 2,5 ngày. Còn ở Việt Nam là hơn 30 ngày với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo thông tin từ Hội đồng tư vấn thủ tục hành chính, các công ty khởi nghiệp (startup) ở Việt Nam phải chật vật đối phó với hàng tá thủ tục. Mỗi năm trung bình doanh nghiệp Việt Nam mất 770 giờ cho thủ tục nộp thuế trong khi Philippines là 193 giờ, Malaysia 118 giờ, Singapore 83,5 giờ.

Chính vì vậy gần đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ các doanh nghiệp và cam kết sẽ cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh. “Lợi ích nhóm” là trở lực hàng đầu cho các quy trình cải thiện hướng tới hiệu quả, vì vậy cần phải loại bỏ càng sớm càng tốt.

Mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh” sẽ trở thành hiện thực bằng tầm nhìn, sự sáng tạo và tính hiệu quả.

Năm 2018 tiếp tục là một cơ hội để kiến tạo, để đồng thanh với tiếng vọng của lịch sử và có thể tiến bước thuận lợi vào tương lai. Thời gian là không chờ đợi.

Thạch Hà/Vietnamnet

Facebook Comments