Vĩnh biệt tướng Trường Sơn huyền thoại Đồng Sỹ Nguyên!

share on:

Một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo của Đảng, Nhà nước có đức độ và tài năng, một người học trò ưu tú của Bác Hồ.

Chỉ còn hơn hai tháng nữa là kỷ niệm 60 năm mở đường Trường Sơn, nơi ghi dấu bao kỷ niệm, ân tình của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên với bộ đội Trường Sơn. Ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn đã lên kế hoạch cho sự kiện trọng đại này. Vậy mà anh đã ra đi để lại biết bao thương cảm, bùi ngùi của bao thế hệ bộ đội Trường Sơn…

Dấu ấn từ việc đổi chiến thuật, đổi phương châm

Nhắc về tướng Đồng Sỹ Nguyên, chúng ta không thể quên dấu ấn của ông, vị tư lệnh của Binh đoàn Trường Sơn trong những ngày đầu mở đường Trường Sơn. Lúc ấy, trong giai đoạn đầu xoi đường Trường Sơn, ta gặp nhiều khó khăn. Bí mật xoi đường với phương châm “đi không dấu, nấu không khói” nên khối lượng hàng hóa, thuốc men, vũ khí chi viện chiến trường miền Nam còn thấp do chưa có kinh nghiệm, chủ trương chưa đúng, đồng thời do bị ngăn cản, đánh chặn, phá hoại của không quân Mỹ rất ác liệt.

Tuy nhiên, khi được trung ương điều vào tiếp quản đường Trường Sơn, tướng Nguyên đã khai thông được nhiều bế tắc, tuyến chi viện này phát triển mạnh mẽ, tạo thành hệ thống đường dọc, đường ngang chằng chịt xuyên núi rừng Trường Sơn, thậm chí vươn sang nước bạn Lào.

Giai đoạn đầu xoi đường với phương châm bí mật, bất ngờ nhưng không quân của Mỹ quá mạnh nên không thể tiếp tế lớn cho miền Nam. Do vậy, tướng Nguyên đề xuất chủ trương cơ giới hóa, mà cơ giới hóa thì cần hệ thống cầu cống, đường sá nhiều mới đảm đương khối lượng hàng hóa, thuốc men, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Như vậy, lúc này đã công khai với địch chứ không bí mật như trước nữa. Ta phải mở đường, địch đánh ta thì ta đánh lại, đánh địch mà đi và bảo vệ hệ thống chi viện. Có thể nói đây là công lao, dấu ấn lớn của Tư lệnh bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên trên tuyến đường Trường Sơn.

Trong khoảng thời gian bám trụ trên tuyến lửa huyết mạch, tướng Nguyên là người bám trụ đường Trường Sơn lâu nhất, chỉ huy tài tình, lập nhiều chiến công, tập hợp nhiều lực lượng, phương tiện, cách thức đánh thắng phá hoại của đế quốc Mỹ ngay trên tuyến chi viện.

Chính tướng Nguyên đã đề xuất những kế hoạch táo bạo, sâu sắc, đánh giá được thực lực địch-ta vì lúc đó tâm lý còn ngán ngại Mỹ. Tuy nhiên, ông Nguyên đã khẳng định mình đánh thắng Mỹ. Đó như một động lực để các lực lượng bộ đội xốc tới, gây lòng tin cho bộ đội, cán bộ chỉ huy lúc đó.

Tướng Nguyên đã để lại nhiều dấu ấn trong suốt quá trình đối phó với cuộc đánh phá, ngăn chặn điên cuồng của Mỹ trên tuyến chi viện này như sáng tạo phương châm “địch đánh một, ta làm mười” hay “cầu đường đi trước một bước”, “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”… Cùng đó là sự chỉ huy hợp đồng binh chủng bảo vệ giao thông vận tải trên toàn chuyến chi viện Trường Sơn.

Cần nhớ lúc này giao thông vận tải trên đường Trường Sơn không chỉ đơn thuần là giao thông mà là một chiến trường, mà chiến trường này là chiến trường hợp đồng binh chủng. Chính vì cách đặt vấn đề căn cơ, đúng thực lực như vậy nên công tác chỉ đạo xuyên suốt và hiệu quả đạt được rất cao. Từ đó phát huy thế mạnh của ta, hạn chế thế mạnh của địch, đi đến thắng lợi trên chiến trường.


Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn. Ảnh: TƯ LIỆU


Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên đến thăm bộ đội Trường Sơn. Ảnh: TƯ LIỆU

Vị tư lệnh tài ba

Về tác phong làm việc của Tư lệnh bộ đội Trường Sơn, có thể nói tướng Nguyên có trí nhớ rất tốt, ghi nhớ và đi đến tận cùng sự việc. Một sự kiện dù nhỏ ông cũng lắng nghe, từ đó có những nhận định rất sáng suốt trong chỉ đạo, xây dựng phương án tác chiến.

Từ nhận định sáng suốt nên có những chỉ đạo, hoạch định rất táo bạo, trong đó bộ đội ta vận dụng địa thế rừng núi hiểm trở và hệ thống đường kín nên khi địch phát hiện, đánh ta ban ngày thì cũng hạn chế về không gian tác chiến. Đánh ban đêm ta hạn chế nên khi chuyển sang đánh ngày ta chiếm ưu thế trên chiến trường, tổn thất ít và không ngăn chặn dòng chi viện của ta ra chiến trường. Đây là những sáng kiến rất cụ thể, giải quyết tình hình khó khăn khi ấy trên tuyến Trường Sơn.

Nhất là khi máy bay AC-130 phát hiện ra các mục tiêu, hệ thống đường kín và chạy ban đêm, địch đã dùng thiết bị khuếch đại ánh sáng, tia hồng ngoại để tự động xạ kích, khi đó tướng Nguyên chỉ đạo cho xe chạy ngày. Đây là cách chiếm ưu thế trời của ta, đất của ta, địch không thể ngăn chặn được. Điều này đồng nghĩa tổn thất ít, ngược lại hiệu quả chi viện rất nhiều. Đây là những sáng kiến tại chỗ của ông.

Thiếu tướng PHAN KHẮC HY, nguyên Phó Tư lệnh bộ đội Trường Sơn

Tướng Đồng Sỹ Nguyên và kỳ tích đường Trường Sơn

Trường Sơn có lịch sử xây dựng và chiến đấu kéo dài 16 năm thì tướng Đồng Sỹ Nguyên có hơn tám năm trên cương vị là tư lệnh. Trường Sơn từ một đơn vị chỉ với hơn 500 quân ngày đầu thành lập, sáu năm sau trở thành một đơn vị tương đương cấp quân khu.

Trong thời gian tướng Đồng Sỹ Nguyên làm tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn (Đoàn 559), đường Trường Sơn từ một con đường mòn nhỏ trở thành một tuyến giao thông vận tải chiến lược với cả hệ thống đường được mệnh danh là “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”. Con đường này lúc cao điểm có hơn 12 vạn binh sĩ, trong đó có hơn một vạn là lực lượng thanh niên xung phong, phiên chế thành tám sư đoàn và một sư đoàn cao xạ tên lửa phối thuộc.

Con “đường mòn” vĩ đại ấy cuối cùng có tới 14 tuyến với 20.000 km đường bộ, 800 km đường kín, 1.500 km đường rải đá, 200 km đường nhựa, 1.500 km đường ống xăng dầu, 1.350 km cáp thông tin, 3.800 km đường giao liên, 500 km đường sông.

Không chỉ là vị tướng tài ba và có tầm nhìn sắc sảo, tướng Đồng Sỹ Nguyên còn là một vị chỉ huy có tâm, có tình thương yêu đồng chí, đồng đội tha thiết. Ông hiểu hơn ai hết nỗi khát khao cháy bỏng của những người mẹ, người cha đã hiến dâng những người con thân yêu cho Tổ quốc là được chăm lo mộ chí cho người đã khuất. Từ cuối năm 1974, kế hoạch xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn đã được ông vạch ra. Ông chỉ thị cho các cơ quan chuyên môn dành thời gian để thiết kế, xây dựng nghĩa trang. Và tháng 3-1975, ông là người bổ nhát cuốc đầu tiên động thổ xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, điểm đến thường xuyên đối với thân nhân và đồng đội tri ân các liệt sĩ.

TN tổng hợp

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, sinh năm 1923, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ GTVT, nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn, đã từ trần vào hồi 11 giờ 42 phút ngày 4-4-2019.

Năm 2015, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gửi đơn đến UBND tỉnh Quảng Trị mong muốn sau khi từ trần được an nghỉ ở khu đồi Văn Bia, nghĩa trang Trường Sơn cùng với những đồng đội của mình và UBND tỉnh này đã đồng ý.

PHONG ĐIỀN ghi/Theo PLO
Facebook Comments