Vụ Đinh La Thăng: Chuyện cái còng số 8

share on:
Ngày xét xử đầu tiên phiên sơ thẩm xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) do TAND TP Hà Nội mở sáng nay đã kết thúc.
Phiên tòa ngoài ghi nhận là phiên toà đầu tiên, TAND TP Hà Nội áp dụng mô hình phòng xử mới theo Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28-7-2017 của TAND tối cao quy định về phòng xử án, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Luật sư được bố trí chỗ ngồi ngang hàng với đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố; các bị cáo có chỗ ngồi riêng bên dưới luật sư bào chữa và đại diện Viện kiểm sát; Thư ký ghi biên bản phiên toà ngồi phía trước Hội đồng xét xử nhưng thấp hơn; phòng xử không còn vành móng ngựa; khi trả lời thẩm vấn, bị cáo đứng vào bục khai báo… thì chưa có điểm gì mới được báo chí công khai.
Ông Đinh La Thăng được dẫn giải có mặt tại phiên tòa (Nguồn: FB). 
Tuy nhiên dưới góc quan sát riêng của bản thân thì vẫn có không ít điều khiến chúng ta phải suy nghĩ. Trong đó chi tiết cái còng trên tay cựu UVBCT Đinh La Thăng (bị cáo quan trọng nhất của phiên tòa) mang nặng ý nghĩa biểu tượng và cho thấy không ít thông điệp cần được nói ra.
Nói ra điều này không phải ngẫu nhiên. Bởi có lẽ đây là lần đầu tiên một Cựu Ủy viên Bộ Chính trị phải làm cái điều mà đến mơ họ cũng không muốn: Tra tay vào còng và bị áp giải đi với tư cách là tội phạm. Điều đáng nói vì thế ở cái sự đầu tiên này!
Có lẽ không chỉ riêng tôi nghĩ rằng, với những người như ông Thăng dù luật pháp quy định là vậy, là thế. Nhưng vẫn có những sự đối xử ưu đãi, đặc biệt với ông. Chính như chuyện thay vì còng tay thì ông sẽ thoải mái đến phiên tòa.
Đó là chưa nói tới, với việc áp dụng Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28-7-2017 của TAND tối cao quy định về phòng xử án, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 về việc xử phạt mới thì quá trình xét xử bị cáo sẽ được tháo còng số 8, để thoải mái trả lời câu hỏi của thẩm phán và những người liên quan. Nghĩa là chuyện có ngoại lệ đối với ông Thăng và đồng phạm cũng là chuyện thường.
Song nó đã không xảy ra. Nói rằng, đấy là một chi tiết có tính biểu tượng là thế.
Đã có rất nhiều bình luận xung quanh điều này và cũng là trả lời cho câu hỏi biểu tượng gì từ việc ông Thăng bị còng? Nhiều người cho đó là cái giá mà ông Thăng phải trả cho những gì đã qua.
Cái đó, điều đó đúng nhưng chưa phải là tất cả. Với việc bị còng tay đến phòng xử án của TAND TP Hà Nội, từ đây ông Đinh La Thăng chỉ có thể trông cậy vào chính mình. Ông đã không có bất cứ đặc quyền nào từ cơ quan thi hành pháp luật. Rằng mọi quyền lực, quan hệ đã bị tước đoạt. Luật pháp sẽ là thứ định tội ông, quyết định tương lai của ông.
Cái còng còn ám thị với tất cả chúng ta nhất là những người nắm giữ quyền lực rằng lịch sử rất công bằng, lịch sử phán xét tất cả, không loại trừ ai.
Với những điều đã được chỉ ra thì tôi cho cái còng là một chi tiết đắt, điều sẽ khiến nhiều người phải khắc khoải và tự nhìn thấy điều sẽ chờ đợi mình phía trước. Bởi, nhiều người dù biết ông Thăng sẽ đối diện với quan tòa, với bản án của mình nhưng tin chắc chưa ai nghĩ ông ta có ngày thê thảm đến thế!
Phạm Hải An
Facebook Comments