Bộ Công an cho biết hai thí sinh dùng điện thoại gửi đề thi Toán, Văn ra ngoài có thể bị xử lý hình sự hoặc phạt hành chính, và sẽ tính toán yếu tố nhân văn.
Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (A03), Bộ Công an, tại cuộc họp báo về kỳ thi tốt nghiệp THPT chiều 29/6, cho biết các đơn vị chức năng đã xác định được người kết nối bên ngoài nhận đề thi do thí sinh tuồn ra. Công an chưa phát hiện có lời giải chuyển vào.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục xác minh xem liệu có lời giải được đưa ngược vào phòng thi cho thí sinh không”, ông Chung nói.
Về việc xử lý hai thí sinh vi phạm, ông Chung cho hay sẽ căn cứ vào kết quả xác minh, đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả, cũng như xem xét tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, đặc biệt là căn cứ vào hành vi.
“Nếu hành vi đó đến mức phải xử lý hình sự thì xử lý theo Luật hình sự 2015, nếu không thì theo nghị định của Chính phủ, xử phạt hành chính về an ninh trật tự và an toàn xã hội”, ông Chung cho hay, thêm rằng sẽ tính toán cả yếu tố nhân văn. Khi có kết quả, Bộ Công an sẽ thông báo.
Ngoài ra, sau sự việc, có nhiều ý kiến băn khoăn đây là “lộ đề” hay “lọt đề”. Theo ông Chung, Luật bảo vệ bí mật nhà nước sử dụng từ “lộ”. Căn cứ theo các quy định hiện nay, chỉ có khái niệm này, không có khái niệm “lọt”.
PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, khẳng định việc thí sinh tuồn đề ra ngoài là cá biệt. Các đơn vị đã kết luận đây là hành vi vi phạm chế thi, không làm ảnh hưởng đến kết quả chung của kỳ thi tốt nghiệp.
Do đó, Ban chỉ đạo quốc gia không hủy kỳ thi vì sự việc không ảnh hưởng đến các thí sinh khác.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra trong hai ngày 28-29/6 với một triệu thí sinh, được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá diễn ra nghiêm túc, đúng kế hoạch. Sự cố lớn nhất đến thời điểm này là việc hai thí sinh ở Cao Bằng và Yên Bái bị phát hiện dùng điện thoại chụp ảnh, gửi đề thi Văn và Toán ra ngoài nhờ giải hộ. Trong đó, đề Văn lộ ra chỉ sau 25 phút bắt đầu thi.
Ông Chung đánh giá việc sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận “chắc chắn còn”, vấn đề là làm thế nào để hạn chế. Ngoài vai trò quản lý, kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, ông nhận định cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thí sinh và gia đình hiểu đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Cùng với đó, cơ quan chuyên môn cũng nên xem xét sử dụng các thiết bị phát hiện và chống những công cụ gian lận này.
Thanh Hằng – Dương Tâm/VNE