Nhà sử học người Pháp Pierre Rocolle là tác giả của cuốn sách “Pourquoi Dien Bien Phu?” (Tại sao Điện Biên Phủ?) được phát hành rộng rãi ở phương Tây và trên thế giới nhiều năm qua. Phân tích về việc Mỹ đã nỗ lực viện trợ Pháp trong thực hiện kế hoạch Navarre, nhưng cuối cùng cũng thất bại, ông viết: “Điện Biên Phủ cũng là thất bại của Mỹ”.
Đại tá De Castries đã được thăng chức Thiếu tướng. Các trung tá được thăng lên đại tá… nhưng đến ngày 18-3, tình hình Điện Biên Phủ coi như không cứu vãn được nữa. Đến ngày 27 và 28-4, tập đoàn cứ điểm này coi như đang trải qua những ngày hấp hối. Các cứ điểm ở vòng ngoài lần lượt bị Việt Minh đánh chiếm hoặc phải rút bỏ.
Lúc Việt Minh sắp mở đợt tấn công thứ ba, việc tiếp tế vận tải đường không ngày càng khó khăn. Từ giữa tháng Tư, các khẩu pháo cao xạ của Việt Minh đã giăng lưới lửa khắp trời Điện Biên Phủ và hễ một chiếc máy bay nào xuất hiện là lập tức bị lưới lửa bủa vây. Các phi công người Mỹ lái máy bay vận tải C-119 tiếp tế cho Điện Biên Phủ đòi phải được bảo vệ. Thế là mỗi khi có máy bay vận tải do người Mỹ lái đến, phải có 4 đến 6 máy bay yểm trợ quay cuồng khắp bầu trời, bổ nhào xuống những khẩu cao xạ 37mm của Việt Minh. Viện trợ Mỹ đã được tăng cường bằng đô-la và bằng vũ khí, đạn dược.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu (ngồi bên phải), phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và tướng Pháp Henri Delteil, Quyền Tổng tư lệnh lực lượng Liên hiệp Pháp ở Đông Dương, phái đoàn Pháp ký Hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Mùa Đông 1953 – 1954 và nhất là trong thời gian can dự ở Điện Biên Phủ, Mỹ đã có nỗ lực lớn trong việc đáp ứng những nhu cầu cấp bách của Pháp. Nhận sự đóng góp to lớn cho cuộc chiến ở Đông Dương, Mỹ rõ ràng là có ý đồ xen vào việc xây dựng các lực lượng ở Việt Nam.Từ sau khi tướng Jean de Lattre de Tassigny rời khỏi chức vụ, Mỹ quan tâm ngày càng nhiều đến Đông Dương. Trong những năm 1952 – 1953, sự quan tâm đó được cụ thể hóa bằng những cuộc thăm viếng thường xuyên của các nhân vật quân sự cũng như dân sự Mỹ, nhất là việc Tổng thống Mỹ D. Eisenhower cử phái bộ cố vấn quân sự Mỹ (MAAG) sang Việt Nam nhằm giải quyết các vấn đề trao khí tài chiến tranh cho Pháp.
Bộ chỉ huy Pháp có cơ sở để nghi ngờ rằng Washington đang tìm cách nắm lấy Quân đội Việt Nam và như thế là viện trợ Mỹ sẽ đem lại hậu quả ngày một nặng nề. Chính phủ Pháp tưởng rằng có thể làm vừa lòng ông bạn Mỹ bằng một bức thư của Ngoại trưởng Pháp Georges Bidault gửi tới Đại sứ quán Mỹ ở Paris ngày 29-9-1953. Thế là một phái đoàn do tướng John Wilson O’Daniel dẫn đầu được cấp tốc gửi đến Sài Gòn bắt liên lạc với tướng Henri Navarre.
Theo tướng Henri Navarre, vừa chân ướt chân ráo đến Sài Gòn, O’Daniel đã đòi được biết kế hoạch tác chiến của Pháp ở Đông Dương. Không những biết mà khi cần thiết còn tham gia nghiên cứu kế hoạch nữa. Việc này làm cho tướng Henri Navarre rất ngượng. Navarre hỏi tướng Paul Ély thì ông này trả lời: “O’Daniel là một nhân vật có ảnh hưởng lớn ở Washington”, và nhấn mạnh thêm: “Tôi được Đô đốc Mỹ Radford cho biết về danh tiếng của O’Daniel. Ông ta rất phục kế hoạch của ông (kế hoạch Navarre). Tướng O’Daniel sẽ giúp ông rất nhiều. Ông ấy sẽ góp phần rất lớn vào việc làm cho Washington thấy được những khó khăn và yêu cầu của chúng ta ở Đông Dương”.
Việt Minh có biết Mỹ ngày một tham gia sâu vào cuộc chiến tranh hay không? Việc Mỹ chuyển cho Pháp các loại vũ khí, đạn dược và công cụ chiến tranh cũng như sự có mặt của nhân viên quân sự Mỹ ở Sài Gòn không thể lọt qua mắt họ. Hơn nữa, đầu năm 1954, báo chí cung cấp cho họ những tin tức trực tiếp: Ngày 6-3, họ có thể biết đích xác khoản tiền Mỹ giúp Pháp trong năm đó. Thủ tướng Pháp cũng đã nói rõ cả số nhân viên Mỹ đến công cán ở Đông Dương.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, công cụ chiến tranh của Mỹ ùn ùn đổ vào Đông Dương cũng được báo chí đưa tin một cách chính xác: Ngày 23-3, tức ngày thứ 10 của Chiến dịch Điện Biên Phủ, báo chí ở Washington đưa tin một đội máy bay ném bom B26 và máy bay vận tải mới lại sắp được đưa sang Đông Dương. Ngày 26-3, phi công Mỹ tham gia chiến đấu ở Đông Dương cũng được báo chí tường thuật lại, rồi những máy bay “cướp biển” được tàu sân bay của Mỹ đem tới cũng được đưa tin…
Tờ báo của Đảng Cộng sản Pháp, L’Humanité, số ra ngày 11-4-1954 đã viết dưới đầu đề lớn, cảnh báo: “Máu đổ ở Đông Dương sẽ biến thành túi bạc ở Washington”.
Sau khi nhận được tin tức không lành từ Điện Biên Phủ, chiều 19-4, tướng Ély đã bay sang Mỹ. Qua cuộc tiếp xúc với Eisenhower và Dulles, tướng Ély được người Mỹ cho biết họ không muốn thương lượng với Việt Nam ở Geneva chừng nào tình hình quân sự chưa tạo được thế mạnh cho ngoại giao.
Cũng trong cuộc gặp gỡ này, Đô đốc Radford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân của Mỹ, bất ngờ đưa ra đề nghị: Để cứu Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy tối cao Mỹ sẵn sàng trực tiếp giúp đỡ quân viễn chinh Pháp. Sự giúp đỡ đó bao gồm việc dùng không quân và pháo đài bay hạng nặng B29 đặt căn cứ ở Philippines tấn công các vị trí đóng quân của Việt Minh ở Điện Biên Phủ.
Ngày 8-4, Tham mưu trưởng Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ được phái đến gặp tướng Navarre để hoàn chỉnh kế hoạch “Diều hâu” mà Radford đã phác họa ra. Kế hoạch “Diều hâu” bao gồm 60 máy bay ném bom B29, mỗi chiếc mang 8-9 tấn bom và 450 máy bay khác của Mỹ ở Philippines sẵn sàng cất cánh. Radford đã chuẩn bị tất cả. Máy bay và phi công Mỹ ném bom sẽ không mang quân hàm, quân hiệu và sẽ lấy những phi công đang nghỉ phép để tránh rắc rối về mặt quốc tế. Hai tàu sân bay Boxer và Essex đã tiến vào vịnh Bắc Bộ từ ngày 10-4 để lực lượng Không quân Hải quân Mỹ có thể can thiệp ngay tức khắc.
Trước đó, ngày 7-3, một chiếc máy bay phản lực rất lạ bay trên bầu trời Bắc Bộ đã làm cho Bộ chỉ huy Pháp hốt hoảng, tưởng Không quân Trung Quốc chuẩn bị can thiệp. Mấy giờ sau mới nhận ra là máy bay của Mỹ. Họ không hề báo trước cho Bộ chỉ huy Pháp biết.
Ngày 11-3, tướng Partridge, Tổng chỉ huy Không quân Mỹ ở Viễn Đông, đến Sài Gòn.
Ngày 23-4, Tổng thống Mỹ Eisenhower trả lời một thông điệp của Chính phủ Pháp: “Tôi thấy cần nói rõ cho những người bạn Pháp biết rằng nếu Mỹ góp cờ và góp lực lượng hải quân, lục quân, không quân thì phải đánh đến kỳ thắng. Chúng tôi không thể tự cho phép mình đánh cược cả uy tín của nước Mỹ để rồi hứng lấy một thất bại mang tiếng xấu trên thế giới”.
Cũng ngày hôm đó, ngày 23-4, tức là 3 ngày trước khi Hội nghị Geneva bắt đầu với sự góp mặt của 5 nước lớn bàn thảo về vấn đề Triều Tiên và Đông Dương, vừa đến Paris, Ngoại trưởng Mỹ John F. Dulles đã nói nhỏ vào tai Ngoại trưởng Pháp Bidault: “Nếu như chúng tôi cho ông hai quả bom nguyên tử để thắng ở Điện Biên Phủ thì ông nghĩ thế nào?”…
Phân tích về việc Mỹ đã nỗ lực viện trợ Pháp trong thực hiện kế hoạch Navarre nhưng cuối cùng cũng thất bại, nhà sử học người Pháp Pierre Rocolle đã khẳng định: “Điện Biên Phủ cũng là thất bại của Mỹ”.
QUỲNH OANH/Báo QĐND (tổng hợp)
– Sách Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 dưới góc nhìn của người nước ngoài, Nxb Quân đội nhân dân, 2014