Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 14 giờ ngày 22/11, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão-cơn bão số 9 trong năm 2018 trên Biển Đông.
Vị trí tâm bão số 9 ở vào khoảng 11,4 độ Vĩ Bắc; 115,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 130km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm bão.
Dự báo đến 13 giờ ngày 23/11, bão số 9 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm. Vị trí tâm bão ở khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 112,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Nam Trung Bộ khoảng 340km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 180km tính từ tâm bão.
Do ảnh hưởng của bão số 9 nên ở vùng biển Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông đến 13 giờ ngày 24/11 (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 9,5 đến 13,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 110,5 độ Kinh Đông.
Đến 13 giờ ngày 24/11, bão số 9 di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm. Vị trí tâm bão số 9 ở khoảng 11,4 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Đến 13 giờ ngày 25/11, bão số 9 di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ. Vị trí tâm bão ở khoảng 11,6 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ-Nam Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.