Lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ có nhiều giải pháp quyết liệt để đáp ứng sự kỳ vọng của người dân.
Chiều 25/10, Quốc hội công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Mỗi chức danh được đại biểu bỏ phiếu theo 3 mức độ tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Trong đó, người nhận được phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất là Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ với 137 phiếu.
Ông Nhạ cũng nhận được 140 phiếu tín nhiệm cao, 194 phiếu tín nhiệm.
Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ bên hành lang Quốc hội trong ngày được lấy phiếu tín nhiệm, 25/10. Ảnh: Võ Hải
Trước kết quả trên, người đứng đầu ngành Giáo dục chia sẻ, “đúng như tinh thần Nghị quyết của Quốc hội, việc lấy phiếu tín nhiệm là nhằm giúp người được lấy phiếu thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động”.
“Tôi coi kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này là động lực để bản thân tôi và toàn ngành cố gắng hơn, có nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa để đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo”, ông Nhạ nói.
Bộ trưởng Giáo dục gửi lời cảm ơn chân thành đến các đại biểu Quốc hội và cử tri đã luôn đồng hành, chia sẻ với sự nghiệp giáo dục và đào tạo; quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết cho ngành.
Theo ông, giáo dục liên quan đến mọi người, mọi nhà và được xã hội quan tâm, có những vấn đề không chỉ trong một sớm một chiều giải quyết được mà cần có thời gian. “Vừa rồi, tôi cũng như ngành rất nỗ lực, một số việc đã có kết quả, nhưng một số việc cần có thời gian để chuyển biến”, Bộ trưởng nói.
Bình luận về ý kiến cho rằng người đứng đầu những lĩnh vực nhạy cảm như giáo dục, y tế thì có thể Bộ trưởng sẽ “thiệt thòi” về lá phiếu, ông Nhạ thẳng thắn “tôi không nghĩ là thiệt thòi”. Ngành nào cũng có vấn đề riêng, giáo dục thì có phần nhạy cảm hơn nên bản thân ông phải cố gắng hơn để giải quyết dần.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục cho rằng có nhiều vấn đề riêng ngành không thể giải quyết nếu không có sự vào cuộc của các bộ ngành và địa phương. Ví dụ vấn đề thừa thiếu giáo viên, Bộ Giáo dục không giải quyết được, vì chỉ phụ trách quy chuẩn, đào tạo, còn biên chế là do địa phương. Thời gian tới, ông mong sẽ có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để giải quyết được những tồn tại.
Theo đại biểu Vũ Trọng Kim, các ngành như Giáo dục, Y tế, Lao động Thương binh Xã hội… tác động trực tiếp và hàng ngày đến từng con người và mỗi gia đình, từ trẻ em đến người già thì “sẽ khó khăn để có được tín nhiệm cao”.
Nguyên nhân được ông Kim cho là “kỳ vọng của người dân rất lớn, trong khi khả năng và điều kiện để có sự đột phá không nhiều”.
Đây là lần đầu tiên ông Phùng Xuân Nhạ được các đại biểu Quốc hội đánh giá. Hai lần trước, cựu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận – người tiền nhiệm của ông Nhạ – cũng nhận được kết quả không khả quan với số phiếu tín nhiệm thấp lần lượt là 177 và 149.