Theo ông Nguyễn Đức Chung, ông Lê Đình Kình có huy động tiền đóng của một số đối tượng ở xã Đồng Tâm để đi khiếu kiện, lợi dụng việc khiếu kiện nhằm trục lợi.
Chiều nay, Thanh tra Chính phủ và TP Hà Nội thông tin về quá trình thanh tra việc quản lý, sử dụng đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức).
Chánh Thanh tra TP Nguyễn An Huy khẳng định, toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng, được các đơn vị quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng, cắm mốc giới bê tông cốt thép, lập các sơ đồ, bản đồ quản lý đất sân bay với 16 mốc giới, trong quá trình quản lý đã cắm dày thêm 41 mốc thành 57 mốc có tọa độ theo quy chuẩn.
Bản đồ thể hiện phạm vi quản lý đất tại sân bay Miếu Môn
Ông Huy cho hay, việc ông Lê Đình Kình và một số công dân cho rằng phần diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm là 106 ha (có đơn nêu là 96 ha) là không đúng.
Theo hồ sơ quản lý đất nông nghiệp của UBND xã Đồng Tâm, xã không có đất nông nghiệp diện tích 59 ha hoặc 49 ha xứ đông Sênh như ông Lê Đình Kình và một số công dân nêu.
Ông Kình không có quyền khiếu nại kết luận của thanh tra
Theo Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh, các chứng cứ pháp lý và diễn biến khách quan gần 40 năm khẳng định, phần đất diện tích xã Đồng Tâm bàn giao cho quân đội chỉ là một phần trong diện tích 236,7ha là đất quốc phòng.
Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh
Sau quá trình bàn giao, cắm mốc, tiếp quản, quản lý suốt những năm 1980 đến năm 1992, các bên liên quan đã lập bản đồ, có chữ kí UBND các xã giao đất cho đơn vị quân đội. 57 cột mốc đã được cơ quan chuyên môn kiểm định.
Phó Tổng Thanh tra cho biết, năm 1980 chỉ có 5 hộ, sau đó mua bán chuyển nhượng trái phép thành 14 hộ. Trong số những hộ này không có hộ của ông Lê Đình Kình và những người đồng quan điểm với ông Kình. Gia đình ông Kình ở hoàn toàn cách xa diện tích sân bay.
“Theo quy định của pháp luật Việt Nam, ông Kình là người không có quyền và lợi ích hợp pháp tại khu vực sân bay Miếu Môn.
Vì vậy, ông không có quyền khiếu nại kết luận của thanh tra vì không phải đối tượng của cuộc thanh tra. Đối tượng của thanh tra là chính quyền các cấp TP Hà Nội, hộ sử dụng đất”, ông Thanh nói.
Phó Tổng Thanh tra khẳng định, ý kiến của ông Lê Đình Kình không đúng sự thật khách quan, khiếu nại không có cơ sở. Còn 14 hộ dân đang sinh sống có đồng thuận cao phương án mới và sẵn sàng di dời ra khu đất sân bay.
Có một bộ phận đối tượng lợi dụng khiếu kiện để lấn chiếm đất
Tại cuộc họp, phóng viên đặt câu hỏi về việc có hay không có đối tượng lợi dụng vấn đề để đưa ra luận điệu sai trái, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói:
“Có một bộ phận đối tượng cơ hội tham gia, lợi dụng vào việc đi khiếu kiện, tố cáo để lấn chiếm đất và lợi dụng dự án Bộ Quốc phòng triển khai ở đây để xem chính quyền TP có bồi thường cho mình ít đất đai nào không hay có liên quan việc hỗ trợ, bồi thường các cây hoa màu trên này không.
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Bản thân mục tiêu ông Kình cũng như vậy. Tôi là người tiếp xúc với ông Kình từ chiều 15/4/2017, sau khi bị thương đưa ra bệnh viện và kể cả trước khi mổ, chăm sóc sau khi mổ, gặp gỡ gia đình”.
Chủ tịch Hà Nội khẳng định, bản thân ông Kình cũng có huy động tiền đóng của một số đối tượng ở xã Đồng Tâm để đi khiếu kiện, lợi dụng việc khiếu kiện nhằm mục tiêu cuối cùng muốn trục lợi, gây sức ép với chính quyền xã, huyện, TP với mục tiêu xem có được bồi thường hỗ trợ không.
“Đây là câu chuyện có thật và chúng tôi rất mong các cơ quan báo chí biết rõ, vạch trần âm mưu này”, ông Chung nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Hà Nội, ông Kình đã từng có thời gian rất dài làm cán bộ chủ chốt của xã nên nắm chi tiết nguồn gốc đất đai, không phải đất đai ở sân bay Miếu Môn mà rất nhiều khu đất khác.
“Thế nhưng tại sao trong suốt những năm ông làm Chủ tịch, Bí thư, nếu phát hiện ra có những sai sót trong quản lý, sử dụng đất đai, với cương vị của mình, không kiến nghị các cấp chính quyền liên quan đến xử lý tất cả những việc này.
Tại sao suốt năm 2012, khi Bộ Quốc phòng vào giải tỏa, chuẩn bị xây dựng và giai đoạn 2014, thực hiện theo luật Đất đai 2013 cũng như khi có biến động về đất đai, Bộ Quốc phòng làm thủ tục đề nghị UBND TP cấp giấy chứng nhận mới mà ông không đề nghị?”, ông đặt câu hỏi.
Theo ông Chung, vấn đề mấu chốt là có một bộ phận, số nhóm gọi là nhóm đồng thuận có ý thức chủ quan thông qua khiếu kiện mong muốn trục lợi.
Ông nhắc lại tại buổi đối thoại sáng 22/4/2017, đã có 9 cụ đại diện, trong đó có cả ở nhóm đồng thuận của ông Kình đứng dậy nhận rõ liên quan đến sai trái của mình và xin được khoan hồng…
Lãnh đạo TP cho hay, suốt 2 năm qua, trong quá trình chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ về tính đúng đắn của kết luận Thanh tra TP, từ TP đến huyện Mỹ Đức, xã Đồng Tâm, các cấp chính quyền đều song song thực hiện 3 nhiệm vụ.
Thứ nhất, đã kiểm điểm, xử lý tất cả các đối tượng sai phạm còn đương chức từ liên quan giữ chức vụ ở thôn, xã, HĐND, các đảng viên vi phạm. Thứ 2, kiên trì tuyên truyền, thuyết phục. Thứ 3, cơ quan công an tiếp tục thu thập các tài liệu, xét thấy cần thiết sau này các đối tượng ngoan cố thì sẽ xử lý theo pháp luật.
Tuy nhiên, TP vẫn ưu tiên giải pháp tuyên truyền, thuyết phục trước tiên.
Trước câu hỏi TP có tiếp tục đối thoại với người dân xã Đồng Tâm hay không, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, nếu người dân xét thấy cần thiết và còn chưa thoả đáng thì TP tiếp tục gặp gỡ trả lời.
Hương Quỳnh/Vietnamnet