Dựa trên tài liệu mới được tìm thấy ở Pháp, phóng viên Kim Yong-rae của hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) tại Paris ngày 30/9 cho biết Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quan hệ hết sức mật thiết với các nhà hoạt động yêu nước của Hàn Quốc thời kỳ Chính phủ lâm thời năm 1920 tại Paris.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, tài liệu của Cục Tình báo Cảnh sát Pháp được nghiên cứu sinh người Hàn Quốc Lee Jang-kyu đang theo học chương trình tiến sỹ Đại học Paris tìm thấy tại Thư viện tài liệu về lãnh thổ hải ngoại của Pháp (ANOM) nêu rõ “vào những năm 1920, trong khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đang hoạt động ở Pháp vì phong trào độc lập ở Việt Nam, Người đã có giao lưu với các thành viên Chính phủ lâm thời Hàn Quốc”.
Tài liệu này có đoạn viết: “Cục Tình báo Cảnh sát Pháp cho rằng muốn ứng phó với kế hoạch hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì cần tìm hiểu rõ các tài liệu phát hành do người Hàn Quốc soạn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đang hoạt động theo cách các nhà hoạt động đòi độc lập cho Hàn Quốc đang thực hiện để chống lại đế quốc Nhật lúc bấy giờ”.
Phóng viên Kim Yong-rae cho rằng đây là một tài liệu quý mà một nhà nghiên cứu lịch sử Hàn Quốc lần đầu tiên tìm thấy. Tài liệu đã được viết một cách chi tiết quá trình hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp bởi một cảnh sát thuộc Cục Tình báo Pháp.
Theo tài liệu này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp những nhân vật chủ chốt trong Chính phủ lâm thời Hàn Quốc tại Paris là Kim Kyu-shik, Hwang Gi-hwan, Cho so-yang, Yoon-hae. Đáng chú ý là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nghiên cứu kỹ cách thức đòi độc lập của Hàn Quốc.
Người viết tài liệu này ghi rõ: “Hồ Chí Minh đang thiết lập cách thức hoạt động của mình dựa trên tất cả những việc mà người Hàn Quốc làm. Ông đang theo sát kế hoạch kháng chiến của Hàn Quốc. Để chuẩn bị cho kế hoạch của mình, Hồ Chí Minh đã xem xét tất cả các ấn phẩm mà người Hàn Quốc đã xuất bản ở Mỹ…”.
Tài liệu quý này đã bổ sung thêm nhiều luận cứ trong việc nghiên cứu lịch sử về phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Thực tế đã có nhiều nhà nghiên cứu Hàn Quốc tìm thấy mối tương quan giữa các chính sách và cách thức hoạt động giải phóng dân tộc của Việt Nam và Hàn Quốc trước các đế quốc xâm lược thời bấy giờ. Tài liệu trên là căn cứ quan trọng cho luận điểm này.