Khi trao kỷ niệm chương cho tôi, Đại tá Aleksandr Ivanov, đại diện An ninh Nga tại Việt Nam đã phát biểu chúc mừng và nhấn mạnh rằng, Lãnh đạo Ngành Biên phòng thuộc Cơ quan An ninh Quốc gia Liên Bang Nga quyết định tặng kỷ niệm chương cho đồng chí Ninh Công Khoát là một trong những người đầu tiên đóng góp vào việc xây dựng quan hệ hợp tác chiến đấu giữa lực lượng Biên phòng 2 nước Việt Nam – Liên Xô, Việt Nam – Liên bang Nga.
Đầu tháng 4-2018, tôi được một cán bộ Cục Đối ngoại Bộ Công an báo tin, Cục đang đón tiếp một đoàn chuyên gia An ninh Liên bang Nga, trong đoàn có một lãnh đạo rất muốn được gặp tôi. Qua thông tin tôi biết, người đề nghị gặp tôi là con trai của một chuyên gia An ninh Liên Xô đã từng sang Việt Nam giúp đơn vị chúng tôi trước năm 1975 và khi đó tôi là phiên dịch tiếng Nga cho đoàn chuyên gia.
Được Lãnh đạo Cục Kỹ thuật Nghiệp vụ – Bộ Công an, nơi tôi đã từng công tác, cho phép, với sự giúp đỡ của phòng Lễ tân Cục Đối ngoại, tôi và một đồng chí cán bộ phòng Tham mưu Cục Kỹ thuật Nghiệp vụ đã đến gặp người con có cha từng sang Việt Nam công tác trong thời khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tuy lần đầu gặp nhau, song chúng tôi cảm thấy tất cả mọi người đều như những người bạn cũ. Tay bắt, mặt mừng, chúng tôi dành cho nhau những lời thăm hỏi chân tình và cởi mở. Tôi rất cảm động khi biết người đang nói chuyện với tôi là Trung tướng Lakizo Vladimir Ivanovich, Phó chỉ huy Ngành Biên phòng thuộc Cơ quan An ninh Quốc gia Liên bang Nga. Trung tướng rất xúc động kể lại những kỷ niệm về người cha của mình đã từng công tác ở Việt Nam.
Giấy chứng nhận cấp Kỷ niệm chương “100 năm Ngành Biên phòng Nga”.
Cha ông đã kể lại cho mọi người trong gia đình về đất nước và con người Việt Nam. Ông rất vui mừng khi được gặp tôi, ông dùng điện thoại bật ở chế độ “thoại – video”, kết nối với người chị gái của mình ở Nga. Ông hồ hởi nói với chị gái: “Chị ơi, em đã thực hiện được lời di chúc của cha. Chúng em đang trò chuyện với đồng chí Khoát, người phiên dịch đã giúp cha hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, giúp các bạn đồng nghiệp Việt Nam đây…”, và ông đưa điện thoại cho tôi nói chuyện với chị gái của ông.
Tôi xúc động vì những tình cảm và nghĩa cử của những người bạn Nga đang dành cho tôi. Trong tâm trí tôi lại hiện lên những hình ảnh của đồng chí chuyên gia Lakizo Ivan Ivanovich cách đây hơn nửa thế kỷ. Khi đó, đồng chí Lakizo bố đã gác lại tình cảm thương vợ, nhớ con, xa rời cuộc sống đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần để sang Việt Nam giúp chúng tôi trong công tác nghiệp vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Sự giúp đỡ của đồng chí Lakizo bố đã góp phần đáng kể vào thành tích mà đơn vị chúng tôi đã đạt được, xứng đáng được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân” hồi tháng 8-1985.
Trung tướng Lakizo đã tâm sự với tôi rằng, đồng chí biết về tôi không chỉ qua lời kể của người cha, mà còn qua một số hình ảnh lưu niệm trong trang truyền thống của lực lượng Biên phòng Nga, và đây là lần thứ 2 đồng chí sang Việt Nam. Lần đầu sang Việt Nam, đồng chí cũng rất muốn tìm gặp tôi, song không liên lạc được . . .
Tôi thật xúc động về những tình cảm của các thành viên trong gia đình Trung tướng Lakizo đã dành cho tôi, một gia đình Nga có 2 thế hệ đã sang giúp các đồng nghiệp Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Từ trái qua: Lãnh đạo Cục Đối ngoại, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ Bộ Công an, tác giả bài viết và cán bộ Đại điện An Ninh Nga tại Việt Nam.
Tôi nhớ lại vào đầu năm 1977, với tư cách là người phiên dịch, tôi là thành viên của đoàn cán bộ cao cấp Bộ Nội vụ Việt Nam (nay là Bộ Công an) sang làm việc với Lãnh đạo Tổng cục Biên phòng Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô. Kết quả chuyến công tác này là cơ sở để Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô viện trợ không hoàn lại trong việc cung cấp và huấn luyện đào tạo, khai thác, sử dụng và sửa chữa loại thiết bị bảo vệ biên giới vùng biển cho lực lượng Công an nhân dân Vũ trang Việt Nam. Và cũng từ thời kỳ đó, đơn vị Công an Nhân dân Vũ trang được đổi tên là Bộ đội Biên phòng.
Tôi càng xúc động khi được Cục Kỹ thuật Nghiệp vụ mời vào ngày 09-8-2018 đến Cục Đối ngoại nhận kỷ niệm chương “100 năm Ngành Biên phòng Cơ quan An ninh Quốc gia Liên Bang Nga” (28-5-1918/28-5-2018). Mặc dù thời gian làm việc với Tổng cục Biên phòng Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô, nay là Ngành Biên phòng Cơ quan An ninh Quốc gia Liên bang Nga đã qua đi trên 40 năm, song các bạn Nga vẫn nhớ đến tôi, một cán bộ làm nhiệm vụ phiên dịch của An ninh Việt Nam.
Đồng chí chuyên gia Lakizo bố (trái) và tác giả bài viết (ảnh chụp năm 1973).
Khi trao kỷ niệm chương cho tôi, Đại tá Aleksandr Ivanov, đại diện An ninh Nga tại Việt Nam đã phát biểu chúc mừng và nhấn mạnh rằng, Lãnh đạo Ngành Biên phòng thuộc Cơ quan An ninh Quốc gia Liên Bang Nga quyết định tặng kỷ niệm chương cho đồng chí Ninh Công Khoát là một trong những người đầu tiên đóng góp vào việc xây dựng quan hệ hợp tác chiến đấu giữa lực lượng Biên phòng 2 nước Việt Nam – Liên Xô, Việt Nam – Liên bang Nga.
Trong lời phát biểu cảm ơn các bạn đồng nghiệp Nga và chúc mừng tôi, đồng chí Đại tá Trịnh Xuân Lam, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật Nghiệp vụ nhấën mạnh, đây không chỉ là niềm vinh dự cho cá nhân tôi mà cũng là niềm vui và niềm tự hào của cán bộ chiến sĩ Cục Kỹ thuật Nghiệp vụ.
Tác giả bài viết, cán bộ cục kỹ thuật nghiệp vụ được gặp Trung tướng Lakizo cùng phu nhân (ngồi giữa), tháng 4-2018.
Tại buổi lễ hôm đó, tôi đã bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới Lãnh đạo Ngành Biên Phòng thuộc Cơ quan An ninh Quốc gia Liên bang Nga, cảm ơn đồng chí Đại diện An ninh Nga tại Việt Nam, cảm ơn Lãnh đạo Bộ Công an, Cục Đối ngoại, Lãnh đạo Cục Kỹ thuật Nghiệp vụ Bộ Công an đã dành cho tôi niềm vinh dự này. Tôi hứa với các đồng chí đại biểu, tôi sẽ cố gắng làm được những việc để góp phần vào việc củng cố và phát triển tình đoàn kết anh em giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Liên bang Nga.
Hôm nay tôi viết lại câu chuyện này không có mục đích gì khác là muốn nói lên nghĩa tình thủy chung gắn bó của những người bạn Nga với nhân dân Việt Nam nói chung, với lực lượng Công an Việt Nam nói riêng, mà tôi vinh dự là một người lính đứng trong hàng ngũ đó.
Ninh Công Khoát/Báo CAND