Đại tướng Văn Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, là một vị tướng tài ba, mưu lược, nhà quân sự xuất sắc của dân tộc Việt Nam.
Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Một chiến sĩ cộng sản kiên trung, đức độ, tài năng của Đảng, của cách mạng Việt Nam
Đại tướng Văn Tiến Dũng, bí danh là Lê Hoài, sinh ngày 2-5-1917 tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Xuất thân từ một gia đình làm nghề thủ công, được tận mắt chứng kiến cuộc sống cơ cực, lầm than của đồng bào, tội ác của thực dân, đế quốc và tay sai, đồng chí Văn Tiến Dũng đã sớm giác ngộ, đi theo con đường của Đảng và để lại nhiều dấu ấn trên con đường hoạt động cách mạng,
Năm 1936, đồng chí Văn Tiến Dũng tham gia phong trào dân chủ và các cuộc đấu tranh công khai của công nhân Hà Nội. Tháng 11 năm1937, đồng chí vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm 1938, đồng chí tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng (phải). Ảnh tư liệu
Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Văn Tiến Dũng đã ba lần bị địch bắt, tra tấn và buộc tội “làm Việt Minh”, bị giam cầm ở Nhà tù Hỏa Lò, ở Nhà tù Sơn La. Lao tù của đế quốc, thực dân với mọi cực hình tra tấn dã man, tàn ác; những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt đã không làm nao núng tinh thần, nhụt ý chí chiến đấu của đồng chí; trái lại đồng chí càng kiên quyết đấu tranh với kẻ thù, không khai báo để bảo vệ cơ sở cách mạng và tìm mọi cách trốn tù để tiếp tục hoạt động cách mạng.
Đại tướng Văn Tiến Dũng điện báo tin chiến thắng Tây Nguyên tháng 3/1975.
Khi trả lời câu hỏi “muốn sống hay muốn chết” của tên thanh tra mật thám Pháp Luýt tại Nhà tù Hỏa Lò khi bị bắt lần thứ ba, đồng chí đã hiên ngang trả lời: “Ai chả muốn sống! Không ai muốn chết cả. Nhưng đối với người cách mạng, nếu vì sự nghiệp chung của đất nước, của Tổ quốc, cần phải chết thì cũng sẵn sàng thôi”. Một câu trả lời đầy khí tiết của người cộng sản kiên trung.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng (Tư liệu gia đình Đại tướng Văn Tiến Dũng)
Ngày 12-1-1945, đồng chí bị thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt tại tòa án tỉnh Bắc Ninh. Sau khi thoát khỏi nhà tù, mặc dù sức còn yếu nhưng đồng chí đã xin được tham gia phong trào cách mạng, được Đảng cử tham dự Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ. Tại hội nghị này, đồng chí được cử làm Ủy viên Thường vụ Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ kiêm Bí thư Khu ủy với nhiệm vụ quan trọng: Chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở chiến khu Quang Trung (gồm các tỉnh Hoà Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá).
Tháng 8-1945, đồng chí đã tích cực chỉ đạo việc chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh này. Sau đó, đồng chí cùng quân và dân Chiến khu 2 làm thất bại âm mưu đánh chiếm Tây Bắc của thực dân Pháp trong những ngày đầu đất nước vừa giành được độc lập.
Những đóng góp quan trọng vào nghệ thuật quân sự và nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam
Là người học trò trung thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thấm nhuần những lời dạy, tư tưởng quý báu của Người để vận dụng vào thực tiễn cách mạng, cùng với bản lĩnh, trí tuệ, tài thao lược của mình, đồng chí Văn Tiến Dũng đã trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch với cách đánh sáng tạo, biết địch, biết ta, giành thắng lợi giòn giã.
Những năm 1951-1953, dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Đại đoàn Văn Tiến Dũng, Đại đoàn 320 (một trong những đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam) đã cùng bộ đội, dân quân du kích các địa phương đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, tiêu diệt, giam chân một lực lượng lớn quân cơ động của địch, góp phần làm đảo lộn thế chiến lược của thực dân Pháp trên chiến trường đồng bằng Bắc Bộ, làm thất bại âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của địch.
Tháng 11-1953, Bộ Chính trị quyết định điều động đồng chí Thiếu tướng Văn Tiến Dũng, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 320 về làm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhận nhiệm vụ mới trong điều kiện chiến sự đang diễn ra dồn dập trên khắp các chiến trường, đồng chí đã nhanh chóng tổ chức lực lượng nghiên cứu, rà soát các phương án đánh địch; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuẩn bị người, vật chất cho mặt trận và khắc phục những khó khăn, vướng mắc nhằm chuẩn bị tốt nhất cho cuộc tổng công kích vào sào huyệt cuối cùng của thực dân Pháp. Trong những ngày diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, theo sự phân công của Bộ Tổng Tư lệnh, đồng chí Văn Tiến Dũng đã cùng đồng chí Nguyễn Chí Thanh tham mưu, giúp Bộ Chính trị và Trung ương Đảng chỉ đạo chiến trường đồng bằng, đồng thời tổ chức huy động sức người, sức của chi viện cho Mặt trận Điện Biên Phủ.
Nếu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tài thao lược của đồng chí Văn Tiến Dũng thể hiện ở tài cầm quân xông pha nơi trận mạc trong lòng địch hậu, thì trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tên tuổi của đồng chí lại gắn với những chiến dịch lớn mang tính chiến lược. Tiêu biểu như Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (4-1975), với vai trò là Tư lệnh, đồng chí đã cùng Bộ Tư lệnh chiến dịch quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”; đánh chiếm Sài Gòn nhanh gọn nhưng phải đảm bảo cho thành phố ít bị tàn phá, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của.
Với cách đánh táo bạo đó, ta đã nhanh chóng giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là một trong những đỉnh cao trong cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng Văn Tiến Dũng, được giới quân sự trên thế giới đánh giá cao vì chiến dịch đã giải phóng Sài Gòn trong một thời gian ngắn, trong hiện trạng gần như nguyên vẹn.
Bên cạnh những chiến công vang dội ấy, trong gần 25 năm làm Tổng Tham mưu trưởng, đồng chí luôn dành nhiều tâm sức, trí tuệ xây dựng Bộ Tổng Tham mưu và cơ quan tham mưu các cấp trong quân đội từ nền nếp, tác phong công tác đến trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ. Nhiều đồng chí đã trở thành những cán bộ tham mưu, chỉ huy đơn vị giỏi. Là người đứng đầu Cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, đồng chí đã chỉ đạo Cơ quan phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Chính trị và các tổng cục, tạo dựng sự đoàn kết nhất trí cao, góp phần tích cực trong công tác huấn luyện bộ đội, xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trên cương vị là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã cùng với Quân ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng tham mưu cho Đảng và Nhà nước từng bước xây dựng kế sách giữ nước một cách toàn diện. Đồng thời, có nhiều đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương xây dựng quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tiếp tục phát huy bản chất cách mạng và truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Không chỉ là một vị tướng cầm quân xuất sắc, Đại tướng Văn Tiến Dũng còn là một nhà lý luận quân sự khoa học tài ba. Từ năm 1986, khi được Ban Chấp hành Trung ương Đảng phân công chỉ đạo công tác Tổng kết chiến tranh và biên soạn lịch sử quân sự, đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn vào kho tàng lý luận và nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặc biệt là lý luận và nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh nhân dân của Đảng…
Với công lao và thành tích hoạt động cách mạng, Đại tướng Văn Tiến Dũng được Đảng, Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân chương cao quý khác.
Ngày 17-3-2002, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã ra đi ở tuổi 85, để lại niềm tiếc thương sâu sắc trong lòng đồng chí, đồng đội, đồng bào và chiến sỹ cả nước. Cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông là một trong hai vị Đại tướng chiến lược của cách mạng Việt Nam được cả thế giới biết đến.
Facebook Comments