Vào các ngày 8, 10, 11 và 17-6 vừa qua, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) xuất hiện 7 nhóm đối tượng kích động, tham gia biểu tình cùng hàng chục đối tượng liên quan “hưởng ứng” với các địa phương khác, nhưng đã bị Công an Lâm Đồng kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý.
Đáng chú ý, trong số này có các phần tử cực đoan tôn giáo, thành viên cốt cán trong tổ chức phản động “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” – tổ chức mà Chính phủ Việt Nam và cơ quan chức năng xác định là tổ chức khủng bố (đã bắt và xử lý hình sự hàng loạt đối tượng liên quan)…
“Thiếu tướng”, tư lệnh quân khu” xuống đường kích động biểu tình
Một trong số những đối tượng gây chú ý nhất với chúng tôi là đối tượngHoàng Ngọc Phúc (SN 1969, trú P.6, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng), bí danh “Hoàng thổ công”, giữ các chức vụ, quân hàm “hoàng tráng” trong tổ chức phản động “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”: “thiếu tướng, tư lệnh quân khu Tây Nguyên”.
Lợi dụng tôn giáo, Phúc còn có hành vi làm giả quyết định của một tổ chức tôn giáo quốc tế, tự phong là Phó chủ tịch Hội từ thiện quốc tế và dùng quyết định này đến một số cơ sở tôn giáo trên địa bàn Đà Lạt để kêu gọi làm từ thiện nhưng lại lấy tiền bỏ túi cá nhân.
Những việc làm của Phúc đã bị các cơ quan chức năng vạch trần, làm rõ. Cơ quan chức năng sau đó đã xác minh và kết luận, Công ty Cổ phần Hoàng Pháp TW quốc tế – trên giấy tờ của Phúc – là không có thật. Vậy nhưng, trên mạng, thông tin về công ty này khá chi tiết, rất dễ gây ngộ nhận.
Nhiệm vụ của Phúc trong tổ chức khủng bố trên là tìm kiếm và phát triển thành viên cho tổ chức, qua đó tác động lôi kéo, hướng dẫn số tay chân tham gia phá hoại, gây cháy, nổ nhằm gây tiếng vang, khuếch trương thanh thế.
Ngày 10-6-2018, thời cơ đến, lợi dụng việc phản đối dự luật đặc khu và luật an ninh mạng của một bộ phận quần chúng nhân dân, Phúc tổ chức cùng 2 đối tượng khác là Huỳnh Khánh Kim Long (SN 1988, HKTT P.2, TP.Đà Lạt), đối tượng cực đoan tôn giáo và Vũ Công Bích (SN 1990, HKTT xã Đầm Ròn, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) tập trung trước khu triển lãm trung tâm Hòa Bình – Đà Lạt trưng biểu ngữ phản đối dự luật đặc khu và luật an ninh mạng.
Sau đó chúng quay clip để tung lên mạng xã hội, thu hút một số người dân hiếu kỳ tập trung. Tuy nhiên, hành vi của 3 đối tượng đã bị lực lượng An ninh Lâm Đồng và Công an TP. Đà Lạt phát hiện, thu hồi biểu ngữ, triệu tập làm việc.
Phúc hành động theo chỉ đạo của số đối tượng cầm đầu tổ chức khủng bố giao nhiệm vụ lợi dụng việc phản đối hai dự luật để kích động, lôi kéo đông người tham gia biểu tình, căng băng rôn khẩu hiệu tạo sự chú ý; từ đó âm mưu gây rối an ninh trật tự, khi có cơ hội sẽ đẩy mạnh thành bạo loạn, gây “điểm nóng” tại Lâm Đồng.
Ngoài ra, 6 nhóm đối tượng khác tại địa bàn TP. Đà Lạt và các huyện, địa điểm: Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, quốc lộ 20 (tỉnh Lâm Đồng) cũng tiến hành các hành vi kích động biểu tình, gây rối với sự chuẩn bị kỹ lưỡng (phân công người in, phát tài liệu, trưng băng rôn, biểu ngữ, quay clip phát tán lên mạng xã hội… ), nhưng bị lực lượng An ninh Lâm Đồng và Công an các địa phương trên kịp thời phát hiện, ngăn chặn.
Điển hình là nhóm 3 đối tượng, gồm: Đỗ Văn Quyết (SN 1981, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM); Vũ Anh Tuấn (SN 1989, trú P.5, TP. Đà Lạt) và Vũ Thị Thanh Hương (SN 1971, trú P.4, TP.Đà Lạt).
Lúc 10 giờ 30 ngày 17-6, qua công tác giám sát địa bàn, lực lượng An ninh Lâm Đồng và Công an TP. Đà Lạt phát hiện 3 đối tượng trên đang phát tán tài liệu tuyên truyền có nội dung kích động biểu tình tại quán nước khu trung tâm Hòa Bình – TP. Đà Lạt nên đã tiến hành tạm giữ để làm việc.
Tại cơ quan Công an, Quyết ngoan cố không thừa nhận vai trò chủ mưu. Tuy nhiên, qua lời khai của 2 đối tượng còn lại, Quyết sau đó thừa nhận là người đứng ra tổ chức và chuẩn bị tài liệu. Quyết trực tiếp in ấn các tài liệu, tờ rơi có nội dung tuyên truyền, kích động, như: “We need justice and Peace”, “Phản đối đặc khu và luật an ninh mạng” cùng lời bài hát “Hãy trả lại cho dân”… sau buổi lễ tại nhà thờ sáng 17-6. Sau đó 3 người đến trước rạp 3-4 phát tài liệu tuyên truyền.
Tại quán bún Ty (dốc Hải Thượng, .P6 – TP. Đà Lạt), ngày 11-6, lực lượng chức năng phát hiện chủ quán cùng một số người khác đang viết, vẽ 10 biểu ngữ có nội dung phản đối luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và luật an ninh mạng cùng 2 cờ Tổ quốc để chuẩn bị ra khu trung tâm Hòa Bình tổ chức biểu tình. Lực lượng chức năng đã thu giữ toàn bộ biểu ngữ và tiến hành làm việc với những người liên quan. Cùng ngày, 3 tiểu thương khác tại chợ Đà Lạt cũng có hành vi tương tự, bị phát hiện, ngăn chặn biểu tình.
Trước đó, ngày 8-6, một số tiểu thương chợ Tân Hà, huyện Lâm Hà đặt in băng rôn, vận động khoảng 50 người dân thôn Tân Chung, thuê 2 xe ô tô đi biểu tình vào ngày 10-6 tại Đà Lạt. Phát hiện sự việc, lực lượng An ninh Lâm Đồng và Công an huyện Lâm Hà đã chủ động tuyên truyền, ngăn chặn.
Tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, ngày 11 và 12-6, một số đối tượng chạy xe máy, chăng băng rôn, biểu ngữ phản đối các dự luật và bị tạm giữ. Công an Lâm Đồng còn phát hiện 4 đối tượng người Lâm Đồng sinh sống tại Bình Thuận, TP.HCM, Đồng Nai, Khánh Hòa… tham gia biểu tình và kích động biểu tình nên phối hợp với Công an các địa phương trên kịp thời ngăn chặn. Ngoài ra, phát hiện một số cá nhân tại Lâm Đồng chia sẻ, đăng tải tài liệu kêu gọi biểu tình trên mạng internet và hưởng ứng bằng hình thức “biểu tình du kích” tại nhà riêng…
Làm việc với Cơ quan điều tra, số tiểu thương, thanh niên tham gia các hành vi trưng biểu ngữ, tham gia biểu tình đều thừa nhận: không hiểu rõ, thậm chí chưa đọc, tìm hiểu rõ về luật an ninh mạng, dự luật đặc khu nhưng được kêu gọi, kích động biểu tình nên tham gia.
Cơ quan Công an xác định, có vai trò của một số văn nghệ sĩ, những phần tử cực đoan, thù địch dai dẳng, kéo dài từ nhiều năm trước sinh sống và có “quê gốc” tại Lâm Đồng đứng sau tổ chức kích động một số nhóm biểu tình trái pháp luật diễn ra tại Lâm Đồng. Một số hộ dân tố giác thông tin, họ được kêu gọi, kích động biểu tình dưới chiêu bài “yêu nước” nhưng không nghe, không tham gia vì vấn đề nhận thức.
Cương quyết với các phần tử ngoan cố, chống đối
Việc Công an Lâm Đồng và các ngành chức năng địa phương kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn hiệu quả các nhóm, cá nhân tổ chức kích động biểu tình, gây rối, không để lây lan trên địa bàn và các địa phương khác; không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người dân địa phương và đông đảo du khách đến TP.Đà Lạt trong những ngày hè du lịch qua là minh chứng đảm bảo công tác giữ gìn trật tự an ninh trên địa bàn của lực lượng chức năng địa phương.
Nếu không ngăn chặn, giải quyết kịp thời, hậu quả rất khó lường. Ngoài là địa bàn giáp ranh với 4 tỉnh, thành (Bình Thuận, Khánh Hòa, Đồng Nai, TP.HCM) có diễn biến phức tạp trong đợt xảy ra hoạt động biểu tình trái pháp luật những ngày qua, Lâm Đồng còn là nơi “an dưỡng” của nhiều phần tử cực đoan, có lý lịch phức tạp.
Đánh giá về diễn biến sự việc, Thiếu tướng Bùi Văn Sơn – Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, người trực tiếp chỉ đạo lực lượng Công an địa phương chủ động phối hợp các ngành chức năng giải quyết các sự việc trên, chia sẻ: “Quán triệt chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh ủy, Bộ Công an, đặc biệt là Bộ Công an về công tác phòng chống biểu tình, bạo loạn, chúng tôi sớm xác định những việc cần làm: đánh giá tình hình, xác định rõ đối tượng, dự kiến các tình huống để có phương án phù hợp.
Cùng đó, Công an tỉnh tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo hệ thống chính trị, các ban ngành cùng vào cuộc, phối hợp; bám sát địa bàn, theo dõi, quản lý các đối tượng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động kích động, tụ tập, biểu tình, gây rối ANTT; chủ động, dự kiến các tình huống và phương án xử lý, không để bị động, bất ngờ; không để các đối tượng thực hiện ý đồ chống phá; phân công lực lượng tác chiến, trực chiến 100% trong thời gian cần thiết.
Do đó chủ động nắm thông tin, vô hiệu hóa ngay các âm mưu, hoạt động của các đối tượng từ khi họ manh nha, bộc lộ mưu đồ. Thực hiện phương châm: phát hiện sớm, xử lý sớm, xử lý ngay từ gốc, từ cơ sở; cốt lõi là tuyên truyền, vận động. Cương quyết với những phần tử ngoan cố, sai phạm nhưng cũng phải kiên trì giải thích, vận động với những người chưa nhận thức đầy đủ về sự việc.
Thời điểm xảy ra các vụ biểu tình trái pháp luật đang là mùa hè, mùa du lịch, do đó, lượng khách du lịch tập trung đến TP.Đà Lạt rất đông. Mọi công tác nghiệp vụ phải đảm bảo không ảnh hưởng đến tình hình ANTT địa phương, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân, du khách. Công tác tới đây là tiếp tục quản lý chặt chẽ số đối tượng trên sau đấu tranh, không để hoạt động trở lại…”.
Đại tá Trần Vĩnh Phú – Trưởng phòng An ninh xã hội (PA88) Công an Lâm Đồng – cho biết, đến nay, Cơ quan An ninh điều tra đã triệu tập, đấu tranh 30 lượt/20 đối tượng, giám sát 15 đối tượng liên quan đến các hoạt động kích động biểu tình, bạo loạn, gây rối ANTT trên địa bàn trong những ngày qua.
Bước đầu xác định có sự liên kết giữa các đối tượng, nhận chỉ đạo từ các tổ chức phản động “xã hội dân sự”. Ngoài số bị kích động, lôi kéo tham gia biểu tình, số đối tượng cầm đầu, chủ mưu nhằm đạt ý đồ cá nhân đã lợi dụng luật an ninh mạng, dự luật đặc khu, lôi kéo nhiều người tham gia.
Nhìn chung, họ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, phân công lực lượng cụ thể (người chuẩn bị tài liệu, thông tin thời gian, địa điểm biểu tình, cách thức liên lạc, đối phó khi bị công an xử lý, phân công người quay clip để phát tán; đặc biệt là hình ảnh công an khi can thiệp, xử lý để vu cáo…).
Từ chỉ đạo của cấp trên, cán bộ, trinh sát các phòng, ban nghiệp vụ chủ động tốt công tác nắm, phân tích, dự báo tình hình; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, dập tắt các vụ việc ngay từ đầu, không để các đối tượng có thời gian kích động, chống đối. Thành phần tham gia khá phức tạp, bao gồm: lao động tự do, tiểu thương, cực đoan tôn giáo, số phần tử phản động, cơ hội chính trị, không nghề nghiệp…
Hiện Cơ quan điều tra đang tiếp tục củng cố hồ sơ, xử lý các đối tượng trên theo pháp luật.
Thiếu tướng Bùi Văn Sơn – Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng: Người dân cần tiếp cận những thông tin chính thống
Việc xảy ra các cuộc biểu tình, bạo loạn như vừa qua, xuất phát từ những nguyên nhân sau: Sự kích động quá trớn của một số phần tử có ý đồ chống đối Đảng, Nhà nước; sự hạn chế, mơ hồ trong nhận thức của một bộ phận nhân dân khi nghe, nói đến luật an ninh mạng và dự luật đặc khu.
Do đó, báo chí chính thống, các phương tiện truyền thông, các ngành chức năng, các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin chính xác, cụ thể về luật an ninh mạng để nhân dân hiểu, tránh để kẻ xấu, kẻ địch tuyên truyền luận điệu sai trái, thông tin sai lệch, lấy cớ kích động, lôi kéo người dân biểu tình trái pháp luật.
Bất cứ một quốc gia nào phát triển đều phải có điều luật phù hợp với yêu cầu xã hội đặt ra. Luật an ninh mạng là cần thiết và là yêu cầu cấp thiết khi khoa học công nghệ phát triển, để điều chỉnh, quản lý tốt những hoạt động xâm phạm an ninh mạng. Chắc chắn sẽ hạn chế một số ý đồ của các thế lực thù địch trên không gian mạng nên họ phản đối.
Trong điều kiện nhận thức của nhiều tầng lớp nhân dân chưa đầy đủ, kẻ địch sẽ lợi dụng, lấy cớ chống phá đất nước. Do đó, phải nắm rõ âm mưu, ý đồ, phân loại số đối tượng để vừa đấu tranh, vừa tiếp tục tuyên truyền vận động. Cùng đó, cơ quan Công an phải khẩn trương tham mưu các cấp ủy, chính quyền, tăng cường công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, an dân….