“Đi bão”, hai từ có lẽ đã trở nên quá quen thuộc với người hâm mộ Việt Nam trong những ngày này. Sau 10 năm chờ đợi, người dân Việt Nam mới lại được hưởng không khí trong một trận chung kết của giải đấu bóng đá danh giá nhất Đông Nam Á.
Với tỷ số 2 – 2 trong trận chung kết lượt đi trên đất Malaysia hứa hẹn sẽ lại có một “cơn bão đỏ” trên toàn đất nước Việt Nam. Tuy nhiên, để tình yêu với bóng đá đẹp hơn, trở thành nét văn hoá của người Việt thì mỗi người hâm mộ cần chọn cho mình cách ăn mừng văn minh nhất.
Yêu bóng đá nhất thế giới
Có lẽ, hiếm ở đất nước nào lại có tình yêu bóng đá, sự cổ vũ cuồng nhiệt với bóng đá như ở Việt Nam. Rất nhiều nhà báo, giới chuyên môn, cũng như người nước ngoài phải bất ngờ, thậm chí còn phấn khích trước sự cuồng nhiệt của các cổ động viên Việt Nam. Không chỉ những giải đấu gần đây như U23 Châu Á, AFF Suzuki, cổ động viên mới tổ chức đi “bão”.
Những hình ảnh đẹp của cổ động viên Việt Nam trên sân vận động Mỹ Đình.
Phải thừa nhận rằng, các chàng trai của đội tuyển đã thổi bùng lên tình yêu, sự đoàn kết trong mỗi người Việt Nam sau những chiến thắng trên sân cỏ. Và chính những “cơn bão đỏ” ấy đã tiếp thêm sức mạnh trước và sau trận đấu. Dường như việc từng đoàn người đổ ra đường, tiến về trung tâm các thành phố để hò reo, cổ vũ mỗi khi đội tuyển Việt Nam chiến thắng đã trở thành nét văn hoá. Tiếng kèn trống, cờ sao rực rỡ khắp mọi nẻo đường, những cờ hoa ngợp trời tung bay trở thành hình ảnh vô cùng quen thuộc khiến mỗi người dân đều dâng trào cảm xúc tự hào dân tộc.
Thế nhưng, sự cuồng nhiệt ấy cũng khiến không ít người lo lắng, bởi đâu đó vẫn còn những hình ảnh xấu xí khiến cuộc vui trở nên lố bịch và nguy hiểm. Giá như tiếng còi xe, còi kèn được sử dụng chừng mực thì đã không có chuyện những cổ động viên có tuổi giật mình mà ngã ra đường. Giá như những tiếng ồn đó được thay bằng những bài hát cổ vũ như “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”; “Quốc ca”.?
Tình yêu bóng đá đâu cứ phải là chở 3,4 người trên 1 chiếc xe máy và phi như tên bắn, rồi nhả khói đen, nẹt pô, đánh võng để gây nguy hiểm cho người khác. Nếu ai đó đã từng hoà mình vào không khí “đi bão” của người Hà Nội chắc chắn không thể quên những hình ảnh đẹp như từng nhóm cổ động viên chẳng hề quen biết lao vào ôm nhau, bắt tay nhau rồi trao những nụ cười hân hoan.
Chắc chắn mọi người sẽ rưng rưng xúc động khi chứng kiến một chàng trai khuyết tật ngồi xe lăn nhưng vẫn hết mình cổ vũ, hoà vào dòng người. Báo chí thế giới từng rất ấn tượng với hình ảnh cụ bà tóc bạc phơ khoác lên mình lá quốc kỳ, đánh trống cổ vũ cùng dòng người.
Thế nhưng trong những hình ảnh đẹp ấy, lại xuất hiện rất nhiều hình ảnh phản cảm của một số cổ động viên quá khích. Những ngày qua, cư dân trên mạng truyền nhau hình ảnh một cô gái khoả thân quấn quốc kỳ chạy khắp phố. Hay một vài hot girl khoả thân đứng trên xe múa may quay cuồng khiến không ít người chứng kiến phải lấy làm xấu hổ.
Chả có lẽ cờ Tổ quốc, áo đỏ sao vàng đang tung bay rợp trời kia, bao tiếng hân hoan tự hào kia lại có thể bị chà đạp, vấy bẩn bởi những hình ảnh đó. Các bạn trẻ cần phải thay đổi nhận thức ngay lập tức, vì đó là những hành vi trái với thuần phong mỹ tục và không văn minh.
Vụ tai nạn xảy ra tại cầu Chương Dương đêm ngày 6 -12.
Họ phóng xe như bay trên đường, thậm chí nhiều cổ động viên nữ còn ăn mặc phản cảm, thậm chí cởi hết quần áo hò reo. Tôi nghĩ, bóng đá là niềm đam mê của mọi người, đội tuyển Việt Nam là niềm tự hào của cả dân tộc. Hãy cổ vũ làm sao để an toàn, để bạn bè quốc tế nhìn vào nữa chứ”.Bác Nguyễn Văn Cường (60 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi dù đã có tuổi nhưng mỗi khi đội tuyển Việt Nam chiến thắng đều cùng con cháu ra đường hoà vào niềm vui chung. Thế nhưng, tôi rất lên án những hành động ăn mừng quá khích của một số thanh niên.
Cổ vũ theo phong trào
Mới đây, dân mạng xôn xao với một đoạn clip phỏng vấn nhiều hot girl tại cổng Sân vận động Mỹ Đình. Nhiều người cho rằng, đây là clip bóc phốt các cổ động viên không hề am hiểu gì về bóng đá mà chỉ đi cổ vũ theo phong trào.
Một cô gái vận trang phục khá bắt mắt, với hai lá cờ Tổ quốc hình trái tim được dán lên má, khi được hỏi: “Em đến sân Mỹ Đình nhiều chưa? Em thích cầu thủ nào nhất trong đội tuyển Việt Nam?”, cô gái này ậm ừ trả lời: “Lần nào có đội tuyển đá là em đến sân Mỹ Đình để cổ vũ. Nhưng em không biết tên cầu thủ nào cả. Em đi cổ vũ vui là chính thôi ạ”.
Khi được hỏi: “Thủ môn của đội tuyển Việt Nam là ai?” Cô gái này cũng trả lời rụt rè: “Em không rõ lắm, nhưng các anh ấy đá quá hay ạ…”, nói xong cô gái này khoác tay bạn trai hô vang “Việt Nam vô địch!”. Hay một hot girl khác mau mắn trả lời phóng viên rằng: “Nếu đội tuyển Việt Nam giành chức vô địch năm nay em sẽ cởi đồ, khoả thân chạy quanh Bờ Hồ”.
Chính từ việc đi cổ vũ bóng đá theo phong trào ấy đã xảy ra không ít những hệ luỵ. Dường như họ không cổ vũ bóng đá bằng sự hiểu biết, niềm đam mê và tự hào dân tộc. Ngay sau khi khết thúc trận bán kết lượt về với đội tuyển Phillipines, đội tuyển của chúng ta lần đầu vào đá trận chung kết sau 10 năm chờ đợi người hâm mộ đã chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại nhiều nơi trên cả nước.
Điển hình là vụ tai nạn tại cầu Chương Dương, đêm 6 -12. Đó là một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến nhiều người bị thương. Nguyên nhân là hai xe máy của các cổ động viên đâm trực diện vào nhau trong làn ôtô. Cùng thời điểm đó lại xảy ra ẩu đả giữa hai nhóm thanh niên ngồi quán nước trên đường Tôn Đức Thắng (Hà Nội). Va chạm khi “đi bão”, hai nhóm này đã lao vào đánh nhau khiến một người bị đâm dao găm trúng lưng phải nhập viện.
Vụ thanh niên bị đâm vào lưng khi “đi bão” cổ vũ đội tuyển Việt Nam.
Trên phố Đại Cồ Việt (Hà Nội) cũng xảy ra một vụ ẩu đả tương tự trong lúc người hâm mộ “đi bão” mừng đội tuyển Việt Nam chiến thắng. Không hiểu trước đó mâu thuẫn gì, hai thanh niên đã xông vào nhau đánh nhau trước sự chứng kiến của hàng ngàn người vẫn vang lên tiếng kèn cùng tiếng hò reo. Chỉ đến khi có lực lượng Công an vào can ngăn thì hai thanh niên này mới chịu dừng lại.Anh Lê Văn Bình (30 tuổi) – người có mặt tại hiện trường cho hay: “Tại đây, 2 nhóm thanh niên sau lời qua tiếng lại đã sử dụng cốc, ghế nhựa và điếu cày tấn công lẫn nhau. Một nam thanh niên tham gia ẩu đả đã bị đối phương dùng dao đâm vào vùng lưng, được người dân đưa vào viện cấp cứu. Tôi nghĩ, các bạn đi cổ vũ bóng đá cũng cần văn minh hơn, hoà chung vào dòng người hát hò reo vang. Đừng lấy cớ đi cổ vũ bóng đá mà làm mất vui, mất hình ảnh của cổ động viên chân chính Việt Nam”.
Cũng trong đêm 6 -12, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra tại Đại lộ Võ Văn Kiệt (quận 6, TP Hồ Chí Minh) khiến 2 nạn nhân đi xe máy nằm bất tỉnh giữa đường. Sự việc xảy ra đúng vào thời điểm đoàn xe “đi bão” mừng chiến thắng diễu qua.
Mới đây nhất vào đêm 11 -12 trên quốc lộ 13 đoạn qua phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, chiếc xe máy mang BKS: 47F1 – 464.1 do 2 cô gái chở nhau, lưu thông trên quốc lộ 13 hướng từ TP. Hồ Chí Minh về Bình Dương.
Khi đến ngã ba giao với cổng KCN Việt Hương đã tông vào xe container. Do chạy tốc độ quá cao, không làm chủ được tay lái, chị Vũ Thị Xuân (23 tuổi) tử vong tại chỗ, cô gái con bị thương nặng được đưa đi cấp cứu. Tại hiện trường, vẫn còn chiếc xe máy nát bét phần đầu, cùng băng rôn cổ vũ đội tuyển Việt Nam của hai cô gái trẻ.
Đội tuyển bóng đá Việt Nam là đại diện cho niềm kiêu hãnh của hàng triệu người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Không có lý do gì mà chúng ta lại bôi xấu hình ảnh ấy bằng những hành động cổ vũ kém văn hoá, kém duyên như thế.
Để rồi những tai nạn đáng tiếc xảy ra, như vậy chiến thắng của chúng ta sẽ không còn được trọn vẹn. Trước mắt chúng ta còn một trận đấu quyết định trên sân vận động Mỹ Đình với người Mã, dù kết quả thế nào thì các cầu thủ của chúng ta đều nhận được sự ủng hộ cuồng nhiệt từ các cổ động viên. Chỉ mong, hãy “đi bão” thật văn minh để tinh thần cổ động này trở thành nét đẹp văn hoá trong mắt bạn bè quốc tế, quan trọng hơn là làm cho chiến thắng của đội tuyển Việt Nam trở nên ngọt ngào, trọn vẹn niềm vui…
Ông Uông Việt Dũng, Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết: Mỗi khi có chiến thắng của đội tuyển Việt Nam là lượng phương tiện đổ ra đường tăng đột biến. Cùng với đó là hiện tượng lợi dụng ăn mừng để vi phạm giao thông như đi xe máy chở 3, không đội mũ bảo hiểm, lái xe sang làn ngang, nẹt pô, phóng nhanh vượt ẩu… Hiện nay chưa có con số thống kê chính thức, nhưng sơ bộ tình trạng ùn tắc và các sự cố giao thông là có gia tăng. Trước mỗi trận đấu, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đều tham mưu, chỉ đạo hạn chế tai nạn, sự cố. Bộ trưởng Bộ Công an cũng đã chỉ đạo toàn ngành, đặc biệt ở các thành phố lớn phải ra quân phân luồng, tổ chức giao thông, quản lý và theo dõi hoạt động cổ vũ, ăn mừng.
Bảo đảm an toàn, thuận tiện cho hoạt động cổ vũ trận chung kết lượt về AFF Suzuki Cup 2018
Cục CSGT vừa có điện chỉ đạo lực lượng CSGT các đơn vị, địa phương chủ động đảm bảo an toàn, thuận tiện cho hoạt động cổ vũ bóng đá, không để tắc đường ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của nhân dân, phòng ngừa vi phạm giao thông, xử lý các đối tượng quá khích, lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, cổ vũ đua xe và đua xe trái phép…
Vào 19h30 ngày 15/12 trên Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội sẽ diễn ra trận chung kết lượt về AFF Suzuki Cup 2018 giữa Việt Nam và Malaysia. Do tình cảm đặc biệt của người dân cả nước dành cho đội tuyển Việt Nam và trận đấu được tổ chức vào ngày cuối tuần, nên dự báo sẽ có một lượng lớn cổ động viên tập trung xem, diễu hành, ăn mừng… nhất là tại trung tâm các đô thị.
Chính vì vậy, lực lượng CSGT cần kịp thời triển khai lực lượng, phương tiện và phối hợp với các lực lượng bảo đảm an ninh trật tự và TTATGT trên địa bàn trước, trong và sau khi diễn ra trận chung kết, đặc biệt là tại các đường phố khu vực trung tâm hành chính, nơi tổ chức xem bóng đá đông người.
Trong khi thực hiện nhiệm vụ, chú ý nhắc nhở, tuyên truyền cho người dân thực hiện đúng pháp luật về TTATGT, cổ vũ trật tự, không có các hành vi gây rối trật tự công cộng. CSGT phối hợp với các lực lượng Công an khác xử lý nghiêm các vi phạm, kiên quyết ngăn chặn các hành vi quá khích, tụ tập đua xe trái phép và xử lý các tình huống phức tạp.
Cục CSGT cũng khuyến cáo người dân cổ vũ bóng đá có văn hóa, chấp hành pháp luật về TTATGT, chú ý bảo vệ trẻ em, vui mừng nhưng không quá khích.
Đăng Quang
Song Anh/Báo CAND