GDP của Việt Nam cả năm 2018 tăng 7,08%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 trở lại đây. Điều gì góp phần tạo nên con số này?
Tại cuộc họp báo chiều 27/12, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: Thành tích tăng trưởng này có được nhờ sự tăng trưởng trên cả 3 khu vực kinh tế: nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và dịch vụ.
“Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%, đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung. Công nghiệp và xây dựng tăng 8,85%, đóng góp 48,6%. Khu vực dịch vụ tăng 7,03%, đóng góp 42,7%.
Nông nghiệp có bước tiến vững chắc trong năm 2018. Ảnh: TTXVN
Trong đó, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản đã đạt mức tăng trưởng cao nhất giai đoạn 2012 – 2018, khẳng định xu thế chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả. Giá bán sản phẩm ổn định cùng với thị trường xuất khẩu được mở rộng cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển của khu vực này.
Ông Lâm cho rằng, đã có sự chuyển đổi ngay trong nội tại ngành nông nghiệp. Ví dụ trong lĩnh vực trồng trọt, mặc dù diện tích gieo trồng lúa năm nay thấp hơn nhưng sản lượng vẫn cao hơn năm 2017 khoảng 1,2 triệu tấn. Điều này cho thấy năng suất đã cao hơn.
“Đây là kì tích của ngành nông nghiệp. Con số tăng trưởng 3,76% vượt mong đợi của chúng tôi từ đầu năm”, ông Lâm cho biết.
Còn theo ông Lê Trung Hiếu, Quyền vụ trưởng Vụ Thống kê Nông lâm nghiệp và thủy sản, năm qua chăn nuôi lợn đã phục hồi nhanh do giá cả tăng cao. Nông sản Việt năm 2018 cũng có nhiều bước tiến khi có 14 nhà máy chế biến nông sản công suất lớn đi vào hoạt động. Trong đó có 9 nhà máy về trồng trọt và 5 về chăn nuôi. 3 nhà máy nữa sẽ hoạt động vào đầu năm 2019 giúp ngành nông nghiệp phát huy tối đa động lực phát triển.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp năm 2018 duy trì mức tăng trưởng khá với mức tăng 8,79%, đóng góp 2,85 điểm phần trăm vào tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực này và là động lực chính của tăng trưởng với mức tăng cao 12,98%, tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ 2017 nhưng cao hơn giai đoạn trước.
Khu vực dịch vụ năm nay tăng 7,03%. Trong đó, ngành bán buôn bán lẻ tăng 8,51%, tài chính ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,21%, dịch vụ ăn uống và lưu trú tăng 6,78%…
“Khu vực dịch vụ tăng trưởng thể hiện tổng cầu trong nội địa của nền kinh tế và tổng cầu từ bên ngoài qua con số tăng trưởng của xuất khẩu. Lượng xuất khẩu tăng cao hơn năm ngoái mặc dù giá xuất khẩu không được như năm ngoái”, ông Nguyễn Bích Lâm nhận định.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm qua chất lượng tăng trưởng đã được cải thiện đáng kể. Năng suất lao động năm 2018 tăng 5,93% so với năm 2017 do số lượng lao động được bổ sung và số lao động có việc làm tăng cao.