Theo Công an TP.HCM, thực tế, người đứng đầu các app cho vay tiền là người nước ngoài, thuê người Việt Nam điều hành, thẩm định vay, gọi điện ‘khủng bố’ đòi nợ.
Nguyễn Mạnh Hải, giám đốc Công ty thu hồi nợ Tiếng Nói Hay, lúc bị bắt – Ảnh: Công an cung cấp
Liên quan vụ “Cho vay qua app, đòi nợ liền tay, đe dọa suốt ngày, ghép hình ‘khủng bố'”, hiện Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM tiếp tục đấu tranh mở rộng, truy xét, bắt giữ những người giúp sức hành vi cho vay lãi nặng và cưỡng đoạt tài sản.
App truy cập danh bạ, hình ảnh trong điện thoại
Ngày 29-5, Công an TP.HCM cảnh báo về các thủ đoạn tinh vi, biến tướng cho vay tiền qua ứng dụng (app), nếu người dân không nhận diện, nâng cao tinh thần cảnh giác thì rất dễ sập bẫy, trở thành nạn nhân.
Cách thức cài đặt đơn giản, chỉ cần thao tác trên điện thoại tải các app về và cài đặt theo hướng dẫn, mà không biết rằng để được vay tiền phải cho phép app truy cập vào danh bạ điện thoại, hình ảnh cá nhân và thu thập thông tin người dùng…
Trường hợp khách vay không trả hoặc cắt liên lạc thì nhân viên sẽ dựa vào danh bạ để gọi điện cho người thân, bạn bè yêu cầu người thân nhắc người vay với nội dung: “Người vay tiền liên hệ lại số điện thoại…. này để giải quyết nợ bên công ty tài chính, app vay, còn trốn tránh sẽ ghép ảnh vợ, con vào trang mạng làm gái, con em lên bàn thờ và đăng lên mạng xã hội, gửi bạn bè, gia đình, đồng nghiệp, dán cột điện ở khu vực sinh sống…”.
Sau khi gọi đòi nợ những khách vay và người thân, bạn bè của họ vẫn chưa được, nhân viên sẽ gọi điện để chửi bới, đe dọa và nhắn tin với lời lẽ thô tục, xúc phạm, lấy hình ảnh cá nhân cắt ghép hình đồi trụy, khỏa thân để gửi cho người thân, gia đình…
Ngoài ra, những người cho vay sẽ trực tiếp hoặc có khi thuê người đến tạt sơn, chất bẩn, gây hủy hoại tài sản của người dân.
Từ thực trạng trên, ban giám đốc Công an TP.HCM chỉ đạo Phòng cảnh sát hình sự (PC02) xác lập chuyên án, phối hợp Cục Cảnh sát hình sự (C02), các cục nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an TP Cần Thơ tập trung đấu tranh nhóm sử dụng công nghệ cao đe dọa, khủng bố tinh thần người vay và gia đình của họ.
Công an xác định hơn 32 app cho vay tiền hoạt động với phương thức, thủ đoạn đòi nợ như trên.
Người nước ngoài thuê người Việt Nam điều hành
Thực tế, người đứng đầu thường là người nước ngoài, tạo nhiều app cho vay; thuê người Việt Nam làm giám đốc, phân công nhiều bộ phận như: bộ phận thẩm định vay, quản lý hệ thống, nhắc nợ và thu nợ đúng hạn; quản lý nhân viên đòi nợ…
Cùng ngày, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt tạm giam 11 bị can để xử lý về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Một bị can trong đường dây cho vay tiền qua app bị công an bắt – Ảnh: Công an cung cấp
Hải chỉ đạo Khánh, Vân cùng các thành viên thực hiện nhiệm vụ thu hồi nợ trễ hạn 15 ngày. Đòi bằng cách nhắn tin, gọi điện cho khách vay, người thân của họ để đe dọa, uy hiếp tinh thần.
Nhân viên Công ty Golden là Đàm Chí Hào, Châu Khả Nghi (cùng 27 tuổi, ngụ quận Bình Tân) và Trần Thị Mai (28 tuổi, ngụ TP Thủ Đức).
Hào và Nghi chung sống với nhau như vợ chồng và làm việc tại Công ty Golden từ tháng 6-2022 đến nay. Hào làm việc trong nhóm sử dụng các ứng dụng: Goldway, Dodong, Fixloan.
Còn Nghi được giới thiệu làm việc ở bộ phận nhóm nhắc nợ đến hạn và sử dụng ứng dụng Findong, Fullcash do Trần Thị Mai quản lý. Mai quản lý các app vay tiền: Baovay, Goldvay, Sugarvay, Ezvay, Ppvay, Fullcash, Cfcash, 99cash…
Công ty Bamboo tại quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) là Trần Thị Thanh Hương (28 tuổi), thực hiện đòi nợ đối với khách vay nợ của công ty qua các app: Ảo thuật gia, Hồ lô, Kinh kong, Địa chủ, Chìa khóa…
Nhân viên của app “Tự do”, “Độc lập” là Nguyễn Thị Cẩm Hồng (22 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh). Hồng lên mạng tìm kiếm việc làm online tại nhà, sau đó tìm được công việc gọi điện chửi bới, nhắn tin đe dọa nhắc nhợ.
Nhân viên app Nano, Gola là Trần Tân Tiến (36 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh). Tiến làm công việc đòi nợ cho các app vay do người Trung Quốc làm chủ là Nano, Gola, Asa, Benta, Bason, Roly, Anfa, Misa…
Lương của Tiến một tháng 10 triệu đồng. Tiến thường dùng số điện thoại để nhắn tin hăm dọa trước, sau đó nếu khách vẫn không trả thì Tiến sẽ lấy Zalo gửi hình ảnh đã ghép cho người thân, bạn bè của họ.
Nhóm app Pedong, BeeLoan, Reddong, HotDong do Nguyễn Vạng Trung (32 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) làm trưởng nhóm đòi nợ, nhân viên là Nguyễn Thanh Tùng (26 tuổi, ngụ quận 7).
Vạng, Tùng làm việc dưới sự chỉ đạo, điều hành của một người đàn ông Trung Quốc, có nhiệm vụ tuyển dụng và quản lý các nhân viên để đòi nợ các khoản vay qua app.
Tùng là nhân viên của Trung, có nhiệm vụ dùng các thủ đoạn gọi điện, nhắn tin đe dọa với mục đích đòi nợ cho các app vay.
Những người trong đường dây bị Công an TP.HCM bắt – Ảnh: Công an cung cấp
Theo Tuổi trẻ