Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có tờ trình gửi Bộ Tư pháp thẩm định về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó đề xuất bổ sung quy định hoạt động của người có ảnh hưởng như nghệ sĩ, KOLs khi quảng cáo sản phẩm.
Đề xuất này được coi là cần thiết để chấn chỉnh tình trạng một số nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm không chất lượng thời gian qua.
Nghệ sĩ phải thận trọng và có trách nhiệm
Tờ trình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ: “Hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng phải đảm bảo yêu cầu: Phải có văn bản thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo và phải được tổ chức, cá nhân đó đồng ý, xác nhận vào nội dung quảng cáo trước khi thực hiện, khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên trang mạng xã hội khi có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm”.
Thời gian qua, nhiều nghệ sĩ quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm, gây khó khăn cho người tiêu dùng.
Nhạc sĩ, NSƯT Thế Hiển cho rằng, thời gian vừa qua, việc quảng cáo của các nghệ sĩ, nhất là quảng cáo trên mạng xã hội đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có rất nhiều ý kiến lên án việc quảng cáo sản phẩm không bảo đảm chất lượng, thậm chí có dấu hiệu lừa dối khách hàng. Xét trong bối cảnh nghệ sĩ là người của công chúng, nhận được sự quan tâm đặc biệt và tình cảm yêu mến của công chúng thì việc quảng cáo sản phẩm sai lệch này gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực đối với khách hàng, xã hội và giới nghệ sĩ.
Vì thế, việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất nghệ sĩ phải thẩm định sản phẩm trước khi quảng cáo là điều hết sức cần thiết. “Chính những việc bán danh một cách rẻ tiền của một số nghệ sĩ đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh cao đẹp của giới nghệ sĩ. Nghệ sĩ là những người mang đến cái đẹp cho đời, vì vậy đòi hỏi trước hết họ phải sống đẹp, sống có nhân cách, đạo đức. Do đó, đề xuất này sẽ khiến các nghệ sĩ phải thận trọng hơn, có trách nhiệm hơn trong việc giới thiệu sản phẩm”, nhạc sĩ, NSƯT Thế Hiển nhấn mạnh.
NSƯT Lê Nguyên Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất nghệ sĩ phải thẩm định sản phẩm trước khi quảng cáo khẳng định quyết tâm mạnh mẽ từ phía cơ quan chức năng trong việc kiểm soát hoạt động quảng cáo của nghệ sĩ trên không gian mạng. “Đề xuất này nếu được thực hiện sẽ tạo hành lang pháp lý góp phần ngăn chặn sự xâm nhập của hàng hóa kém chất lượng, không đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ, góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh. Người tiêu dùng từ đó sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với hàng thật, chất lượng tốt, giá thành phù hợp, góp phần đưa hoạt động quảng cáo của nghệ sĩ đi vào nền nếp, lành mạnh, để họ vừa có thu nhập nhưng cũng vừa giữ được hình ảnh của nghệ sĩ trong mắt công chúng”, NSƯT Lê Nguyên Đạt cho hay.
Giúp nghệ sĩ tăng cường hiểu biết, tuân thủ pháp luật
Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang kỳ vọng, đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ góp phần làm hạn chế tình trạng mất kiểm soát đối với hoạt động quảng cáo của các nghệ sĩ cũng như chặn đứng phần nào việc một số cơ sở sản xuất mạo danh các nghệ sĩ, bác sĩ quảng cáo trá hình sản phẩm. Từ đó sẽ tạo ra hành lang pháp lý chặt chẽ, không chỉ góp phần làm trong lành môi trường cạnh tranh thương mại mà còn góp phần ngăn chặn việc trục lợi trái phép trên sức khỏe của người tiêu dùng đến từ hoạt động quảng cáo tự phát.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Ngô Hương Giang, đề xuất này chứa đựng nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất đặt ra là hoạt động quảng cáo tự phát trên không gian mạng của các nghệ sĩ vốn là một hoạt động liên ngành. “Cơ quan quản lý văn hóa có thể quản lý trực tiếp phát ngôn, hành vi và nội dung biểu diễn của nghệ sĩ, song việc ngăn chặn phát tán thông tin quảng cáo lại thuộc về chức năng của cơ quan quản lý thông tin. Vì vậy đòi hỏi nhiệm vụ trên phải được thông suốt và không bị chồng chéo về nhiệm vụ, chức năng giữa các đơn vị quản lý”, nhà nghiên cứu Ngô Hương Giang nhấn mạnh.
Trao đổi với PV Báo CAND, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, để đề xuất này đi vào cuộc sống mà không gây dị nghị, tiêu chuẩn và quy trình thẩm định cần được quy định rõ, công khai, minh bạch thông qua việc công bố đầy đủ thông tin về cách thức kiểm tra, xếp hạng và giám sát sản phẩm. Hơn nữa, cần tạo ra các cơ chế đảm bảo tính độc lập, khách quan trong việc thẩm định sản phẩm. Cơ quan thẩm định không nên bị ảnh hưởng bởi áp lực từ các bên liên quan hoặc lợi ích cá nhân. Các thành viên của cơ quan thẩm định cần có kiến thức chuyên môn và chuyên sâu về lĩnh vực nghệ thuật cũng như quảng cáo.
“Quá trình thẩm định cần tôn trọng sự đa dạng và sáng tạo trong nghệ thuật. Nhưng nếu có các sản phẩm quảng cáo vi phạm tiêu chuẩn cần có biện pháp xử phạt phù hợp để đảm bảo tính nghiêm minh của chế tài. Hơn nữa, cần cung cấp hướng dẫn, tư vấn cho nghệ sĩ và các nhà quảng cáo về quy trình thẩm định, tiêu chuẩn để giúp họ tăng cường hiểu biết, tăng cường tuân thủ pháp luật”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Theo Báo CAND