Tờ The Canberra Times số ra ngày 3/8 đưa tin trong thông báo sau cuộc họp tại Bangkok (Thái Lan) tuần qua, Ngoại trưởng Australia Marise Payne cùng người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước “những thông tin đáng tin cậy” về những hoạt động cản trở các dự án dầu khí trên Biển Đông, ám chỉ việc các tàu của Trung Quốc ngăn cản hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Thông báo bày tỏ quan ngại về “những diễn biến tiêu cực” ở vùng Biển Đông, đồng thời mạnh mẽ lên án “những hành động đơn phương có thể làm thay đổi nguyên trạng và làm gia tăng căng thẳng, như bồi đắp các đảo, xây các tiền đồn, quân sự hóa các thực thể đang tranh chấp và những hành động khác gây tác hại môi trường biển” ở vùng Biển Đông.
Trong cuộc hội đàm ngày 3/8 tại Sydney (Ausrtralia), tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper lên án Trung Quốc “đang gây mất ổn định” khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Theo ông, ngoài việc quân sự hóa Biển Đông, Bắc Kinh đang tìm cách thao túng khu vực Nam Thái Bình Dương trở thành là một điểm “nóng” khác.
Theo hãng tin Reuters, phát biểu với báo giới bên lề cuộc họp thường niên về an ninh với các lãnh đạo quốc phòng và ngoại giao Australia, Bộ trưởng Mark Esper nhấn mạnh Mỹ kiên quyết chống lại những hành động gây bất ổn định của Trung Quốc, bao gồm việc quân sự hoá các di sản chung của nhân loại tại Biển Đông, sử dụng các thủ đoạn kinh tế, bẫy nợ, cũng như khuyến khích các hoạt động đánh cắp sở hữu trí tuệ của các quốc gia khác. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nêu rõ Washington sẽ phối hợp cùng các đồng minh và đối tác bảo đảm an ninh tại khu vực trước các mối đe dọa đang gia tăng.
Trước đó, giới chức Mỹ, Ấn Độ cũng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus, việc Trung Quốc tiến hành cải tạo và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông, cùng với các hành động khác nhằm khẳng định những đòi hỏi bất hợp pháp của Bắc Kinh ở vùng biển này, bao gồm cả việc sử dụng quân sự trên biển để đe dọa các quốc gia khác, là hành động làm xói mòn hòa bình và an ninh khu vực. Những hành động này đang can thiệp vào việc thăm dò và sản xuất dầu mỏ cũng như khí đốt mà các nước đã tiến hành từ lâu, đặc biệt là của Việt Nam.
Ấn Độ cũng thể hiện lập trường rõ ràng và nhất quán rằng luật pháp quốc tế cần được tuân thủ tại Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar nêu rõ New Delhi có lợi ích kinh tế và thương mại lớn qua khu vực Biển Đông với 55% khối lượng thương mại của New Delhi được vận chuyển qua đây. Do đó, Ấn Độ thực sự có nguyện vọng chính đáng về hòa bình, ổn định và tiếp cận an toàn đối với các vùng biển trong khu vực.