Hướng tới kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4/1975) thống nhất đất nước, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III – Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước trân trọng giới thiệu một số hình ảnh về những lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam qua tài liệu lưu trữ.
Hơn một thế kỷ phải trải qua ách nô lệ dưới sự cai trị của thực dân, đế quốc, khát khao được sống trong hòa bình, độc lập, thống nhất và làm chủ đất nước là một điều mà cả dân tộc Việt Nam đều mong muốn. Năm 1954, sau 9 năm trường kỳ kháng chiến kết thúc bằng Chiến dịch lịch sử Điện Biên phủ với chiến thắng lẫy lừng năm châu, ta đã buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Ngày 10/10/1954 quân ta tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Trung ương Đảng và Chính phủ đã trở về Thủ đô trong niềm hân hoan của nhân dân cả nước, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng.
Tuy nhiên, ở miền Nam, ngay sau Hiệp định Giơnevơ (1954) thực dân Pháp tiếp tục gây hành động phá hoại Hiệp định, tiến hành nhiều hoạt động nhằm chống phá công cuộc xây dựng ở miền Bắc. Bên cạnh đó, đế quốc Mỹ thực hiện âm mưu xâm lược miền Nam Việt Nam, từng bước thay thế vị trí của Pháp, với ý đồ biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự, dùng miền Nam làm bàn đạp tiến công miền Bắc, ngăn chặn làn sóng cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở khu vực Đông Nam Á. Dân tộc ta bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì hòa bình, độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Trong thơ chúc Tết 1969 – Xuân Kỷ Dậu Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:
… “Vì Độc lập, vì Tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào,
Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!”
Như được tiếp thêm sức mạnh bởi những lời chúc mừng năm mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân hai miền Nam, Bắc dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đoàn kết một lòng, bất chấp mọi hành động tăng cường chiến tranh vô cùng tàn bạo của đế quốc Mỹ, ra sức đẩy mạnh cuộc kháng chiến và liên tiếp thu được những thắng lợi hết sức to lớn, đặc biệt là với thắng lợi của chiến dịch phòng không không quân cuối tháng chạp năm 1972 mà ngày nay vẫn gọi là trận Điện Biên Phủ trên không. Đây là nhân tố quyết định dẫn đến thắng lợi của nhân dân Việt Nam tại Hội nghị Paris. Chính sự đấu tranh quyết liệt trên cả 2 mặt trận quân sự và ngoại giao với phương châm “vừa đánh, vừa đàm”, chúng ta đã từng bước giành thắng lợi, buộc Mỹ phải quay lại bàn đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
Ngày 27/01/1973, Hiệp định Paris được ký kết sau 5 năm tiến hành đàm phán với nhiều lần bị gián đoạn, do sự ngoan cố, hiếu chiến của đế quốc Mỹ. Đây là kết quả của quá trình đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân ta trên các mặt trận, quân sự, chính trị, ngoại giao… buộc Mỹ phải cuốn cờ rút khỏi miền Nam, làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Cuộc đấu tranh của nhân dân ta trên bàn thương lượng đã giành được thắng lợi, đồng thời cũng là lúc Mỹ phải thực hiện những điều đã ký kết trong Hiệp định Paris là rút quân về nước, Việc trao trả tù binh phi công Mỹ được thực hiện từ tháng 2 đến tháng 3/1973.
Hướng tới kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4/1975) thống nhất đất nước, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III – Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước trân trọng giới thiệu một số hình ảnh về những lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam qua tài liệu lưu trữ, với hy vọng sẽ góp phần thiết thực vào việc giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh bảo vệ độc lập của nhân dân ta, khơi dậy lòng từ hào dân tộc của người Việt Nam. Đồng thời, phát huy hơn nữa giá trị của tài liệu lưu trữ góp phần vào việc xã hội hóa công tác lưu trữ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ngày 04/02/1973, tại sân bay Gia Lâm, đại diện của Mỹ đứng nhận phi công Mỹ được trao trả
Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản
Ngày 04/02/1973, tại sân bay Gia Lâm, phi công Mỹ xếp hàng ra máy bay về nước
Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Sưu tập tài liệu ảnh
Tù binh phi công Mỹ ngồi trên ô tô ra nơi trao trả, đi qua cầu Long Biên nhìn lại nơi họ đã thả bom, ngày 18/02/1973
Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản
Ngày 18/02/1973, Đại diện Công đoàn quốc tế đến sân bay Gia Lâm
Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản
Hai bên Việt Nam và Mỹ trong buổi trao trả tù binh Mỹ tại sân bay Gia Lâm, ngày 16/3/1973.
Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, tài liệu ảnh Phông Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản
Hai bên Việt Nam và Mỹ gọi danh sách tù binh phi công Mỹ tại sân bay Gia Lâm, ngày 28/3/1973.
Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, tài liệu ảnh Phông Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản
Tù binh Mỹ ra máy bay về nước, ngày 29/3/1973.
Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, tài liệu ảnh Phông Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản
Đoàn tù binh phi công Mỹ cuối cùng được trao trả tại sân bay Gia Lâm lên đường về nước ngày 29/3/1973.
Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản
Tù binh Mỹ cuối cùng được trao trả, ngày 29/3/1973.
Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, tài liệu ảnh Phông Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản
Quân đội Mỹ làm lễ cuốn cờ rút khỏi Việt Nam theo Hiệp định Paris, ngày 29/3/1973.
Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, PCB sưu tầm
Vũ Thị Lan Anh – Trung tâm Lưu trữ quốc gia III