Người dân địa phương nghe thấy tiếng nổ to, chạy ra thì thấy máy bay rơi và lửa khói bốc lên từ hiện trường.
Gần 12h ngày 26/7, chiếc Su-22, số hiệu 855 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không Không quân bất ngờ gặp nạn khi đang bay huấn luyện ngang qua vùng trời huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An).
Một số người dân tại làng Dừa, xã Nghĩa Yên (huyện Nghĩa Đàn) đang ngồi trong nhà thì nghe tiếng nổ lớn. Họ chạy ra và thấy lửa bốc lên tại đồi keo, cột khói cao hàng chục mét.
Là một trong những người dân tiếp cận hiện trường đầu tiên, anh Hoàng Công Quế (46 tuổi) kể, trước lúc sự cố xảy ra thì anh nghe tiếng máy bay ngang qua nhưng chỉ như thường lệ nên không nhìn lên.
Sau tiếng nổ, anh Quế chạy ra và hô hoán một số người ở gần đến hiện tường để cứu phi công. “Lên đến nơi, chúng tôi thấy mảnh vỡ từ máy bay vương vãi, đất đá bị cày xới. Biết những người trên máy bay không còn sống sót nên tôi cầm điện thoại gọi cho cán bộ xã mà tay run lập cập”, anh Quế kể.
Một mảnh vỡ từ chiếc máy bay rơi.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng Cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam xác nhận chiếc Su-22U gặp nạn khiến hai phi công hy sinh. Đó là Trung tá Khuất Mạnh Trí (40 tuổi, quê Hà Nội), Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng và Thượng tá Phạm Giang Nam (46 tuổi, quê Thái Bình), Chủ nhiệm bay Trung đoàn 921.
Một nguồn tin cho hay, chiếc Su-22U xuất phát lúc 11h16 từ sân bay Sao Vàng, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) trong một đợt huấn luyện thường kỳ.
Các mảnh vỡ đầu tiên được tìm thấy từ chiếc máy bay rơi nằm vương vãi trong diện tích khoảng vài trăm mét vuông.
Chiến đấu cơ Su-22 do Liên Xô nghiên cứu thiết kế, đưa vào phục vụ từ những năm 1970. Việt Nam bắt đầu nhận được số lượng nhỏ Su-22M/UM trong năm 1979. Đây là chiến đấu cơ đầu tiên của không quân Việt Nam bay ra tuần tiễu Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Loại máy bay này có thân dài, buồng lái lớn và đặc biệt ứng dụng công nghệ cánh cụp cánh xòe cho phép tăng tốc nhanh chóng.
Khu vực máy bay gặp nạn ở địa hình đồi cao, trời mưa nên lực lượng cứu hội khó tiếp cận.
Chiều cùng ngày, thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã lập đoàn công tác do Đại tá Nguyễn Phương Hòa, Phó tham mưu trưởng Quân khu dẫn đầu đến hiện trường để xác minh vụ việc.
Cục Cứu hộ – Cứu nạn (Bộ Quốc phòng), Quân chủng Phòng không Không quân cũng lập đoàn công tác lên đường vào Nghệ An.
Hiện có khoảng 220 người (50 bộ đội, 70 dân quân và 100 lực lượng khác); 4 xe ôtô, 2 xe cứu hoả, 2 xe cứu thương cùng tham gia tìm kiếm cứu nạn ở xã Nghĩa Yên.
Nhiều người dân khi nghe tin có máy bay rơi đã kéo đến làng Dừa để tìm hiểu sự việc. Hiện trường máy bay rơi cách khu dân cư tập trung khoảng 3 km với hơn một giờ đi bộ đồi núi.
Tối nay, các lực lượng chức năng vẫn có mặt tại hiện trường để tìm kiếm mảnh vỡ máy bay. Công an và quân đội lập chốt phong tỏa cách hiện trường khoảng một km.
Thành lập ngày 3/2/1964, trung đoàn 921 (còn gọi là Đoàn không quân Sao Đỏ) là lực lượng chiến đấu đầu tiên của không quân Việt Nam. Từ một đơn vị huấn luyện và tác chiến với dòng máy bay Mig có trọng lượng nhỏ, khả năng mang theo vũ khí ít, bán kính tác chiến hẹp, đến nay trung đoàn đã được trang bị 100% máy bay Su hiện đại, có khả năng mang theo vũ khí đa dạng và bán kính tác chiến rộng hơn.
Nguyễn Hải/VNE