3 ngày sau cuộc chiến ở Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo ông đã ra lệnh lực lượng răn đe hạt nhân đặt trong tình trạng cảnh báo cao. Gần đây, người phát ngôn điện Kremlin từ chối bác bỏ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu sự tồn tại của nước Nga bị đe dọa.
Ảnh minh họa: Tass
Giữa bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp diễn và bất kỳ tính toán sai lầm nào cũng có thể khiến xung đột leo thang với hệ quả khó lường, một số chuyên gia cho rằng, nếu vũ khí hạt nhân được sử dụng, đó có thể là những vũ khí hạt nhân chiến thuật, hay các vũ khí hạt nhân phi chiến lược.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật là gì?
Vũ khí hạt nhân chiến thuật là loại vũ khí có thiết kể nhỏ hơn và được sử dụng trong khoảng cách ngắn. Nó thường được triển khai để tấn công các mục tiêu cụ thể như các cơ sở quân sự hoặc các binh lính trên chiến trường thay vì sử dụng trên một quy mô rộng lớn. Theo trang Scientific American, Nga được cho là đang sở hữu khoảng 2.000 vũ khí hạt nhân chiến thuật tại các cơ sở trên khắp đất nước. Điều đó tức là các vũ khí này vẫn chưa sẵn sàng được triển khai.
Các vũ khí hạt nhân chiến thuật khác với các vũ khí hạt nhân chiến lược mà các siêu cường đang sở hữu. Cả Mỹ và Nga đều có thể tấn công lẫn nhau ở khoảng cách lớn khi sử dụng những vũ khí chiến lược. Tính đến tháng 2/2022, ước tính Nga sở hữu 1.588 đầu đạn hạt nhân chiến lược.
Tại sao các vũ khí hạt nhân chiến thuật tồn tại?
Một câu trả lời đơn giản là bởi các siêu cường hạt nhân hiểu rõ, nếu họ sử dụng các vũ khí chiến lược mạnh hơn, điều ấy sẽ đồng nghĩa với sự hủy diệt thế giới. Bằng cách sử dụng các vũ khí nhỏ hơn như vũ khí hạt nhân chiến thuật, dường như sẽ khả thi hơn cho các quốc gia để sử dụng chúng mà không dẫn đến sự xóa sổ hành tinh. Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhận định năm 2018 rằng ông không nghĩ có bất kỳ thứ gì như vũ khí hạt nhân chiến thuật. Bất kỳ vũ khí hạt nhân nào, một khi được sử dụng, đều sẽ là nhân tố “thay đổi cuộc chơi”.
Sức mạnh của các vũ khí hạt nhân chiến thuật
Trên thực tế, không có một loại vũ khí chiến thuật điển hình nào bởi chúng khác nhau về khả năng. Các vũ khí hiện đại có đương lượng nổ từ 1 – 10 kiloton (đơn vị đo đương lượng nổ tương đương với 1.000 tấn thuốc nổ TNT). Lấy một ví dụ so sánh, bom hạt nhân chiến lược được sử dụng ở Hiroshima trong Thế chiến II đã khiến khoảng 140.000 người thiệt mạng có đương lượng nổ là 15 kiloton. Quả bom được ném 3 ngày sau đó phá hủy thành phố Nagasaki có đương lượng nổ là 21 kiloton đã khiến 70.000 người thiệt mạng. Theo BBC, các vũ khí hạt nhân chiến lược lớn nhất của Nga được cho là mạnh gấp 53 lần quả bom nguyên tử phá hủy thành phố Hiroshima, tức là có đương lượng nổ khoảng 800 kiloton. Do đó, một vũ khí chiến thuật cũng có thể gây nên thảm họa tồi tệ như ở Hiroshima, mặc dù trên quy mô nhỏ hơn.
Giáo sư Joseph Mazur tại Cao đẳng Marlboro thậm chí cho rằng: “Ngày nay, vũ khí hạt nhân chiến thuật nhỏ nhất cũng có thể phá hủy ở mức độ tồi tệ hơn nhiều những gì từng xảy ra ở Hiroshima”.
Ông Lawrence Korb, một học giả cấp cao tại Trung tâm vì sự phát triển của Mỹ, đồng thời là cựu thư ký Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Reagan nhận định: “Lý do mà những vũ khí này được gọi là chiến thuật bởi chúng có nhiều khả năng được sử dụng trên chiến trường hơn”.
Leo thang để giảm leo thang
Theo học thuyết quân sự Nga, nước này “sẽ có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm phản ứng trước việc sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc các vũ khí phá hủy hàng loạt khác chống lại nước Nga hoặc các đồng minh của Nga, cũng như trước các hành vi gây hấn chống lại Nga sử dụng các vũ khí theo quy ước mà khi đó sự tồn tại của nhà nước bị đe dọa”.
Hồi tháng 2/2022, Tổng thống Putin nhận định với báo giới rằng nếu Ukraine gia nhập NATO, việc này sẽ đẩy nước Nga phải sử dụng vũ khí hạt nhân.
“Sẽ không có bên chiến thắng nếu Ukraine cố gắng giành lại Crimea”, nhà lãnh đạo Nga cho hay.
Ông Pavel Luzin, một chuyên gia về Nga chia sẻ với AFP rằng trong trường hợp Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, nước này sẽ không tấn công vào các thành phố lớn mà sẽ bắn ra biển hoặc một khu vực xa xôi không có người sinh sống ở Ukraine với tính chất răn đe.
Mặc dù các nhà hoạch định chính sách phương Tây cho rằng việc Nga không bác bỏ việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột hiện tại là hành vi bất cẩn nhưng cho tới nay, các hành động của Nga dường như đều nhất quán với những gì mà nước này truyền tải về vai trò của vũ khí hạt nhân trong một cuộc xung đột như cuộc chiến ở Ukraine: Đó là ngăn cản nó leo thang thành một cuộc chiến lớn hơn.
Ngoài ra, tại Nga, Tổng thống Putin không phải người duy nhất đưa ra quyết định liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Thay vào đó, có 3 “cặp hạt nhân” ở Nga: Một chiếc là của Tổng thống Nga và hai chiếc vali còn lại thuộc quyền quản lý của Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga. Hầu hết các bài báo đều đưa tin, để ra lệnh tấn công hạt nhân, cần ít nhất 2 trong số 3 vali hạt nhân trên. Điều đó tức là, trái với Mỹ vốn Tổng thống là người duy nhất có quyền tiếp cận và sử dụng vali hạt nhân, tại Nga, để sử dụng vũ khí hạt nhân, còn cần 2 chiếc cặp hạt nhân được quản lý bởi 2 người khác nhau và một trong 2 chiếc đó phải là của Tổng thống. Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang cũng cần nhận lệnh trước khi điều động quân đội sử dụng vũ khí hạt nhân.
Nhà quan sát Kristin Ven Bruusgaard nhận định trên War on the Rocks rằng, học thuyết răn đe quân sự của Nga cũng như các chỉ dẫn và kế hoạch cho thấy dường như Tổng thống Putin sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trong tình hình hiện tại. Cuộc chiến ở Ukraine có lẽ vẫn là một cuộc xung đột địa phương mà theo Nga thì đây là “cuộc chiến theo đuổi những mục tiêu chính trị quân sự” và các hành động quân sự chỉ diễn ra trong biên giới của các nước tham chiến, chủ yếu liên quan đến các lợi ích (lãnh thổ, kinh tế, chính trị…) của những quốc gia này.
Những cảnh báo hạt nhân của Nga cho tới nay dường như được đưa ra để thuyết phục phương Tây đứng ngoài cuộc xung đột. Nói cách khác, những cảnh báo này có mục tiêu ngăn chặn cuộc chiến địa phương leo thang thành cuộc chiến khu vực. Cảnh báo đó cũng nhằm tăng cường mức độ sẵn sàng và khả năng của các lực lượng hạt nhân chiến lược Nga.
Hiện nay, Nga vẫn tìm cách ngăn phương Tây can thiệp vào Ukraine bằng cách vạch rõ những lằn ranh đỏ, liên quan đến việc thiết lập vùng cấm bay, vận chuyển vũ khí và chiến tranh kinh tế. Các nước phương Tây dường như cũng “đọc” được thông điệp đó của Nga khi nhiều lần tuyên bố sẽ không đưa quân tới Ukraine cũng như từ chối thiết lập vùng cấm bay ở nước này. Cả Nga và phương Tây đều hiểu, nếu vượt qua ngưỡng chiến tranh hạt nhân, điều đó sẽ gây ra tình huống nguy hiểm cho các bên và đó là điều mà họ đều không hề mong muốn./.