Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là “cẩm nang” thần kỳ, là kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản… Do đó, tư tưởng của Lênin với cách mạng Việt Nam có giá trị trường tồn.
1. V.I.Lênin – lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới – đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Liên Xô, lãnh đạo thắng lợi cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, lập nên nhà nước Xô viết. Tư tưởng Lênin là tài sản tinh thần to lớn và quý giá của nhân loại, vẹn nguyên giá trị thời đại, có ảnh hưởng và tác động to lớn đối với sự phát triển của cách mạng Việt Nam trước đây cũng như hiện nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Khi còn sống, Người là người cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội”.
Tư tưởng Lênin về Đảng Cộng sản và xây dựng Đảng kiểu mới đem lại cho Hồ Chí Minh và Đảng ta những nhận thức mới, một sinh khí mới. Từ những chỉ dẫn của Lênin, qua thực tiễn thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, Hồ Chí Minh khẳng định, cách mạng trước hết phải có đảng cách mạng, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi.
Dưới ánh sáng tư tưởng Lênin về xây dựng Đảng, Hồ Chí Minh đã khẳng định, Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững có nhiều yếu tố, nhưng hàng đầu và xuyên suốt là Đảng phải là đội tiền phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân; phải giữ vững các nguyên tắc xây dựng Đảng kiểu mới. Đảng phải có chủ nghĩa làm cốt, nếu không có, cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Theo Hồ Chí Minh, chỉ có chủ nghĩa Lênin là chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất.
Xây dựng Đảng trong điều kiện đảng cầm quyền, Lênin nhấn mạnh, phải quan tâm xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức trong sạch, tuyệt đối trung thành, luôn luôn đặt lợi ích của Đảng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết. Đó là đội ngũ phải có trí tuệ, bản lĩnh, có phong cách tư duy và làm việc khoa học; phải thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, hoan nghênh nhân dân phê bình mình và dựa vào quần chúng để xây dựng Đảng; phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng làm hạt nhân để đoàn kết giai cấp, đoàn kết toàn dân.
Đảng cầm quyền phải tuyệt đối chống chủ nghĩa quan liêu. Bởi, khi nắm được chính quyền, những người cộng sản nếu không cảnh giác, tự giáo dục, rèn luyện, dễ trở thành quan liêu. Chủ nghĩa quan liêu có thể dẫn các Đảng Cộng sản cầm quyền đến chỗ đánh mất chính quyền, đi vào con đường tiêu vong. Để chống bệnh quan liêu mệnh lệnh thì phải gắn bó chặt chẽ, mật thiết với nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ Lênin là một tấm gương sáng không chỉ ở thiên tài trí tuệ, mà là người coi khinh sự xa hoa, có tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị… Lênin là người thầy đã đào tạo ra những chiến sĩ cách mạng khắp thế giới, chẳng những bằng lý luận cách mạng, mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất.
2. Hơn 90 năm qua, Đảng ta luôn trung thành với tinh thần, giá trị tư tưởng Lênin trong xây dựng Đảng. Đảng ta khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiền phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiền phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc cơ bản. Đảng ta luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn và ngày càng lớn mạnh. Đảng ta xứng đáng là một đảng đạo đức, văn minh; một đảng chân chính cách mạng, đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đại biểu của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Tư tưởng Lênin về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội rọi sáng con đường cách mạng Việt Nam. Trước hết, phải khẳng định Lênin đã mở ra một bước ngoặt trong lịch sử đau khổ của các dân tộc bị áp bức, tượng trưng cho một tương lai mới xán lạn. Chủ nghĩa Lênin đã chỉ ra cho Hồ Chí Minh nhận thức rõ ràng rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và giai cấp công nhân toàn thế giới. Chính Lênin đã chỉ ra rằng, những người cộng sản phương Đông, trong khi dựa vào lý luận chung và thực tiễn của chủ nghĩa cộng sản, phải thích ứng với những điều kiện riêng biệt mà các nước châu Âu không có, vừa phải học cách vận dụng được lý luận và thực tiễn ấy vào nơi mà quần chúng chủ yếu là nông dân, nơi cần phải xác định sự cần thiết không phải là đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, mà là đấu tranh chống tàn tích phong kiến.
Nhờ vận dụng một cách sáng tạo lời dạy của Lênin cho phù hợp với thực tế, cách mạng Việt Nam đã tiến hành dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và Đảng, trên cơ sở lấy công nông làm gốc, nền tảng, thành lập một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi và vững chắc; đã thực hiện tốt khẩu hiệu của Lênin “giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!”.
Ngọn đuốc lý luận Lênin soi sáng con đường cứu nước Việt Nam, đó là giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam trở thành một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản thế giới; đã phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Với việc xác định đặc điểm lớn nhất trong thời kỳ quá độ là từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa tiến trình cách mạng Việt Nam từ giải phóng dân tộc đến dân chủ nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ba giai đoạn của cách mạng Việt Nam có sự kế tục một cách mật thiết, đan xen, đồng thời, mặt này trong mặt kia trong cùng một quá trình vận động các mặt kinh tế – xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Lênin về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện cụ thể của nước ta.
Chủ nghĩa Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân giữ nguyên giá trị thời đại, ảnh hưởng mạnh mẽ, tích cực đối với cách mạng Việt Nam. Dưới ánh sáng chủ nghĩa Lênin, Hồ Chí Minh khẳng định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân nào. Vai trò của Đảng là tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân, lãnh đạo nhân dân vượt qua muôn trùng thử thách. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và những thành tựu to lớn của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, nhưng phải khẳng định rằng sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân đã làm nên những thắng lợi lịch sử.
Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta khẳng định chính những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân là nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Cũng do nhân dân hưởng ứng, dũng cảm phấn đấu vượt qua biết bao khó khăn, thử thách mà đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế như ngày nay. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Ngay trong trận chiến chống “giặc” Covid-19 hôm nay, những kết quả đạt được là nhờ sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân đối với sự chỉ đạo kịp thời, sát sao, quyết liệt của Đảng và Chính phủ.
Sau gần 35 đổi mới, chúng ta đã giành được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử. Những thành tựu đó có nhiều nhân tố, nhưng theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần nhấn mạnh rằng trước hết là nhờ vũ khí không gì thay thế được: Tư tưởng Lênin.
PGS.TS BÙI ĐÌNH PHONG/Báo Hà Nội mới