Người dự thảo Điếu văn truy điệu Bác Hồ

share on:

Tôi quen biết ông Đống Ngạc (1925-2010), nguyên trợ lý của Tổng Bí thư Lê Duẩn từ ngày còn ở Trường Ngoại giao sơ tán trên Phổ Yên, Thái Nguyên. Ông là một cán bộ tài năng mà hiền hòa, lặng lẽ.

Nhà ông sâu trong ngõ 110 Hoàng Quốc Việt, tôi đã vài lần đến chơi và được nghe ông kể nhiều chuyện xưa, trong đó có việc tham gia soạn thảo lời điếu trong Lễ Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 50 năm…

Tổng Bí thư Lê Duẩn chụp ảnh cùng vợ chồng ông Đống Ngạc.
Khi con tim bị dồn nén

Tối 6-9-1969, tại nhà số 6 Hoàng Diệu, Hà Nội, đã 9 giờ, hai trợ lý Đậu Ngọc Xuân, Đống Ngạc vẫn túc trực, chờ anh Ba (Tổng Bí thư Lê Duẩn) về giao việc. Nửa tiếng sau Tổng Bí thư về, vẻ vội vã, bảo cả hai lên phòng ông trên gác hai. Ông đưa ngay bản sao Di chúc của Bác và hai dự thảo Điếu văn đã đánh máy và nói: “Tôi vừa họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xem lại lần cuối, cả hai dự thảo này đều không được thông qua. Bây giờ, ngay trong đêm, hai chú giúp tôi thảo một bản khác để mai thông qua ngay mới kịp. Chúng ta không còn thời gian…”.

Đồng chí Lê Duẩn dặn một số yêu cầu cụ thể cần được thể hiện trong Điếu văn và nhấn mạnh, phải chú ý đến văn phong trang nghiêm, sâu sắc, cô đọng, không sáo mòn, dài dòng, mỗi câu chữ phải có hồn, đi ngay vào lòng người… Những chỉ dặn cặn kẽ của đồng chí Tổng Bí thư làm hai ông càng nhận rõ nhiệm vụ được giao là hết sức khó khăn, nặng nề, vượt quá sức mình, song cũng vô cùng vinh dự và hạnh phúc, tự nhủ phải cố gắng hết khả năng, quyết không phụ lòng anh Ba.

Hai người bàn, đầu tiên phải đọc kỹ Di chúc của Bác, tìm cho được những điều được, chưa được trong hai bản dự thảo so với những ý tứ Tổng Bí thư đã nêu. Cuối cùng, cả hai thống nhất một dàn bài, mỗi người viết theo đó một bản, xong sẽ đối chiếu, chọn lấy một bài hay hoặc từng đoạn hay ở mỗi bài ghép lại, thêm bớt, gọt giũa thành một bản để trình lên Tổng Bí thư.

Dự định với nhau là như vậy nhưng khi ngồi vào viết thì ôi thôi, đầu óc nặng trĩu, không làm sao tập trung tư tưởng được. Viết rồi lại xóa, gạch, viết, lại xóa, gạch… không câu chữ nào vừa ý. Cứ thế loay hoay mãi, thời gian thì trôi nhanh, nhìn đồng hồ càng sốt ruột. Lại cắn bút suy nghĩ miên man… Bác mất thật rồi ư? Không, nghĩ thế là có tội nặng! Bác không thể chết. Bác là linh hồn, là máu thịt, là toàn bộ sự nghiệp cách mạng, là thiêng liêng… Chúng ta không thể thiếu Bác. Bác chỉ vắng xa như một chuyến công tác ra nước ngoài. Người lại trở về…

Nhiều trang giấy bị vo tròn, xé bỏ. Đã 1 giờ sáng, ông Đống Ngạc thật sự lo lắng. Nhìn sang góc kia, bàn ông Xuân. Thôi chết, sao bạn lại gục đầu bất động? Ông vội chạy lại lay gọi. Ông Xuân người mềm nhũn, không biết gì sau nhiều ngày đêm kiệt sức vì công việc và lo nghĩ…

Thu xếp xong cho bạn vào phòng trong tĩnh dưỡng, quay lại bàn viết, ông Đống Ngạc xác định phải vượt lên chính mình: Đúng như lời Bác, “mỗi người làm việc bằng hai” là lúc này đây. Thay bạn và nhớ lời Tổng Bí thư dặn biến đau thương thành hành động cụ thể, ông cầm bút viết câu đầu tiên: “Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa…”.

Lúc đầu óc thông suốt

Thật lạ, ông tâm sự, đầu óc như trút được gánh nặng. Sức nghĩ sáng ra. Ngòi bút trong tay như có trớn. Ông viết một mạch về nỗi đau mất Bác, về Bác: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.

Đồng chí Lê Duẩn đọc Điếu văn trong Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 9-9-1969. Ảnh tư liệu
Cứ đà đó, tự tin, ông viết tiếp theo dàn bài. Đến phần nói về những quan điểm lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh và nhiệm vụ của những người còn sống-con cháu hôm nay và mai sau của Người, ông dừng bút suy ngẫm sâu hơn nữa, đối chiếu với những dòng ghi vội trong sổ tay đồng chí Lê Duẩn mới dặn và tìm cách diễn đạt, thể hiện sao cho thật ngắn gọn, súc tích, gây được ấn tượng mạnh mẽ. Ông đọc lại bài điếu truy điệu V.I.Lênin có dạng thức lời thề, liền bắt lấy ý tưởng đó, hiện thực hóa nó bằng cách lặp lại như những điệp khúc để khắc sâu vào lòng người, khi đọc: “Vĩnh biệt Người, chúng ta thề”… Đáp lại là hàng vạn cánh tay giơ cao: “Xin thề! Xin thề! Xin thề!”.

Năm lời thề danh dự của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trước anh linh của Người là 5 phần nội dung cốt lõi của Điếu văn. Phần cuối nêu bật hai di sản quý báu mà Bác Hồ để lại trong thời đại Hồ Chí Minh, thời đại vinh quang nhất của lịch sử dân tộc-tự do và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Thành quả lớn lao nhất này nhân dân ta giành được dưới sự lãnh đạo thiên tài của Người, cũng đồng thời là công ơn không gì so sánh được của Người mà mỗi người dân Việt Nam đều có quyền tự hào và có nghĩa vụ phải kế tục, gìn giữ, phát huy mãi mãi.

Công trình trí tuệ của tập thể

Nhìn đồng hồ đã 5 giờ sáng, ông Đống Ngạc biết rõ có những câu chữ cần thêm bớt, sửa chữa. Nhưng… nghỉ đã, ngồi liền 4 tiếng rồi. Ông đứng lên, vươn vai, bước ra sân định thư giãn, hít thở chút ít rồi quay vào… thì đã thấy đồng chí Tổng Bí thư trên ban công như chờ đợi, chắc ông cũng thức suốt đêm, nói vọng xuống vội vã, mừng rỡ: “Chú Ngạc hả?… Tốt rồi! Lên đây!”…

Tổng Bí thư chăm chú nghe, khẽ gật đầu, vẻ suy ngẫm một số chỗ, đoạn nói: “Bài viết như thế này về cơ bản là đạt yêu cầu”… Ông nhận xét ngay một số đoạn, câu, chữ cần chỉnh sửa, nhưng bảo: “Tôi nói vậy thôi, chú chưa cần làm vội. Chú thức suốt đêm, mệt lắm rồi. Cứ để thế, cho đánh máy, gửi các anh trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem lại và đề nghị Văn phòng Trung ương mời các anh đến họp trong sáng nay để nghe, cùng góp ý, sau đó sửa luôn thể”.

8 giờ ngày 7-9, Bộ Chính trị, Ban Bí thư họp chung. Ông Xuân đã tỉnh lại, cũng gắng đến nhưng cả hai cùng ngồi phòng bên, tự sửa chữa theo ý Tổng Bí thư. Đến 11 giờ, hai ông Tố Hữu, Hoàng Tùng từ phòng họp bước tới thông báo: Dự thảo đã được chấp nhận nhưng những góp ý thêm cần phải chỉnh sửa, đánh máy, gửi các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… Cứ thế, qua 4 lần sửa, tới 20 giờ ngày 7-9, Tổng Bí thư ký tắt cho đánh máy, chuyển sang Ban Đối ngoại dịch ra 5 thứ tiếng: Nga, Anh, Pháp, Trung, Tây Ban Nha.

Sáng 8-9, ông Đống Ngạc trình Tổng Bí thư các văn bản đã hoàn chỉnh. Đồng chí Lê Duẩn hài lòng, nói: “Giọng tôi đồng bào miền Bắc nghe không rõ lắm. Tôi phải tập đọc trước, các chú nghe góp ý cho tôi”. Tổng Bí thư đứng lên đọc, nhiều chỗ xúc động nghẹn ngào, nước mắt nhòa cả kính, tiếng khóc bật ra rưng rức. Anh em ngồi nghe òa khóc theo.

Con người không thích lộ danh

Lần cuối tôi gặp, ông Đống Ngạc đã quá tuổi tám mươi. Thật mừng khi hỏi thăm sức khỏe, ông bảo: “Vẫn túc tắc nghe, đọc, viết… cố xem còn giúp ích được gì”.

Ông Đống Ngạc quê ở Tam Kỳ, Quảng Nam-mảnh đất hiếu học, giàu lòng yêu nước. Năm 1945, đang học Diplome, cỡ lớp 10 bây giờ, thì Nhật đảo chính Pháp, ông rủ bạn ra Huế tìm Việt Minh, tham gia khởi nghĩa. Vào Giải phóng quân, Nam tiến đánh Pháp, ông bị thương cánh tay trái, về địa phương liên tục làm Bí thư Đoàn thanh niên, từ huyện, tỉnh rồi Liên khu 5. Năm 1962, đang là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đoàn thì “ông bắt lính”-cách anh em gọi vui ông Nguyễn Đình Hương, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương-gặp, gợi ý hai công tác để ông chọn: Làm trợ lý Tổng Bí thư hoặc sang ngoại giao đi sứ. Ông Ngạc xin “tha” cả hai, với lý do “đã quen làm lĩnh vực nông nghiệp, xin về Ban Nông-Lâm thì giúp ích hơn trong công việc”. “Ông bắt lính” rướn mắt nhìn ông: “Anh Ngạc làm mình ngạc nhiên… Quả thật trên đã chọn đúng mặt để gửi vàng…”. Vậy là ông phải đồng ý về nhà số 6 Hoàng Diệu. Từ đó, ông đã trải qua 26 năm giúp việc Tổng Bí thư Lê Duẩn cho tới khi đồng chí từ trần, ngày 10-7-1986.

Bác sĩ Phan Thị Mãn (vợ ông), nguyên Trưởng phòng Y tế quận Ba Đình, TP Hà Nội phàn nàn riêng với tôi: “Ông ấy đã phải sang Đức mổ u xơ tiền liệt tuyến, nằm viện cả năm trời rồi mà vợ con khuyên can chẳng chịu nghe. Hiện nay vẫn đọc, viết, đọc, viết không dưới 7-8 tiếng một ngày…”. Tôi mách lại điều bà kêu, có ý khuyên ông giữ sức, ông gật gật đầu: “Bà ấy thật tội! Bạo bệnh 4-5 năm nay. Lương hai vợ chồng chỉ đủ cho bà ấy mua thuốc… Chuyện viết, anh biết rồi đó, ở người tuổi cao còn khả năng, điều kiện, ai cũng muốn cố gắng có thêm đóng góp hữu ích cho gia đình, xã hội, cho sức khỏe, thêm niềm vui”.

Tôi hỏi xin ông truyền cho chút kinh nghiệm hay để viết tốt, ông cười, bảo: “Hay thì làm gì có. Tùy ở mỗi người. Nhưng gì thì gì, có thể viết tốt, trước hết cần ở cái tâm. Cái tâm trong sáng, miệt mài, “có công mài sắt có ngày nên kim”. Được dịp anh em tâm tình, tôi nói ý nguyện của mình: “Tuổi càng cao, càng thêm hiểu biết, càng phải biết sống tử tế hơn, biết thương yêu con người hơn. Muốn vậy, quan trọng là phải biết mình yếu kém những chỗ nào để sửa mình”. Ông Đống Ngạc chăm chú lắng nghe, khẽ gật đầu, bật dậy: “Đó, đó! Cái tâm đó…!”.

TRỊNH TỐ LONG/Báo QĐND

 

Facebook Comments