Nhận diện thủ đoạn lợi dụng dịch Covid-19 để chống phá Đảng, Nhà nước

share on:

Mục đích của các đối tượng khi xuyên tạc thông tin liên quan Covid-19 nhằm gây sự bất ổn trong xã hội, làm mất lòng tin của nhân dân.

Những ngày qua, trong khi các ngành, các cấp ở nước ta đang tập trung mọi nguồn lực để kiểm soát lây lan dịch bệnh Covid-19 cũng như tổ chức cách ly, chữa trị các trường hợp nghi ngờ và mắc bệnh, được quốc tế đánh giá cao thì những đối tượng phản động, cơ hội chính trị lại không ngừng xuyên tạc, phát tán những thông tin sai lệch nhằm gây hoang mang dư luận xã hội, chống phá Đảng và Nhà nước ta.

Về vấn đề này, phóng viên VOV phỏng vấn Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, chuyên gia tội phạm học.

PV: Ông có thể cho biết những thủ đoạn chính, những hình thức chống phá thường được các đối tượng phản động áp dụng trên hệ thống truyền thông xã hội hiện nay?

Ông Đỗ Cảnh Thìn: Các đối tượng phản động, các thế lực thù địch, bất mãn chính trị không ưa chế độ xã hội chúng ta và luôn có thái độ chống đối, mục đích chống phá. Bất cứ sự kiện, vấn đề nào kể cả trong nước, chưa nói tới hiện tượng, sự việc lớn là dịch bệnh Covid-19, các đối tượng đã xuyên tạc, bóp méo sự thật, bôi nhọ, đưa các thông tin lập lờ, bình luận ác ý.

Một trong những vấn đề mà các đối tượng nhằm đến là đánh vào bản chất của chế độ, bản chất của Nhà nước ta, những vấn đề tốt đẹp của Đảng, Nhà nước ta. Chúng tìm mọi cách chia rẽ nội bộ nhân dân, chia rẽ giữa Đảng, chính quyền Nhà nước với nhân dân; chúng công kích và tìm mọi cách để bôi nhọ, đánh giá năng lực, bản chất của Nhà nước ta. Chúng hướng lái dư luận vào các vấn đề chống đối như kích động biểu tình, kích động phản đối, đặc biệt trong bối cảnh Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Các đối tượng tung tin xuyên tạc, kích động người dân. (ảnh: Bộ Công an)

PV: Trong những hình thức xuyên tạc, lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để chống phá Đảng, Nhà nước thì những nội dung nào sẽ gây nguy hại nhiều đến sự ổn định chính trị của nước ta, thưa ông?

Ông Đỗ Cảnh Thìn: Các đối tượng muốn xã hội bất ổn, khi xã hội bất ổn thì sẽ tác động đến sự phát triển của đất nước cũng như khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Cho nên tất cả những thông tin, cách thức bình luận, hướng lái các sự kiện, vấn đề, mục đích chính của các đối tượng là gây sự bất ổn trong xã hội, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Mặc dù trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành đã vào cuộc rất quyết liệt vì sự bình yên của xã hội, vì an toàn của người dân và để ngăn chặn dịch bệnh, tránh gây biến động xã hội, nhưng các đối tượng không bao giờ thừa nhận việc này, nên chúng kích động, làm tăng sự mâu thuẫn trong nhân dân, nhất là những người hiểu biết còn hạn chế, hoặc những người có tư tưởng bất mãn, những phần tử sử dụng mạng xã hội, mạng thông tin không chính thống để tạo ra sự bất ổn. Đó chính là một trong những vấn đề mà hiện nay các đối tượng đang tận dụng, tìm mọi cách để tạo ra sự bất an trong xã hội.

PV: Tin giả, tin xuyên tạc về dịch Covid-19 đang được phát tán trên mạng internet, trở thành nội dung được người dân săn tìm hàng ngày khi truy cập internet, bởi vì những tin này được “khoác” cho cái áo hấp dẫn như “tin nội bộ”, hay “tin mật”… Đó cũng là một thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng để phát tán tin giả nhằm chống phá sự ổn định của nước ta, thưa ông?

Ông Đỗ Cảnh Thìn: Các thế lực thù địch, các đối tượng bất mãn chính trị chỉ cần sự nhiễu loạn xã hội có lợi cho họ, chứ họ không vì dân, vì nước, vì sự ổn định cuộc sống, càng không phải vì sự an toàn của người dân. Khi người dân thiếu biểu biết, thiếu tỉnh táo lan truyền những thông tin không chính thống, thậm chí có sự kích động thì các đối tượng đã bám vào hiện tượng này, hùa theo, thậm chí kích động thêm để lan truyền mạnh hơn nhằm phá vỡ sự ổn định của nước ta.

Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng đã quyết liệt trong việc ứng phó với tin giả, thường xuyên thông tin tới người dân là không nên tin, nghe theo hoặc lan truyền những thông tin không chính thức. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần tăng cường hơn nữa, cần ngăn chặn kịp thời những thông tin đã lan truyền không chính thức; đồng thời cảnh báo tới người dân sớm hơn, đa dạng, rộng rãi hơn.

Nhất là trong tình hình hiện nay, mọi người cần đoàn kết, thống nhất và tin tưởng để chống lại dịch bệnh, ổn định để phát triển kinh tế-xã hội.

PV: Theo ông, việc các đối tượng phản động, đối tượng cơ hội chính trị tung tin sai sự thật hay cố tình xuyên tạc những thông tin liên quan đến những cá nhân là cán bộ cấp cao bị nghi mắc Covid-19 liệu có ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XIII không?

Ông Đỗ Cảnh Thìn: Các tổ chức cơ sở Đảng đang tiến hành Đại hội các cấp, đây là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng. Tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp, căng thẳng không chỉ đối với Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới, đương nhiên nó không chỉ ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị và quá trình tiến hành Đại hội các cấp.

Việc các đối tượng phản động, phần tử cơ hội chính trị cố tình tung ra những thông tin sai sự thật, tác động đến một số cá nhân thì sẽ ảnh hưởng rất lớn, làm phân tâm tư tưởng của nhân dân. Đây chính là phương thức, thủ đoạn thâm độc của các đối tượng, vì vậy chúng ta phải tỉnh táo, cảnh giác.

Trong công tác chuẩn bị Đại hội đảng các cấp cũng cần phải thấy được những nguy cơ này để tuyên truyền, quán triệt, xác định nhiệm vụ chính trị, đấu tranh kịp thời để làm sao giảm thiểu thiệt hại, những tác động tiêu cực do các đối tượng bất mãn gây ra.

PV: Từ những thông tin sai lệch về dịch bệnh Covid-19 ở nước ta, thậm chí là những thông tin xuyên tạc nhằm làm hạ thấp uy tín của Đảng do các đối tượng phản động đưa lên mạng xã hội thì nhiều người đã vô tình phát tán những thông tin, bài viết phản động này. Phải chăng chế tài xử lý đối với hành vi tung tin đồn thất thiệt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe dẫn đến người dân vô tình tiếp tay cho các đối tượng phản động, thưa ông?

Ông Đỗ Cảnh Thìn: Lực lượng chức năng đã điều tra, xử lý hành chính, phạt tiền tương đối nghiêm khắc các trường hợp thông tin sai lệch. Tuy nhiên, dư luận cho rằng cần biện pháp xử lý mạnh hơn đối với một số trường hợp, đồng thời phải truy cứu trách nhiệm hình sự để răn đe, phòng ngừa giáo dục chung thì mới có thể ngăn chặn được tình trạng thiếu trách nhiệm, thiếu ý thức, thiếu biểu biết đã tiếp tay cho thế lực xấu để phá hoại sự ổn định của đất nước./.

VOV-Phát thanh Vì an ninh Tổ quốc

Facebook Comments