Năm 1968, hàng trăm trận mưa bom ác liệt trút xuống vùng căn cứ kháng chiến Liên khu 5. Quân địch sau khi bị tổn thất nặng ở thành phố trong trận Tổng tiến công Tết Mậu Thân của quân ta đã trút cơn giận dữ lên những khu rừng đại ngàn của Trường Sơn.
Trong số những người ngã xuống sau trận mưa bom, có một chiến sĩ không ai biết tên tuối, quê quán của anh. Chỉ biết trong túi áo anh có một tấm ảnh nhỏ cỡ 6×9. Ảnh tô màu khá đẹp. Người trong ảnh là một nữ công nhân, mặc sơmi trắng, quần yếm xanh, tay cầm chiếc thoi dệt vải. Mặt sau của ảnh có bài thơ chép tay: “Đợi Anh về”
Đây là thông tin được Cựu chiến binh Đặng Minh Phương, người lưu giữ bức ảnh này cung cấp. Nhiều năm qua, ông vẫn đau đáu với ước mong tìm lại người trong ảnh và gia đình liệt sĩ nhưng vẫn chưa thể thực hiện được. Sau này, kỷ vật được trao lại cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Ngày hôm qua, Thượng tá Trần Thanh Hằng, cán bộ nghỉ hưu của Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN đã chia sẻ và mong muốn của bà cũng như nhiều cán bộ đang công tác tại bảo tàng là tìm được hoặc có thông tin về người phụ nữ trong ảnh, từ đó hy vọng sẽ xác định được tên, tuổi, quê quán của liệt sĩ và tìm về với gia đình của anh…
P/S: Ảnh cô gái mặc trang phục thợ dệt. Lúc ấy Có nhà máy dệt Kim đông xuân Hà Nội và nhà máy dệt Nam Định.
Ảnh rất nét và chữ rất rõ.
Mong mọi người chia sẻ. Biết đâu, lại có điều kỳ diệu…Nếu tìm ra cô gái trong ảnh mới mong tìm được liệt sĩ.
Thu Lê/Theo FB Trần Thị Mỵ