SEA Games 29 là kỳ đại hội thể thao đánh dấu số lượng đông đảo của các vận động viên Việt Kiều tham dự trong thành phần của Đoàn Thể thao Việt Nam.
Nguyễn Tuấn Tú (Bóng rổ)
Từng thi đấu xuất sắc trong đội hình U18 và U20 của Thụy Điển, Stefan Nguyễn hay được biết đến với cái tên Nguyễn Tuấn Tú từng được bầu chọn vào top 10 vận động viên xuất sắc của Thụy Điển.
Chàng cầu thủ sinh năm 1992 bắt đầu được đông đảo người hâm mộ bóng rổ Việt Nam biết đến khi anh tham dự mùa giải ABL 2015 – 2016 trong màu áo của SG Heat. Năm nay, lần đầu tiên Tuấn Tú tham dự SEA Games cùng đội tuyển bóng rổ Việt Nam, và chàng cầu thủ Việt Kiều điển trai này được kỳ vọng sẽ giúp bóng rổ Việt Nam tỏa sáng ở sân chơi khu vực.
Iwaki Ai (Bắn súng)
Iwaki Ai là VĐV mang 2 quốc tịch Việt Nam và Nhật Bản. Cô được đánh giá là 1 trong những tài năng trẻ sáng giá bậc nhất của bắn súng TP.HCM ở nội dung 10m súng trường hơi nữ.
Xạ thủ có bố là người Nhật Bản, còn mẹ là người Việt Nam này được phát hiện trong một đợt tìm kiếm tài năng ở Trường Hà Huy Tập vào năm 2013. Chỉ sau vài tuần tập luyện, Iwaki Ai lúc đó mới 13 tuổi đã chứng tỏ được khả năng của mình.
Chiếc huy chương đồng ở giải Châu Á vừa qua, đã giúp cô bé trở thành xạ thủ trẻ nhất trong lịch sử bắn súng Việt Nam giành huy chương ở một giải đấu cấp châu lục. Tham dự SEA Games 29, cô gái 15 tuổi được xem là hy vọng vàng của bắn súng Việt Nam cùng với xạ thủ Hoàng Xuân Vinh.
Linda Trương (Thể dục nghệ thuật)
Trương Mai Nhật Linh (còn có tên khác là Linda Trương) là cái tên quen thuộc trong làng Thể dục nghệ thuật Việt Nam từ nhiều năm qua. Năm 2006, khi mới 10 tuổi, cô bé Trương Mai Nhật Linh đang sinh sống ở Ukraina được gia đình đưa trở về Việt Nam tham dự Giải vô địch Thể dục nghệ thuật quốc gia và giành ngay tấm huy chương đồng.
Đến năm 2009, Nhật Linh thi đấu nổi bật tại Giải vô địch Thể dục nghệ thuật quốc gia khi giành tới 4 huy chương vàng. Từ đó, cô thường xuyên được gọi vào đội tuyển quốc gia. Nhưng phải đến năm 2015, cô mới có điều kiện tham dự SEA Games khi Tổng cục Thể dục thể thao quyết định đăng ký thi đấu trở lại tại SEA Games cho đội tuyển Thể dục nghệ thuật sau 10 năm vắng mặt. Năm ấy, Trương Mai Nhật Linh và một đồng đội khác không giành huy chương nhưng điều ấy càng nung nấu quyết tâm cho cô.
Đến SEA Games 29, đội tuyển Thể dục nghệ thuật đã có 5 vận động viên tham dự trong đó có Trương Mai Nhật Linh, thay vì 2 vận động viên như kỳ trước. Trong 2 năm qua, Trương Mai Nhật Linh đã có những bước tiến mới về chuyên môn. Đó chính là lý do khiến cô được hy vọng sẽ giành ít nhất 1 huy chương tại SEA Games 29.
Lê Nguyễn Paul (Bơi lội)
Lê Nguyễn Paul (24 tuổi) sinh ra tại Oklahoma – Mỹ. Bố mẹ kình ngư sinh năm 1992 này là người Việt Nam định cư ở Mỹ. Lê Nguyễn Paul học bơi từ năm lên 8 tuổi với mục đích rèn luyện sức khỏe và đến với nghiệp bơi như một mối nhân duyên.
VĐV Việt kiều người Mỹ trở thành VĐV Việt Nam thi đấu tại giải bơi vô địch thế giới năm 2015 nhưng không gặt hái được thành công. Lê Nguyễn Paul đã suýt tham dự SEA Games 2015 nếu không gặp vướng mắc về giấy tờ. Ngoài ra, kình ngư 24 tuổi này tốt nghiệp Đại học Missouri (chuyên ngành kinh tế) và đang học lấy bằng tiến sĩ.
SEA Games 29 là kỳ SEA Games đầu tiên của VĐV đang thi đấu trong màu áo của An Giang này.
Hanako Kawasaki (Golf)
Hanako Kawasaki có mẹ là người Việt, bố người Nhật, mang quốc tịch Việt Nam. Cô gái sinh năm 1999 vừa mới vô địch Vietnam Junior Open 2017, giải vô địch trẻ Việt Nam một cách thuyết phục. Hanako vì thế trở thành 1 trong 3 VĐV đại diện cho Golf tranh tài ở SEA Games 29 với hy vọng có thể mang lại những bất ngờ.
Thiên Vũ