Susan Hammond và Jerilyn Brusseau đều biết đến Việt Nam từ những nỗi đau mà người thân họ phải gánh chịu sau chiến tranh. Thế nhưng, vượt lên trên nỗi đau ấy họ lại gieo những mầm xanh ở mảnh đất này.
Có lẽ, không ít những đứa trẻ, những người dân và những gia đình khó khăn trên đất nước chúng ta đã biết đến tên Susan Hammond và Jerilyn Brusseau. Bởi những tổ chức xã hội, nhân đạo mà họ sáng lập và điều hành đã và đang sát cánh cùng Việt Nam trong suốt những năm tháng khó khăn…
Người thấu hiểu nỗi đau da cam
Susan Hammond là con gái của một cựu chiến binh Mỹ đã bị bệnh Parkinsons từ di chứng của việc phơi nhiễm chất độc da cam trong những năm ở Việt Nam. Hơn ai hết, bà được tận mắt chứng kiến những di chứng khủng khiếp của chất độc da cam đối với cha mình và các đồng đội của ông. Vì vậy, bà muốn đến Việt Nam một phần vì muốn hiểu hơn về những ảnh hưởng mà chiến tranh đã để lại cho Việt Nam, một phần muốn biết lý do tại sao nước Mỹ lại thực hiện cuộc chiến tranh này.
Bà Susan Hammond trong cuộc chia sẻ với phóng viên.
Từ khi đặt chân đến Việt Nam vào năm 1991, Susan Hammond đã quyết tâm dành mọi tâm huyết và nỗ lực để nâng cao nhận thức của công chúng về những tác động dai dẳng của chất độc này và tìm kiếm các nguồn lực để hỗ trợ nạn nhân chất da cam ở Việt Nam. Bà đã sáng lập và điều hành Dự án War Legacies Project (WLP – Dự án Giải quyết Di sản chiến tranh).
Trước khi thành lập và điều hành WLP, Susan Hammond từng làm Phó Giám đốc Quỹ Hòa giải và Phát triển (FRD) từ 1996-2007 với trách nhiệm
thúc đẩy quan hệ song phương Việt-Mỹ, tăng cường giao lưu nhân dân giữa hai nước và khuyến khích các tổ chức phi chính phủ và trường đại học của Mỹ xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ Việt Nam.
Những dự án do Susan Hammond xây dựng và triển khai để hỗ trợ Việt Nam dù không có quy mô hay giá trị lớn về tài chính, nhưng đều rất thiết thực đối với người hưởng lợi và có ý nghĩa quan trọng trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh. Đặc biệt, nguồn tài trợ cho một số dự án còn đến từ chính các cựu binh Mỹ và gia đình với mong muốn chung tay xoa dịu nỗi đau cho chiến tranh gây ra cho cả hai phía.
Trong suốt 2008-2018, cùng với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Nam, Susan Hammond đã hỗ trợ trực tiếp cho 350 gia đình có trẻ khuyết tật nặng sửa chữa cải tạo nhà ở, cung cấp vốn hoặc con giống để phát triển kinh tế gia đình, chăm sóc sức khỏe và cấp học bổng cho trẻ khuyết tật. Bà đã cùng TS. Võ Quý và TS. Phùng Tửu Bối nghiên cứu các tác động của chất độc da cam ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau đó, người phụ nữ này đã vận động quyên góp để trồng hàng rào xanh xung quanh điểm nóng dioxin ở A Lưới và hỗ trợ các gia đình ở khu vực này trồng cây mây để tăng thu nhập hộ gia đình.
Hơn 20 năm qua, Susan Hammond luôn đồng hành cùng nhiều phóng viên báo chí, nhiếp ảnh gia, nhà làm phim tài liệu xây dựng nhiều phóng sự về ảnh hưởng của chất da cam ở Việt Nam. Không chỉ làm cố vấn cho tổ chức Ford Foundation trong Nhóm đối thoại Mỹ-Việt về chất độc da cam và Sáng kiến thông tin chất độc da cam ở Việt Nam, bà đã xây dựng và cập nhật các thông tin, dữ liệu liên quan đến chất da cam trên trang http://www.agentorangerecord.com, thu hút 35.000 lượt truy cập mỗi năm từ Mỹ, châu Âu, Canada và Việt Nam.
Bà Jerilyn Brusseau cùng mẹ là bà Rae Cheney.
Cây Hòa bình của Jerilyn Brusseau
Jerilyn Brusseau là chị gái của một lính Mỹ bị tử trận khi tham chiến ở Quảng Trị, Việt Nam vào năm 1969. Khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ năm 1995, bà đã gặp ông Lê Văn Bàng – khi đó đang là Đại biện Lâm thời Việt Nam tại Mỹ để đề xuất một số hoạt động hỗ trợ Việt Nam như khắc phục hậu quả bom mìn, tổ chức các đoàn cựu chiến binh Mỹ đến Việt Nam trồng cây xanh như biểu tượng của hòa bình và xây dựng lòng tin và hiểu biết giữa nhân dân hai nước.
Sau chuyến thăm Việt Nam năm 1996, được tận mắt chứng kiến hậu quả chiến tranh cũng như những ảnh hưởng của chiến tranh đã hủy hoại mảnh đất, con người Việt Nam, Jerilyn Brusseau cùng chồng là Danaan Parry và mẹ là bà Rae Cheney quyết định thành lập tổ chức Peace Trees Vietnam (PTVN) có tên tiếng Việt là tổ chức Cây Hòa bình với mục đích xoa dịu nỗi đau chiến tranh cho cả hai phía Việt Nam và Mỹ, làm cầu nối hữu nghị, tin tưởng và cảm thông giữa nhân dân Mỹ và Việt Nam.
Kể từ khi thành lập Cây Hòa bình đến nay, Jerilyn Brusseau cùng các cộng sự đã dành rất nhiều tâm huyết và nỗ lực cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn thông qua việc thành lập và hỗ trợ kỹ thuật cho các đội rà phá bom mìn, truyền thông nâng cao nhận thức về tai nạn bom mìn, hỗ trợ nạn nhân bom mìn và tổ chức đưa các đoàn tình nguyện viên của Mỹ tới thăm các di tích và trồng cây hữu nghị tại Việt Nam.
Nhờ kinh nghiệm và quan hệ tốt với các cựu chiến binh Mỹ cũng như quan hệ chặt chẽ với các đối tác Việt Nam, bà đã vận động được tài trợ từ Bộ Quốc phòng Mỹ, các quỹ, các cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam, gia đình các cựu chiến binh Mỹ và các cá nhân khác để xây dựng và triển khai các dự án tại Việt Nam.
Những năm gần đây, tổ chức của người phụ nữ Mỹ này luôn tích cực tổ chức các đoàn của Mỹ sang thăm Quảng Trị để thúc đẩy hữu nghị và hợp tác như đoàn ngoại giao nhân dân gồm các cựu chiến binh Mỹ thuộc nhiều thế hệ đến gặp các cựu chiến binh Việt Nam tại Khe Sanh, nhiều đoàn cựu chiến binh Mỹ cùng bạn bè, gia đình đến thăm Quảng Trị và tham gia trồng rừng trên những vùng đất bị ô nhiễm bom mìn đã được làm sạch…
Đặc biệt, Cây Hòa bình đã trao tặng thư viện ý nghĩa mang tên “Những người mẹ hòa bình” cho Việt Nam với sự tham dự của bà Rae Cheney và mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Moa (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị). Cuộc hội ngộ của hai bà mẹ Mỹ và Việt Nam cùng mất con tại Quảng Trị trong chiến tranh mang thông điệp vô cùng mạnh mẽ về sự khoan dung, đồng cảm, bước qua nỗi đau để cùng hướng tới hòa bình.
Hà Anh/Báo Thế giới và Việt Nam