Trong thời gian qua, với âm mưu thực hiện “diễn biến hòa bình”, một số đối tượng đã ra sức kích động, xuyên tạc những luận điệu sai lệch sự thật, với âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chúng lợi dụng truyền thông, tận dụng sự phát triển của các trang mạng xã hội để chia sẻ, lan truyền thông tin xấu với động cơ lợi ích cá nhân.
Chỉ với một click chuột, những thông tin liên quan đến lãnh tụ Hồ Chí Minh, các thế hệ lãnh đạo đất nước hiện lên nhiều chiều trên mạng xã hội, các trang chia sẻ trực tuyến. Từ cuộc đời hoạt động cách mạng đến những câu chuyện riêng tư trong đời sống thường nhật; từ những video sinh động đến những tấm ảnh đã qua cắt ghép, chỉnh sửa đều hiển thị rõ ràng, lôi cuốn. Bên cạnh những thông tin mang tính lịch sử, chính xác, thể hiện sự ngưỡng vọng của nhân dân thì cũng có một số bình luận, đánh giá thiển cận, thể hiện sự thiếu hiểu biết. Trong đó, ẩn chứa âm mưu bôi nhọ lãnh tụ, lãnh đạo đất nước nhằm khiến người dân mất niềm tin, xa rời Đảng, Nhà nước.
Với hàng chục triệu người dân Việt Nam, từ trẻ nhỏ đến cụ già, từ vùng núi hẻo lánh xa xôi đến trung tâm thành thị sầm uất, tấm lòng kính yêu với Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên, son sắt. Điều đó được thể hiện khách quan dưới nhiều hình thức. Đó là hàng nghìn tấm gương tiêu biểu học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác từ những điều nhỏ nhất, giản dị nhất. Là niềm xúc động nghẹn ngào của những người con được đặt chân đến Làng Sen để tận mắt ngắm nhìn nơi chôn rau cắt rốn của Người. Là những câu chuyện bà kể cháu nghe về sự thay đổi đất nước, thay đổi cuộc đời từ khi có Bác, có cách mạng, có những vị lãnh đạo tiền bối của đất nước.
Không chỉ bôi nhọ lãnh đạo, chúng còn dựng lên nhiều kịch bản không có thật về những anh hùng liệt sỹ trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Chiêu bài của các đối tượng sử dụng vẫn là đan xen giữa những nội dung hư hư thực thực với những tít bài giật gân, câu like, cắt gọn, đưa một số ý kiến của những người bị “nhiễm độc” về tư tưởng để nhằm hạ bệ những anh hùng, thế hệ cha anh đã anh dũng hy sinh. Để nhằm lấy lòng tin của người đọc, chúng vẫn đưa những thông tin cũ, những sự kiện cũ nhưng lại suy diễn với những luận điệu mới, gây nghi ngờ, kích thích sự tò mò của cư dân mạng. Từ đó, chúng phát tán thông tin, biến có thành không, không thành có, đưa người đọc nghiêng sang các luận điểm sai trái, thù địch.Bác mãi là ngọn đuốc rực sáng, là động lực cho lớp lớp thế hệ trẻ tiếp bước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng Tổ quốc. Bởi thế, những thước phim lịch sử chiếu về Người không chỉ khiến những người đã đi qua hai cuộc kháng chiến rưng rưng xúc động mà còn thổi lên trong ngực những người trẻ tuổi niềm khao khát thiêng liêng được một lần nhìn thấy Bác, được chạm vào những kỷ niệm mộc mạc, gần gũi đã gắn bó với Người suốt thời thơ ấu. Không xúc động sao được, bởi Người là hiện thân cao nhất của tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, và đậm chất Việt Nam. Thế nhưng, với những đối tượng phản động, những kẻ cơ hội, bọn chúng luôn tìm mọi cách để thêu dệt những thông tin trái sự thật, nhằm làm lung lay tình cảm, niềm tin của người dân với Bác và những thế hệ lãnh đạo của đất nước qua các thời kỳ.
Thời gian gần đây, một số đối tượng còn xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và một số địa phương. Thủ đoạn của chúng là tạo hàng loạt bài viết, video, hình ảnh xuyên tạc để đăng tải trên tất cả các mạng xã hội. Tần suất các bài viết được tải lên mạng hàng ngày, hàng giờ. Điều này khiến cho các công cụ tìm kiếm thông tin (chủ yếu là google) hiển thị các bài viết đó ở những vị trí đầu tiên khi được người dùng tìm kiếm. Với phương thức “mưa dầm thấm lâu”, một sự kiện xuyên tạc nhiều lần cùng một nội dung, chúng khiến cho người đọc từ bàng quan đến nghi ngại, và từ nghi ngại đến suy giảm niềm tin. Đây là thủ đoạn rất nguy hiểm của các thế lực thù địch, bởi hệ thống máy chủ đặt ở nước ngoài, việc kiểm soát và can thiệp rất khó khăn.
Tuy nhiên, bằng nỗ lực không mệt mỏi, lực lượng chức năng đã sử dụng những cứ liệu lịch sử, những thông tin khách quan, trung thực để bẻ gãy các luận điệu xuyên tạc của chúng. Điển hình như vụ Nguyễn Chí Khương (23 tuổi, trú tại Bến Tre) quay và đăng tải lên Facebook đoạn clip bịa đặt “đoàn xe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về thăm Bến Tre”. Clip cho thấy sự xuyên tạc trắng trợn khi trong ngày hôm đó (27/10/2016), đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân đang điều hành phiên họp Quốc hội tại Hà Nội, thế mà cùng ngày, Khương lại dựng chuyện Chủ tịch Quốc hội thăm Bến Tre với dàn xe hộ tống (hơn 50 xe). Thực chất, clip mà Khương đã quay và tải lên mạng xã hội là đoàn xe của các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và đơn vị chức năng của tỉnh Bến Tre tham gia diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2016. Những thông tin mà bọn chúng cho rằng “thâm cung bí sử”, liên quan thân thế, tài sản, con cái của các lãnh đạo cũng được chúng tích cực chia sẻ, nhất là vào những dịp trọng đại của đất nước, những phiên họp lãnh đạo cấp cao.
Các hành vi bôi nhọ lãnh đạo, xuyên tạc sự thật sẽ bị xử lí nghiêm |
Điều nực cười hơn nữa là khi các đối tượng bị xử lý về hành vi Tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, những kẻ cơ hội khác lại kích động, lấy chiêu bài dân chủ, nhân quyền “để đấu tranh”. Chúng đòi hỏi thực hiện pháp luật trong khi chính các đối tượng trên lại là những người không tôn trọng pháp luật. Được sự hậu thuẫn của tổ chức phản động ở nước ngoài, chúng xuyên tạc cái gọi là “đàn áp nhân quyền, thiếu tự do dân chủ”, kích động chống phá, gây phức tạp tình hình ANTT. Chúng đưa ra những viễn cảnh về tự do, dân chủ nhưng không chịu tìm hiểu rằng ở những “miền đất hứa” của chúng, hành vi tương tự cũng là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Ví dụ như: Tại Mỹ, Điều 2385, Chương 115, Bộ luật Hình sự Mỹ ghi: “Nghiêm cấm mọi hành vi in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá và mọi hình thức vận động, xúi giục lật đổ, tiêu diệt chính quyền bất kỳ cấp nào”. Sự kết hợp của những đối tượng chuyên trục lợi cá nhân với những kẻ âm mưu chống phá từ bên ngoài vẫn là cách thức hoạt động phổ biến trong thời gian qua.
Không ai là hoàn hảo. Dù là vĩ nhân, lãnh đạo, họ cũng có những khoảng trời, cuộc sống thường nhật riêng. Những thế hệ lãnh đạo đất nước vẫn đang kiên trì, tiếp nối nhau trong thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, giàu mạnh, tập trung chăm lo đời sống cho người dân. Dĩ nhiên, trước một chủ trương, một vấn đề, mỗi người đều có cách nhìn nhận riêng, quan điểm khác biệt. Tuy nhiên, không thể vì mưu cầu lợi ích cá nhân mà có hành vi xúc phạm, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, dù trong bất cứ trong hoàn cảnh nào.
Ai cũng có quyền tiếp nhận thông tin, quyền thể hiện, chia sẻ những quan điểm, chính kiến của bản thân trước nhiều vấn đề, sự kiện chính trị. Vậy làm thế nào để giữ cho mình sự chủ động, để không bị lung lay, tiêm nhiễm những thông tin vu cáo, bịa đặt trên mạng xã hội? Giữa mớ hỗn độn thông tin, mỗi người cần tỉnh táo để không bị lôi kéo, biến mình thành con rối của kẻ xấu, tiếp tay cho những mưu đồ thấp hèn. Điều này vừa gây nguy hại đến an ninh quốc gia, vừa vi phạm pháp luật, trái với đạo lý, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
HoangThien/ TranLam