Hai chiếc Mig-21 lặc lè cất cánh với 2 quả tên lửa tầm nhiệt và 3 thùng dầu phụ treo 2 bên cánh và dưới bụng máy bay. Chiếc Mig như có vẻ nặng nề, cồng kềnh hơn cả lúc lăn lẫn lúc cất cánh. Trời gần như kín mây. Sở chỉ huy cho chúng tôi bay về hướng Tuyên Quang, bắt đầu truyền cho nhau những khẩu lệnh ngắn gọn.
Chúng tôi bay vọt lên trên mây.
Lựa khi mấy chiếc F-4 ở góc 45o dãn cách khoảng 3km thì tôi lật máy bay kéo gấp xuống theo kiểu “xoắn xuống” để bám vào đuôi tốp F-4.
Nhưng những chiếc F-4 cũng nhanh chóng lật máy bay với độ nghiêng lớn bám theo chúng tôi ở phía dưới. Chúng không dám lên cùng độ cao với Mig-21. Chúng tôi kẻ thấp người cao trong tình trạng đánh đòn gió dền dứ, không buông nhau ra.
Có lẽ những chiếc F-4 cũng tạm hài lòng vì giữ được chân 2 chiếc Mig-21 ở đây để đồng đội của họ làm xong nhiệm vụ đánh bom vào mục tiêu ở Yên Bái. Còn chúng tôi cũng hài lòng vì thu hút, giữ chân được các máy bay tiêm kích Mỹ để Mig-19 của Trung đoàn 925 yên tâm tấn công các máy bay ném bom.
Khi thấy Mig-19 đã hoàn thành nhiệm vụ ra quân, chặn đánh tốp 8 chiếc F-4 đánh vào khu vực Thác Bà và sân bay Yên Bái, sở chỉ huy binh chủng ra lệnh cho chúng tôi thoát ly.
Tôi gọi cho Giáp và kéo máy bay lên độ cao 8.000 – 8.500m sau đó vòng gấp, bổ xuống độ cao lấy tốc độ và kéo dựng máy bay lên khi máy bay đã vượt quá giới hạn âm thanh ở tốc độ Mach 1,15 – Mach 1,2,bứt phá khỏi khu chiến.
Khi tôi quay lại không thấy Giáp đâu vội hỏi:
– Anh còn thấy tôi không?
– Hình như máy bay tôi bị làm sao rồi ấy. – Giáp trả lời.
– Máy bay còn điều khiển được không? Tôi quay lại ngay
Không đợi Giáp trả lời nữa, tôi vòng ngược máy bay lại để tìm Võ Sỹ Giáp.
– Anh ở chỗ nào? Thoát khỏi khu chiến chưa? – Tôi bắt đầu lo lắng
– Thoát ra rồi! Điều khiển tốt!
– Thế thì cứ đi theo hướng 150o
Tôi vừa điều khiển máy bay vừa tìm kiếm mà không thấy gì và cũng vòng về hướng thoát ly mà sở chỉ huy đã hướng dẫn thì nghe tiếng Võ Sỹ Giáp:
– Dầu liệu hết rất nhanh. Có lẽ hỏng ống dẫn dầu rồi!
Tôi áng chừng vị trí của tôi lúc đó đang ở giáp ranh vùng trời giữa Việt Trì và Vĩnh Yên. Có lẽ Giáp cũng ở gần đây thôi. Tôi nhìn xuống qua kẽ mây lúc ẩn lúc hiện dáng hình đồng ruộng, sông núi, hỏi Giáp:
– Dầu còn bao nhiêu?
– 500 lít.
– Anh có thấy địa tiêu không?
Không thấy trả lời. Tôi nhắc:
– Cho phép nhảy dù ngay!
Tôi nghe cả tiếng sở chỉ huy cũng nhắc Giáp rồi cả tiếng Nguyễn Đức Soát vọng lên:
– Hết dầu thì nhảy dù đi, nhảy dù ngay đi!
Từ lúc đó không còn nghe tiếng thông thoại vô tuyến điện của anh nữa. Tôi lặng lẽ bay về hạ cánh trong hy vọng mong manh Võ Sỹ Giáp đã nhảy dù. Ở sân đỗ, sỹ quan tác chiến sân bay thông báo:
– Sở chỉ huy biểu dương biên đội Thái – Giáp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Mig-19 đã bắn rơi tại chỗ 2 chiếc F-4 của Không quân Mỹ. Chúc mừng anh!
Tai tôi như ù đặc. Không trả lời sỹ quan tác chiến mà hỏi luôn:
– Có tin gì về Võ Sỹ Giáp chưa?
– Đang thông báo và hỏi tỉnh đội Vĩnh Phúc.
Tôi có một dự cảm bất an, vô cùng nóng ruột trong sự cố gắng chờ đợi một tin tức tốt lành về việc Giáp nhảy dù. Không hiểu sao máy bay lại bị chảy dầu nhanh thế. Hay là bị dính mảnh tên lửa trong lúc thoát ly khỏi trận chiến? Tại sao mãi không thấy tin tức gì? Những cau hỏi cứ lùng bùng trong đầu tôi như thế hơn một tiếng cho đến khi nhận được thông báo Giáp phải hạ cánh bắt buộc tại Vĩnh Tường. Bị thương nặng. Đang đưa về viện 108 cấp cứu.
Khổ quá! Giáp vẫn không chịu nhảy dù. Không nghe lời tôi dặn rồi.
Xâu chuỗi lại các sự kiện trước đó tình huống chấn động tâm can này thì thấy rõ ràng Giáp đã có thể và phải bỏ máy bay đeẻ cứu mình chứ! Hay là anh tiếc chiếc máy bay đẹp đẽ nhưng đắt đỏ ấy nên muốn cứu máy bay? Câu nói của Phạm Tuân hôm nào bỗng văng vẳng bên tai: “Giáp bay giỏi, tự tin, đã nói là làm. Và đã nhiều lần hắn đề cập đến việc hạ cánh bắt buộc dù gặp phải muôn vàn hiểm nguy”.
….
– Tình hình Giáp gay lắm. Nhưng các bác sỹ, giáo sư giỏi nhất đã được tập trung để cứu cậu ấy!
Trợ lý chính trị đưa cho tôi chiếc áo may ô đẫm máu được cắt ra khỏi người Võ Sỹ Giáp và gói trong một tờ giấy báo. Tôi giở ra xem thì thấy màu máu đã thâm đen, loang lổ và bị cắt xén mấy chỗ.
Ba ngày sau, ngày 11/5/1972, phi công lái Mig-21 Võ Sỹ Giáp đã trút hơi thở cuối cùng vì bị thương quá nặng.
Về sau người ta mới biết rằng, khi Võ Sỹ Giáp định nhảy dù để tự cứu mạng sống của mình thì anh nhìn thấy ngay bên dưới máy bay là một trường tiểu học và các em học sinh đang chơi đùa trong giờ ra chơi. Thấy máy bay đến, các em đã chạy cả ra sân trường đứng xem. Lo lắng việc nhảy dù sẽ khiến cho máy bay rơi thẳng vào trường học, Võ Sĩ Giáp đã kéo cần lái, cố gắng đưa máy bay vượt ra khỏi trường học.
Chiếc MiG-21 như một quả tên lửa khổng lồ sượt qua nóc trường học, lao xuống mảnh ruộng ngay bên cạnh trường. Máy bay bị vỡ tung thành nhiều mảnh, Võ Sĩ Giáp bị thương nặng. Người dân địa phương đã kịp thời có mặt và cấp cứu cho anh. Khi tỉnh lại lần thứ hai, Võ Sĩ Giáp còn thều thào hỏi: “Các cháu học sinh có việc gì không?”.
Những người lính, những chiến sỹ phi công của Việt Nam đã từng chiến đấu và hi sinh như thế. Họ cũng giống như 2 phi công của chiếc Su-22 mang số hiệu 8551 rơi ở Nghệ An hôm nay sẽ hoá thành mây trắng, mãi mãi không bao giờ hạ cánh nữa!
Trích: Lính Bay 2 – Hồi ký của Trung tướng Phạm Phú Thái