Bản chất của những nội dung đòi hỏi phi lý trong “Thư ngỏ” là lợi dụng những sự kiện chính trị – xã hội nhạy cảm diễn ra trong thời gian qua để xuyên tạc, bóp méo sự thật, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Sau đây là hai vấn đề căn bản đã bị xuyên tạc, bóp méo trong “Thư ngỏ”.
Cuối tháng 11-2018, các thế lực thù địch, phản động tán phát “Thư ngỏ” của Nguyễn Khắc Mai gửi đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Nội dung bức thư xuyên tạc, bịa đặt, nói rằng: “Hiến pháp năm 1946 của Việt Nam tôn trọng đa nguyên, mời gọi các chính Đảng cùng tham gia. Năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xóa bỏ Hiến pháp năm 1946 và khởi thảo Hiến pháp mới rất đậm dấu ấn mô hình Xô Viết và tư tưởng Diên An. Đến cuối đời, cả C.Mác và Ph.Ăngghen đã từ bỏ lập trường chủ nghĩa cộng sản vì hai ông đã phát hiện chủ nghĩa cộng sản là một sai lầm của thời trẻ”…
Trong “Thư ngỏ” cũng đồng thời đưa ra yêu sách “trên trời” mang tư tưởng đòi Đảng, Nhà nước ta phải thực hiện lại Hiến pháp năm 1946 và chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, hủy bỏ hệ tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và phải đặc xá, trả tự do cho tất cả “tù nhân lương tâm” nhân dịp Tết Kỷ Hợi…
Bản chất của những nội dung đòi hỏi phi lý trong “Thư ngỏ” là lợi dụng những sự kiện chính trị – xã hội nhạy cảm diễn ra trong thời gian qua để xuyên tạc, bóp méo sự thật, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Sau đây là hai vấn đề căn bản đã bị xuyên tạc, bóp méo trong “Thư ngỏ”.
Thứ nhất, Nguyễn Khắc Mai đã cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật khi cho rằng, Hiến pháp năm 1946 có tinh thần thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” và “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xóa bỏ Hiến pháp năm 1946 để xây dựng Hiến pháp 1959 theo mô hình Xô Viết và tư tưởng Diên An”. Thực tế, Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946 được Quốc hội Khóa I, Kỳ họp thứ hai thông qua ngày 9-11-1946 gồm 7 chương, 70 điều, không có điều, chương nào thể hiện tư tưởng “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”. Đặc biệt, tại Điều thứ nhất, Chương I có ghi: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.
Hiến pháp 1946 ra đời đặt nền tảng cho quốc gia đi vào xây dựng một thể chế chính trị dân chủ được thiết lập vững chắc, với đầy đủ các cơ quan lập pháp, tư pháp và hành pháp, đoạn tuyệt với chế độ chính trị thực dân và quân chủ phong kiến. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, nhân dân được đảm bảo các quyền tự do, dân chủ; khẳng định quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và thiết lập cơ chế bảo đảm thực hiện quyền lực thực sự của nhân dân.
Năm 1954, trước sự thay đổi của tình hình chính trị – xã hội đất nước làm cho Hiến pháp 1946 không có điều kiện áp dụng trên phạm vi cả nước. Mặt khác, nhiều quy định của Hiến pháp 1946 cũng không còn phù hợp với điều kiện cách mạng nước ta (miền Bắc lúc bấy giờ). Vì vậy, việc yêu cầu sửa đổi Hiến pháp 1946 đã được đặt ra. Để thực hiện được nhiệm vụ này, Chính phủ đã thành lập một Ban sửa đổi Hiến pháp với 28 thành viên do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban. Ngày 1-4-1959, bản dự thảo Hiến pháp mới đã được công bố để toàn dân thảo luận và đóng góp ý kiến. Đến ngày 31-12-1959, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa I đã thông qua bản Hiến pháp mới thay thế Hiến pháp năm 1946; và ngày 1-1-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký lệnh công bố bản Hiến pháp năm 1959.
Mục tiêu của Hiến pháp năm 1959 đã kế thừa, phát triển bản Hiến pháp năm 1946, tiếp tục khẳng định: “Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tiến dần từ chế độ dân chủ nhân dân lên chủ nghĩa xã hội; tất cả quyền lực trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đều thuộc về nhân dân; nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân; Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước, là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp”.
Hiến pháp năm 1959 thể hiện rõ bản chất một nhà nước kiểu mới – nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân. Trong nhà nước đó, tính giai cấp, tính dân tộc, tính nhân dân được hoà quyện chặt chẽ. Như vậy, những luận điệu trong “Thư ngỏ” có liên quan đến Hiến pháp năm 1946, 1959 và Chủ tịch Hồ Chí Minh là không có cơ sở.
Hai là, Nguyễn Khắc Mai cố tình hạ bệ lý luận khoa học, xuyên tạc các giai đoạn hình thành, phát triển chủ nghĩa Mác nói chung, cuộc đời C.Mác và Ph.Ăngghen nói riêng.
Trong “Thư ngỏ” đã có những lời lẽ vừa sai trái, vừa thô tục khi nói rằng “Chủ nghĩa Mác-Lênin thực ra là mớ hổ lốn, mà đám phản đồ hớp lấy những thứ cặn bã mà chính Mác và cả Ăngghen đã thải bỏ. Về lý tưởng cộng sản, hai ông ấy khẳng định đó chỉ là những ý nghĩ trẻ con lúc đầu đời và đã vứt bỏ lúc cuối đời. Mác tự mình chối bỏ cái gọi là chủ nghĩa Mác”. Đọc những lời lẽ trên, có thể khẳng định, tác giả của “Thư ngỏ” là người chưa từng đọc hoặc đọc nhưng không hiểu gì về các tác phẩm kinh điển của C.Mác và Ph.Ăngghen. Thông qua các tác phẩm kinh điển cho thấy, cuộc đời của C.Mác và Ph.Ăngghen đều trải qua ba giai đoạn để đưa ra hệ thống lý luận khoa học, cách mạng.
Giai đoạn 1 (1841-1844): là giai đoạn hình thành tư tưởng triết học và bước quá độ từ chủ nghĩa duy tâm và dân chủ cách mạng sang chủ nghĩa duy vật và cộng sản chủ nghĩa.
Đối với C.Mác: Trước 1841, C.Mác là tín đồ của đạo Kitô, ông khát khao vươn tới cái thiện. Năm 1841, C.Mác nhận bằng Tiến sĩ Triết học với luận án: “Về sự khác nhau giữa triết học tự nhiên Đêmôcrit và Epiquya”, bắt đầu thay đổi lập trường. Năm 1842, C.Mác bắt đầu công tác tại “Nhật báo sông Ranh”, C.Mác và Ph.Ăngghen đã gặp nhau và cộng tác viết nhiều bài trên tờ báo này. Thời kỳ này, hai ông chưa hoàn toàn đoạn tuyệt với quan điểm duy tâm. Năm 1843, C.Mác viết “Góp phần phê phán triết học pháp quyền Hêghen” và tiếp xúc với phong trào công nhân; hoàn toàn chuyển sang lập trường chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa cộng sản. Đầu năm 1844, Mác phối hợp cùng Rugơ xuất bản tạp chí “Niên giám Pháp Đức”, ông viết “Bản thảo kinh tế – triết học”, đánh dấu bước hoàn thành chuyển biến về lập trường.
Đối với Ph.Ăngghen: Năm 1839, Ph.Ăngghen bắt đầu nghiên cứu triết học, đặc biệt là triết học Hêghen. Năm 1841, ông đã tham dự những giờ giảng của Hêghen ở Béclin, tiếp thu tư tưởng triết học và từng bước rút ra những kết luận vô thần. Năm 1842, gặp C.Mác, cộng tác viết nhiều bài trên báo sông Ranh, thể hiện sự chuyển lập trường. Năm 1844, Ph.Ăngghen viết “Tình cảnh giai cấp công nhân Anh”, chuyển biến hoàn toàn lập trường.
Giai đoạn 2 (1844-1848): Đây là thời kỳ xây dựng những nguyên lý cơ bản về chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử với sự ra đời của “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản”. Năm 1848 đã đánh dấu hoàn thành giai đoạn khởi thảo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, một thế giới quan triết học mới ra đời.
Giai đoạn 3 (1848-1895): Đây là giai đoạn C.Mác và Ph.Ăngghen tiếp tục bổ sung, phát triển, hoàn thiện học thuyết của mình và đưa học thuyết Mác vào phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân cho đến khi Ph.Ăngghen qua đời (1895). Từ 1848-1871, C.Mác và Ph.Ăngghen lấy triết học làm thế giới quan, phương pháp luận nghiên cứu kinh tế chính trị và chủ nghĩa cộng sản và làm phong phú cho triết học trước đó. Chủ nghĩa Mác trở thành hệ tư tưởng khoa học trong phong trào công nhân ở nhiều nước trên thế giới. Từ năm 1871-1895, C.Mác và Ph.Ăngghen lần lượt phát triển cả 3 bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác.
Đến cuối đời, tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về chủ nghĩa cộng sản khoa học mới thực sự chín muồi và hội tụ trong tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. C.Mác và Ph.Ăngghen đã đưa chủ nghĩa xã hội từ không tưởng trở thành hiện thực, thành lý luận khoa học và cách mạng, mở ra con đường phấn đấu vì tự do, hạnh phúc cho nhân loại.
Trước những đóng góp to lớn về lý luận, các tổ chức uy tín của thế giới đã thừa nhận, suy tôn thế kỷ XX là thế kỷ của C.Mác và Ph.Ăngghen. Bên cạnh đó, sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, tác phẩm “Tư bản” của C.Mác đã được phát hành rộng rãi, thậm chí bán không đủ nhu cầu cho người đọc trên chính quê hương của C.Mác.
Những cống hiến vĩ đại của C.Mác và Ph.Ăngghen đã đem lại cho nhân loại và giai cấp công nhân quốc tế thế giới quan khoa học và cách mạng, là “công cụ nhận thức vĩ đại” để cải tạo thế giới, xây dựng xã hội, thế giới loài người tốt đẹp hơn. Điều này, lịch sử đã ghi nhận.
Rõ ràng, những nội dung và lời lẽ trong “Thư ngỏ” của Nguyễn Khắc Mai vừa cho thấy những nhận thức lệch lạc, đã vậy, lời lẽ thô thiển, vậy mà vẫn tung lên mạng rồi gửi đến các đồng chí lãnh đạo Đảng đòi hỏi phải thế này, thế khác. Thiết nghĩ, người viết “Thư ngỏ” cần nhìn lại chính mình, xem nhận thức tương xứng với đòi hỏi chưa trước khi đặt bút viết “Thư ngỏ”!