Đồng rúp hồi phục, lệnh trừng phạt Nga có thực sự hiệu quả?
Ngày 30/3, đồng rúp có dấu hiệu tăng trở lại sau khi Mỹ và các đồng minh châu Âu muốn “chôn vùi” nền kinh tế Nga trong “cơn mưa” trừng phạt vì cuộc chiến ở Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến hành những biện pháp tài chính quyết liệt để đối phó với lệnh trừng phạt của phương Tây và làm tăng giá trị đồng tiền của Nga.
Trong khi phương Tây áp đặt những biện pháp trừng phạt chưa từng có nhằm chống lại nền kinh tế Nga thì Ngân hàng Trung ương Nga đã nâng lãi suất lên 20% trong khi điện Kremlin tiến hành những biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt với những người muốn đổi từ đồng rúp sang đồng USD hoặc euro.
Đây là chính sách bảo vệ tiền tệ mà Nga có lẽ không thể duy trì mãi, chừng nào những biện pháp trừng phạt dài hạn vẫn áp đặt lên nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, sự hồi phục của đồng rúp có thể là dấu hiệu cho thấy các lệnh trừng phạt lên đồng tiền của Nga đang không có hiệu quả mạnh mẽ như phương Tây kỳ vọng nhằm gây sức ép buộc Tổng thống Putin phải rút quân khỏi Ukraine. Đây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy những nỗ lực của Nga nhằm tăng giá đồng rúp đang có hiệu quả thông qua việc sử dụng ngành dầu mỏ và khí đốt làm “đòn bẩy”.
Đồng nội tệ Nga đang giao dịch ở mức 85 rúp đổi 1 USD, tương đương thời điểm trước khi Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự cách đây 1 tháng. Đồng rúp từng rớt giá xuống mức khoảng 150 rúp đổi 1 USD vào ngày 7/3 sau khi thông tin chính quyền Tổng thống Biden sẽ cấm Mỹ nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt Nga được công bố.
Nga hiểu sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng chính là một lợi thế của nước này. Tổng thống Putin đã kêu gọi Ngân hàng Trung ương Nga buộc các nhà nhập khẩu khí đốt nước ngoài phải thanh toán bằng đồng rúp và sử dụng chúng để trả cho tập đoàn sản xuất năng lượng Gazprom của Nga.
Ngày 31/3, Tổng thống Nga Putin đã ký sắc lệnh về một thủ tục mới trong việc thanh toán khí đốt của Nga với các quốc gia không thân thiện.
“Để mua khí đốt tự nhiên của Nga, họ phải mở tài khoản bằng đồng rúp trong các ngân hàng của Nga. Chính những tài khoản này sẽ được sử dụng để thanh toán cho lượng khí được cung cấp bắt đầu từ ngày 1/4 năm nay”.
Nhà lãnh đạo Nga lưu ý, nếu các bên mua khí đốt từ chối thanh toán bằng đồng rúp thì Nga sẽ coi đây là một hành vi vi phạm hợp đồng.
“Không ai bán miễn phí cho chúng tôi bất cứ thứ gì và chúng tôi cũng sẽ không làm từ thiện. Điều đó có nghĩa là các hợp đồng hiện tại sẽ bị dừng”.
Cho tới nay, ngân hàng Gazprombank của Nga vẫn trụ vững trước những lệnh trừng phạt cứng rắn hơn mà Nga đang đối mặt vì cuộc chiến ở Ukraine và kế hoạch của Tổng thống Putin khi yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng rúp có lẽ giúp giải thích cho việc này.
Trừng phạt có phải công cụ “mạnh mẽ nhất”?
Phát biểu trước Quốc hội Na Uy ngày 30/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã hối thúc các nước phương Tây kích hoạt những biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ hơn nhằm vào Nga.
“Công cụ duy nhất thúc đẩy Nga tìm kiếm hòa bình chính là các lệnh trừng phạt. Các gói trừng phạt càng mạnh mẽ, chúng ta càng nhanh chóng đưa hòa bình quay trở lại”, Tổng thống Zelensky nhận định.
Hiện nay, việc các nước châu Âu mua bán dầu mỏ và khí tự nhiên Nga đang được xem là một “lỗ hổng” trong những gói trừng phạt nặng nề áp lên nền kinh tế Nga.
“Với Nga, mọi thứ đều liên quan đến doanh thu về năng lượng. Nó chiếm một nửa ngân sách của nước này”, Tania Babina, một nhà kinh tế học tại Đại học Columbia đánh giá.
Đồng rúp tăng giá giữa bối cảnh điện Kremlin ngày càng sẵn sàng hơn cho các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn với Ukraine. Dù vậy, Mỹ và phương Tây vẫn bày tỏ thái độ hoài nghi về tuyên bố “giảm đáng kể các hoạt động quân sự” mà Nga đưa ra.
Trong chuyến thăm Ba Lan vào tuần trước, Tổng thống Biden đã khen ngợi thành công của các lệnh trừng phạt chống Nga – trong đó có những lệnh trừng phạt mạnh mẽ nhất từng áp đặt lên một quốc gia. Theo ông Biden, các lệnh trừng phạt áp lên các tổ chức tài chính và các công ty đang nhấn chìm nền kinh tế Nga và khiến hàng trăm công ty nước ngoài dừng làm ăn ở đây.
Tuy nhiên, xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt Nga vẫn tiếp tục tới châu Âu cùng với Trung Quốc và Ấn Độ. Tại EU, sự phụ thuộc vào khí đốt Nga để sản xuất điện và sưởi ấm đã khiến các nước này gặp khó khăn đáng kể trong việc chuyển hướng nguồn cung trong khi chính quyền Tổng thống Biden đã cấm nhập khẩu dầu khí Nga.
“Mỹ đã cấm nhập khẩu dầu và khí tự nhiên của Nga. Anh cũng sẽ thực hiện việc này theo từng giai đoạn vào cuối năm nay. Tuy nhiên, những điều này sẽ không có tác động đáng kể cho tới khi EU cũng có những bước đi tương tự”, Benjamin Hilgenstock và Elina Ribakova – các nhà kinh tế học tại Viện Tài chính Quốc tế nhận định.
Nhà Trắng và các nhà kinh tế học cho rằng tác động của những lệnh trừng phạt cần thời gian, có thể mất hàng tuần hoặc hàng tháng để phát huy hết hiệu quả khi các ngành công nghiệp phải đóng cửa do thiếu nguyên liệu, vốn hoặc cả hai. Tuy nhiên, những bên chỉ trích chính quyền ông Biden thì cho rằng sự hồi phục của đồng rúp cho thấy Nhà Trắng cần hành động nhiều hơn.
“Sự tăng trở lại của đồng rúp dường như cho thấy các lệnh trừng phạt của Mỹ không có hiệu quả trong việc làm tê liệt nền kinh tế Nga.”, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Pennsylvania Pat Toomey nhận định, đồng thời cho rằng Mỹ phải khiến nền kinh tế Nga bị đứt gãy bằng cách cắt doanh thu dầu mỏ và khí đốt Nga trên toàn cầu.
Thượng nghị sĩ Sherrod Brown, chủ tịch Ủy ban các vấn đề Đô thị, Nhà ở và Ngân hàng của Thượng viện cho biết các nghị sĩ đang cân nhắc những biện pháp mở rộng lệnh trừng phạt mà gần đây Tổng thống Biden áp đặt lên các thành viên của Nghị viện Nga và “có lẽ mở rộng sang cả những nhân vật chính trị khác”. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang Ohio này cũng thông báo, các nghị sĩ đang cân nhắc áp thêm lệnh trừng phạt lên các ngân hàng Nga.
Các nhà lãnh đạo phương Tây dưới sự khuyến khích của Tổng thống Biden đã thực hiện các biện pháp trừng phạt như một công cụ mạnh mẽ nhất của mình nhằm phản ứng trước chiến dịch của Nga ở Ukraine.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết hôm 30/3 rằng nên “tăng các biện pháp trừng phạt cho đến khi không còn một binh lính Nga nào ở Ukraine”.
Dù vậy, đó là một yêu cầu khó khăn cho những quốc gia châu Âu khác, chẳng hạn như Đức, vốn phụ thuộc lớn vào Nga cả về dầu mỏ và khí đốt. EU nhập khẩu khoảng 10% dầu mỏ từ Nga và hơn 1/3 khí tự nhiên từ nước này.
Nhiều nước châu Âu cam kết họ sẽ giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng Nga nhưng điều đó sẽ không diễn ra ngay lập tức.
Nhà phân tích Charles Lichfield thuộc Hội đồng Đại Tây Dương nhận định, nếu các quốc gia châu Âu hành động nhanh chóng hơn trong việc cắt giảm nhập khẩu dầu Nga, thì “một lệnh cấm vận toàn diện hơn từ châu Âu sẽ đe dọa thặng dư cán cân vãng lai (current account surplus) của Nga và khiến nước này gặp khó khăn hơn trong việc chi trả lương cho các khu vực công cộng (public sector) cũng như tiến hành chiến tranh”. Tuy nhiên, nhà quan sát này thừa nhận, “một kết quả như vậy có lẽ còn lâu mới đạt được sự đồng thuận ở phương Tây”.
Phương Tây cũng đang “trả giá” vì lệnh trừng phạt Nga
Theo CNBC, Mỹ và các đồng minh đang lên kế hoạch cho các lệnh trừng mới nhằm vào nhiều ngành hơn của Nga do cuộc chiến ở Ukraine.
Từ 28/2, phương Tây đã tăng cường cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Ngày 4/3, những tập đoàn vận chuyển hàng hòa quốc tế lớn đã “dừng gần như tất cả việc vận chuyển hàng hóa từ và đến Nga nhằm tuân thủ các lệnh trừng phạt của phương Tây”. Điều đó làm giảm một nửa nguồn cung từ Nga tới thị trường toàn cầu ở những mặt hàng quan trọng như phân bón và lúa mì. Lệnh cấm năng lượng Nga từ Mỹ và cam kết của EU nhằm cắt giảm nguồn cung hydrocarbon từ Nga đang đẩy giá dầu mỏ và khí đốt tăng mạnh.
“Chúng ta cần trao đổi về tình trạng thiếu lương thực. Điều này sẽ trở thành sự thật. Cái giá của những lệnh trừng phạt này không chỉ áp lên Nga mà còn áp lên nhiều quốc gia khác, trong đó có cả các nước châu Âu và chính đất nước chúng ta”, Tổng thống Biden thừa nhận tại cuộc họp báo ngày 24/3 ở Brussels, Bỉ.
Max Parry, một nhà phân tích địa chính trị độc lập ở Mỹ nhận định: “Cuối cùng, Mỹ và châu Âu cũng sẽ cảm nhận được khó khăn của việc thiếu năng lượng, khoáng chất và lương thực. Mỹ chưa bắt đầu cảm nhận được những ảnh hưởng tài chính thực sự của lệnh trừng phạt Nga và tác động của chúng lên nền kinh tế Mỹ, vốn đã chịu thiệt hại bởi đại dịch Covid-19. Lạm phát đang ở mức chưa từng thấy kể từ những năm 1980 và sự thiếu hụt chuỗi cung ứng đang ảnh hướng đến chính túi tiền của người dân Mỹ”.
Nhà quan sát này cũng cho rằng, chính quyền Tổng thống Biden đang “đổ thêm dầu vào lửa” khi áp những lệnh trừng phạt cứng rắn chưa từng có lên Nga – một trong những nhà cung cấp nhiên liệu hóa thạch và các kim loại cơ bản hàng đầu thế giới, vốn không thể thay thế được trong sản lượng công nghiệp toàn cầu.
“Rõ ràng những lệnh trừng phạt này chỉ khiến giá hàng hóa và dịch vụ tăng vọt ở Mỹ và sau đó chính người Mỹ gần như phải trả cho những chi phí này. Tại sao người dân Mỹ lại phải gánh chịu rủi ro vì cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine”, ông Max Parry đặt câu hỏi.
Nhà phân tích này cũng đánh giá các lệnh trừng phạt hiếm khi dẫn đến những kết quả như mong muốn. Ông dẫn ra việc các lệnh trừng phạt của phương Tây áp lên Nga năm 2014 vẫn thất bại trong việc đảo ngược thực tế Crimea sáp nhập vào Nga. Hay chiến lược “gây sức ép tối đa” của Mỹ với Iran, hoặc lệnh cấm vận dầu mỏ với Venezuela cũng không giúp nước này đạt được các mục tiêu đề ra./.