Cách đây 48 năm, tháng 12/1972, Mỹ mở cuộc tập kích chiến lược bằng không quân vào Hà Nội và các thành phố lớn ở miền Bắc, hòng xoay chuyển tình thế trên bàn đàm phán Paris. Với ý chí quyết chiến, quyết thắng, trong 12 ngày đêm, quân và dân miền Bắc đã đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược, làm nên chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không,” buộc chính quyền Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom đánh phá miền Bắc và ký Hiệp định Paris.
Những âm mưu và toan tính thâm độc của tập đoànNixon bị thất bại
Ngược dòng thời gian, thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, từ ngày 30/3/1972, lực lượng vũ trang cách mạng mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam (lấy Quảng Trị làm hướng chủ yếu) nhằm tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, thay đổi cục diện chiến tranh, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sang một bước phát triển mới. Chỉ trong thời gian ngắn, ta đã chọc thủng ba phòng tuyến mạnh nhất của địch là Quảng Trị, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Để ngăn cản thắng lợi của cách mạng Việt Nam, đồng thời cứu nguy cho chính quyền, quân đội tay sai Sài Gòn đang thất bại ở miền Nam, từ ngày 6/4/1972, đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ra toàn miền Bắc Việt Nam với quy mô và cường độ rất ác liệt.
Khác với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất dưới thời kỳ Tổng thống Mỹ Lyndon Baines Johnson (1965-1968) thực hiện “leo thang từng bước”, vừa đánh vừa thăm dò; do đã đạt được sự thỏa hiệp với một số nước lớn trong phe xã hội chủ nghĩa, chính quyền Tổng thống Mỹ Richard Nixon dự tính tiến hành một cuộc tập kích đường không chiến lược (chủ yếu bằng máy bay B-52) “với quy mô ào ạt chưa từng có” vào Hà Nội (miền Bắc Việt Nam). Tuy nhiên, lo ngại sự phản đối của cử tri Mỹ sẽ ảnh hưởng đến cuộc chạy đua tranh cử tổng thống nhiệm kỳ mới (diễn ra vào tháng 11/1972), nên Nixon chưa tiến hành.
Để “thử nghiệm” cho trận tập kích lớn vào Hà Nội trong tương lai, ngày 16/4/1972, từ 3 giờ sáng đến 16 giờ chiều, Mỹ huy động 270 lần chiếc máy bay (trong đó có 9 chiếc B-52) tập trung đánh vào thành phố Hải Phòng. Trong trận đánh thử nghiệm này, không quân Mỹ đã có rất nhiều bước cải tiến mạnh mẽ về mặt kỹ thuật, nhất là hệ thống gây nhiễu của máy bay ném bom chiến lược B-52. Riêng mỗi “pháo đài B-52” có đến 19 máy gây nhiễu tích cực và gây nhiễu tiêu cực với hơn 900 bó nhiễu, bao gồm hàng chục vạn sợi kim loại dài ngắn khác nhau nhằm “che mắt” đối phương. Ngoài ra, mỗi phi vụ B52 đi đánh phá lại kèm thêm rất nhiều máy bay tiêm kích, cường kích bảo vệ…
Về thủ đoạn đánh phá, không quân Mỹ thường xuyên cho các loại máy bay F4 bay cùng độ cao và phát tín hiệu “đóng giả B-52” để đánh lừa lực lượng phòng không mặt đất, tạo điều kiện cho những tốp B-52 thực hiện ném bom rải thảm mục tiêu. Đây là thủ đoạn mới rất tinh vi và xảo quyệt. Kết quả, lực lượng phòng không bảo vệ Hải Phòng đánh trả quyết liệt (đã phóng hơn 90 quả đạn tên lửa) nhưng không hoàn thành nhiệm vụ (không bắn rơi được B-52). Ngược lại, một số tiểu đoàn tên lửa bị không quân Mỹ đánh trúng trận địa gây hỏng khí tài. Nhiều công trình thành phố bị đánh sập; một bộ phận cán bộ, chiến sĩ cùng hàng ngàn người dân Hải Phòng thương vong. Về phía Mỹ, thắng lợi tạm thời này “đã làm mê hoặc các nhà vạch kế hoạch của Mỹ”, làm cho các sĩ quan, phi công càng chủ quan, ngạo mạn, cho rằng lưới lửa phòng không Bắc Việt Nam không đáng lo như lời cảnh báo và B-52 có thể rải thảm bất cứ mục tiêu nào.
Sự chủ quan, ngạo mạn đưa đến thất bại nặng nề của không quân Mỹ trên bầu trời Hà Nội
Từ giữa tháng 11/1972, sau khi trúng cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ hai, tập đoàn Richard Nixon thể hiện rõ bản chất ngoan cố và hiếu chiến, vừa ráo riết triển khai các kế hoạch kéo dài, mở rộng chiến tranh xâm lược miền Nam, vừa chuẩn bị hành động phiêu lưu quân sự mới ra miền Bắc Việt Nam. Ngày 14/12/1972, Richard Nixon chính thức ra lệnh cho Hội đồng tham mưu trưởng liên quân mở cuộc tập kích đường không chiến lược (chủ yếu bằng máy bay B-52) vào Hà Nội, Hải Phòng cùng các địa phương lân cận nhằm các mục tiêu cơ bản: Một là, hủy diệt tiềm lực kinh tế, quốc phòng miền Bắc, làm lung lay quyết tâm kháng chiến của nhân dân Việt Nam; Hai là, vực dậy tinh thần, giảm áp lực cho chính quyền, quân đội tay sai Sài Gòn ở miền Nam; Ba là, tạo thế mạnh trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris, buộc ta phải ký kết một bản hiệp định có lợi cho Mỹ; Bốn là, thị uy sức mạnh với các nước trên thế giới.
Bộ Tư lệnh không quân chiến lược Mỹ chủ quan nhận định: Tên lửa Bắc Việt Nam (chủ yếu là loại SAM2) sẽ bị các thiết bị gây nhiễu cực mạnh của Mỹ “che mắt”, dẫn đến bị vô hiệu hóa. Do vậy, đối thủ chính của không quân Mỹ sẽ là các loại máy bay tiêm kích (MiG-17, MiG-19, MiG-21), nhưng những loại máy bay tiêm kích này cũng không đủ sức ngăn chặn, dễ dàng bị tiêu diệt trước khi tiếp cận được B-52; từ đó, khẳng định sớm đạt được mục đích đề ra trong vòng một tuần. Tự tin về thắng lợi sẽ đạt được, Nixon đã nói với Đô đốc Thomas Moorer – Chủ tịch Hội đồng tham mưu truởng liên quân Mỹ: “Đây là cơ hội của ông được sử dụng sức mạnh quân sự của chúng ta một cách có hiệu quả để thắng cuộc chiến tranh này; nếu ông không làm được việc đó, tôi cho rằng ông phải chịu trách nhiệm” (trích Hồi ký Richard Nixon). Chính sự chủ quan, ngạo mạn này là một phần nguyên nhân đưa đến thất bại nặng nề của không quân Mỹ trên bầu trời Hà Nội trong 12 ngày đêm cuối năm 1972.
Ngày 18/12/1972, cuộc tập kích của không quân Mỹ (mật danh “Linebacker II”) chính thức bắt đầu và kéo dài trong nhiều ngày. Địch đã huy động hơn 700 lần chiếc B-52, cùng hơn 1.000 lần chiếc máy bay chiến thuật (có cả loại hiện đại nhất F-111), ném khoảng 30.000 tấn bom xuống các mục tiêu quân sự, giao thông, trường học, bệnh viện, khu phố… gây những tội ác vô cùng dã man đối với nhân dân ta; đỉnh cao là việc sử dụng máy bay B-52 ném bom rải thảm mang tính hủy diệt vào các khu đông dân cư ở Hà Nội trong những ngày từ 26 đến 29/12/1972. Đây cũng là bước leo thang cao nhất của không quân Mỹ trong chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc Việt Nam. Thủ đoạn cơ bản của địch là dùng không quân chiến lược B-52 làm lực lượng chủ yếu, tổ chức đánh phá tập trung, ồ ạt theo từng đợt vào ban đêm, kết hợp sử dụng lực lượng không quân chiến thuật đánh phá dai dẳng kéo dài cả ban ngày ở mọi độ cao, đồng thời áp dụng nhiều hình thức nghi binh cùng hệ thống gây nhiễu rất phức tạp.
Tuy nhiên, những âm mưu và toan tính thâm độc của tập đoàn Nixon đã bị thất bại trước sức mạnh bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần chiến đấu vô cùng anh dũng, sáng tạo của nhân dân Việt Nam. Cũng từ chính âm mưu và hành động thâm độc, tàn bạo của kẻ thù đã để lại cho cách mạng Việt Nam những bài học rất quan trọng, sớm được Bộ Chính trị Trung ương Đảng đúc rút: Một là, đế quốc Mỹ rất ngoan cố và hiếu chiến, sẵn sàng sử dụng vũ lực để theo đuổi chiến tranh; Hai là, vì quyền lợi của mình, các nước lớn trên thế giới (kể cả các nước trong phe XHCN) sẵn sàng thỏa hiệp để hạn chế thắng lợi của cách mạng Việt Nam; Ba là, cách mạng Việt Nam muốn giành thắng lợi hoàn toàn, thì nhất định phải phát huy tinh thần độc lập, tự chủ. Những bài học đó sẽ trở thành cơ sở, góp phần quan trọng để Trung ương Đảng nhanh chóng hạ quyết tâm mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước./.