Đối với Việt Nam, tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC 2017 là sự kiện vô cùng quan trọng. Đây là khi một nước tương đối nhỏ trên thế giới lại là sân khấu trung lập cho các ông lớn – và đồng thời cũng thúc đẩy nghị trình riêng cho mình.
Tác giả Nicholas Chapman, nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học Quốc tế Nhật Bản (International University of Japan) vừa có bài viết về những lợi ích khi Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017.
Hội nghị cho Việt Nam cơ hội tái khẳng định chính sách ngoại giao đa phương – tức là đồng thời thúc đẩy quan hệ với nhiều nước quan trọng.
Cùng lúc, APEC cho Việt Nam một diễn đàn để quảng bá nghị trình giải phóng thương mại, dựa vào việc bảo đảm phát triển kinh tế mang tính sáng tạo, bền vững, bao gộp mọi thành phần. Điều này sẽ giúp đem lại lợi ích chính trị, kinh tế, ngoại giao đáng kể cho đất nước.
Ngoại giao đa phương
Suốt gần 30 năm qua, Việt Nam đã thi hành chính sách ngoại giao đa phương, tìm kiếm tự chủ nhờ đa dạng hóa trong quan hệ đối tác, đa phương hóa, và tập trung vào hội nhập chủ động. Việt Nam luôn nhấn mạnh nước này là bạn và đối tác đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam dùng cơ hội lần này để đón tiếp các lãnh đạo quốc tế như các ông Donald Trump, Vladimir Putin và Shinzo Abe, Tập Cận Bình.
Việt Nam tìm thấy sức mạnh trong mối quan hệ đối tác sâu rộng. Nước này đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược hoặc toàn diện với 16 nước, gồm cả 5 thành viên Hội đồng Bảo an.
Tại các cuộc gặp bên lề, Việt Nam sẽ nhấn mạnh lợi ích trùng hợp với các đối tác, và giảm nhẹ những khác biệt. Khi làm vậy, Việt Nam sẽ tái khẳng định rằng nước này muốn làm sâu thêm hợp tác cả về kinh tế, quốc phòng, văn hóa, chính trị.
Chủ nghĩa đa phương đã đem lại lợi ích kinh tế to lớn. Việt Nam thường xuyên đạt tăng trưởng kinh tế cao, khoảng 6%, và có tỉ lệ giảm nghèo ấn tượng. Ta nhớ GDP đầu người năm 2006 mới là 4.000 đôla, là năm Việt Nam tổ chức APEC. Nay đã lên gần 7.000 đôla.
Tổ chức APEC có nghĩa là Việt Nam có thể chứng tỏ cho cộng đồng toàn cầu rằng nước này đã thành công về ngoại giao. Nó chứng tỏ Việt Nam là bạn, đối tác đáng tin cậy của quốc tế.
Tuy nhiên, APEC diễn ra trong bối cảnh thế giới ngày càng chống toàn cầu hóa, xuất hiện xu hướng bảo hộ được Tổng thống Donald Trump bảo vệ mạnh mẽ.
Hồi tháng 11/2016, Trung ương Đảng Việt Nam thông qua Nghị quyết 06 khóa XII về hội nhập kinh tế quốc tế.
Nghị quyết nêu bật những lợi ích mà hội nhập đã đem lại, nhờ tăng cường xuất khẩu, việc làm, kiến thức công nghệ và đầu tư. Nghị quyết ghi nhận hội nhập quốc tế đã giúp làm sâu thêm quan hệ đối tác với các nước, tạo ra lợi ích chung, tăng cường tự chủ kinh tế và thúc đẩy tiếng tăm của Việt Nam trên trường quốc tế.
Vì thế, Việt Nam bị sốc khi Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP ngay ngày đầu tiên làm tổng thống.
Tuy vậy, Hà Nội chưa nản chí. Tháng Năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên gặp ông Trump tại Mỹ.
Việt Nam cũng theo bước Nhật Bản, kêu gọi khôi phục TPP tuy thiếu Mỹ.
Thúc đẩy thương mại tự do
Nếu TPP-11 diễn ra, nó có thể vẫn thu hút Mỹ để Mỹ gia nhập sau này. Nó cũng sẽ là lựa chọn khác trong lúc Trung Quốc nâng cao ảnh hưởng kinh tế, chính trị với sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường”.
Các thành viên TPP cũng có thể sẽ bạo dạn hơn để đòi hỏi Bắc Kinh có những nhượng bộ, cũng như nâng cao tiêu chuẩn của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác.
Như thế, tổ chức APEC cho Việt Nam diễn đàn để thúc đẩy nghị trình cải tổ bên trong APEC. Việt Nam có thể chứng tỏ quyết tâm bảo đảm môi trường công bằng, minh bạch, cởi mở cho các doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam.
Điều này sẽ giúp phản kích lại xu hướng bảo hộ, đáp trả những chỉ trích về thương mại tự do, giải quyết một số những vấn đề phức tạp như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng kinh tế, trì trệ kinh tế.
Chốt lại, tổ chức APEC 2017 đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam.
Việt Nam có thể tái khẳng định chính sách ngoại giao đa phương, thắt chặt hợp tác cả song phương và đa phương.
Việt Nam có thể giúp chống lại làn sóng bảo hộ, thúc đẩy thương mại tự do dựa trên tăng trưởng sáng tạo, bao gộp và bền vững.
Tất cả những lợi ích này phù hợp với mục tiêu của Việt Nam nhằm duy trì hòa bình, ổn định để giúp phát triển.
Thúy Vy/ theo trandaiquang.org