Tự do tín ngưỡng và tôn giáo phải luôn được thực hành trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.
Mới đây, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố Báo cáo Tự do tôn giáo năm 2019, trong đó đề cập những thành tựu và tiến triển của Việt Nam trong việc đảm bảo và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng. Tuy nhiên, Báo cáo này vẫn có những thông tin thiếu khách quan, không chính xác và chưa được kiểm chứng về tình hình Việt Nam.
Báo cáo tiếp tục vu cáo Việt Nam đàn áp tự do tôn giáo, tín ngưỡng, bắt bớ tín đồ theo đạo Cao Đài… Một số tổ chức, cá nhân thù địch hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam đã được mời tham dự, tạo cơ hội để bịa đặt, vu cáo Việt Nam về tự do tôn giáo. Đó là việc làm không phù hợp với các bước tiến tích cực trong quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ thời gian qua, càng không phù hợp với nguyên tắc được xác định trong Tuyên bố chung về tầm nhìn quan hệ Việt Nam- Mỹ đã công bố năm 2015.
Lễ Giáng sinh ở Hà Nội với hàng ngàn người dân tham gia, cả có đạo và không có đạo
Chưa bao giờ các tôn giáo có điều kiện phát triển như hiện nay
Cần khẳng định, đánh giá tiêu cực về tự do tôn giáo ở Việt Nam thời gian qua đã không phản ánh đúng bản chất vấn đề. Bởi, nếu có thái độ khách quan, các tổ chức, cá nhân sẽ phải công nhận quan điểm, chính sách nhất quán cũng như thành tựu của Việt Nam trong tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Điều đó đã quy định rõ trong Hiến pháp và luôn được quan tâm, hoàn thiện trong hệ thống pháp luật để chính sách tín ngưỡng, tôn giáo được bảo đảm và tôn trọng.
Chưa bao giờ các tôn giáo ở Việt Nam có điều kiện phát triển như hiện nay. Điều này thể hiện qua số lượng tín đồ không ngừng tăng với khoảng 25 triệu người theo các tôn giáo khác nhau, chiếm 27% dân số (tính đến tháng 9/2019). Nhưng quan trọng hơn là các tôn giáo được tự do hành lễ, dù ở nhà riêng hay các nơi thờ tự; được tạo điều kiện cho mở mang cơ sở vật chất, tu sửa nơi thờ tự, được mở các trường đào tạo những người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển của Giáo hội, được Nhà nước tạo điều kiện phát triển các quan hệ giao lưu quốc tế…
Đại lễ Phật đản Vesak được tổ chức tại Hà Nội thu hút hàng ngàn tăng ni, phật tử ở trong và ngoài nước.
Không thể nói “không có tự do tôn giáo” khi hiện nay ở Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân, 60 cơ sở đào tạo tôn giáo thuộc Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Phật giáo Hòa hảo. Đến năm 2018, hơn 7100 tổ chức, cơ sở tôn giáo đang sử dụng tổng diện tích 14.850 ha đất; 12 báo, tạp chí liên quan tôn giáo. Phần lớn các tổ chức tôn giáo đều có webside riêng. 5 năm qua, hơn 3000 đầu ấn phẩm tôn giáo được xuất bản với hơn 10 triệu bản in, hàng triệu CD, DVD bằng nhiều ngôn ngữ, nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức ở Việt Nam như Đại lễ Phật đản Vesak, 500 năm cải chính đạo Tin lành… Điều đáng nói là, tự do tôn giáo các dân tộc thiểu số luôn được bảo đảm.
Năm 2017, Giáo hội Phật giáo Việt Nam triển khai xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ; Ở Bình Phước và Tây Nguyên, có 33 tổ chức, hệ phái, nhóm Tin lành đang hoạt động…Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động đã xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo đậm chất nhân văn tôn giáo và trách nhiệm với đất nước, dân tộc.
Tuy nhiên, bất chấp thực tế trên, một bộ phận rất nhỏ chức sắc, tín đồ tôn giáo cho rằng, họ không được hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, ở Việt Nam không có tự do tôn giáo, Nhà nước xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng- tôn giáo của công dân, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Giáo hội…Đây là những nhận thức rất sai lệch, mang mục đích chính trị là chính chứ không phải là tôn giáo thuần túy, hay nói cách khác, đây là hoạt động lợi dụng tự do tôn giáo chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Tự do tôn giáo ở Việt Nam: cần một cái nhìn khách quan và thông tin kiểm chứng
Tìm hiểu về tự do tôn giáo ở Việt Nam, rất cần một cái nhìn khách quan và thông tin kiểm chứng. Nếu các tổ chức quốc tế tự trả lời được câu hỏi tại sao thì có lẽ, họ đã đưa ra những đánh giá khách quan hơn. Tại sao các năm qua ở Việt Nam, nhiều nhà thờ Công giáo được tu sửa, xây mới? Tại sao youtube có rất nhiều video clip tường thuật các thánh lễ tổ chức trang trọng, đông vui ở các nhà thờ từ Nam ra Bắc? Tại sao hàng triệu công dân theo Công giáo vẫn dự lễ thứ bảy, chủ nhật bình thường? Tại sao các hoạt động tôn giáo lớn được tổ chức tại Sở Kiện (Hà Nam), La Vang (Quảng Trị)… lại luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ từ phía chính quyền?
Đại hội hành hương Đức mẹ La Vang lần thứ 31
Tại sao trong Lễ mừng 50 năm thành lập Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam tổ chức ở Giáo xứ Thánh Đa Minh- Ba Chuông, TP. Hồ Chí Minh, Giám mục Nguyễn Thái Hợp đã nhấn mạnh: Sau 50 năm, số tu sĩ thuộc Tỉnh dòng Đa Minh Việt tăng gấp 3 lần, đứng thứ 2 trong dòng Đa Minh thế giới, hoạt động tại 17 Giáo phận ở Việt Nam và 8 nước khác? Tại sao Linh mục Lê Quốc Thăng lại có thể từ Việt Nam tới Australia, Mỹ… để tự do phát ngôn quan điểm của mình về tự do tôn giáo ở Việt Nam?
Quyền tự do của mỗi con người phải đi đôi với nghĩa vụ và trách nhiệm đối với cộng đồng và dân tộc. Tự do tín ngưỡng và tôn giáo phải luôn được thực hành trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc và điều kiện kinh tế- xã hội đặc thù của đất nước. Trên phương diện quan hệ đối ngoại giữa các quốc gia, các thể chế chính trị bình đẳng, độc lập thì không thể đem tiêu chuẩn về tự do tôn giáo ở quốc gia này để áp đặt lên một quốc gia khác và buộc các quốc gia khác phải tuân theo.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng về Báo cáo tự do tôn giáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Trước những thông tin thiếu khách quan về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho rằng, Việt Nam tiếp tục duy trì và sẵn sàng tăng cường hợp tác, trao đổi với phía Hoa Kỳ về các vấn đề cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau thông qua các khuôn khổ đối thoại song phương, trong đó có đối thoại nhân quyền thường niên, qua đó đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.
Việc thực hiện tốt, đầy đủ, không ngừng làm sâu sắc, phong phú thêm quan hệ đối tác toàn diện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau là cơ sở để xây dựng lòng tin, tiến tới đưa quan hệ phát triển lên một tầm cao mới./.