Ngày 12/3, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ GD&ĐT đã có công văn yêu cầu Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình cập nhật kết quả thi lên hệ thống phần mềm quản lý thi, tiến hành rà soát xét lại tốt nghiệp; đồng thời thông báo kết quả đã được cập nhật đến cho các học viện, trường ĐH-CĐ, nơi các thí sinh có liên quan học ở đó.
Về phía các trường đại học, Bộ GD&ĐT đề nghị chủ động liên hệ với Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình để cập nhật kết quả liên quan tới các thí sinh.
Trước đó, ngày 11/3, liên quan tới vụ gian lận thi cử tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã có kết luận điều tra vụ án và chuyển hồ sơ đến VKSNDTC đề nghị truy tố 3 bị can về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Kết luận giám định, xác định 140/210 bài thi của 56 thí sinh tẩy xóa, chỉnh sửa đáp án, các đáp án trên bài thi trắc nghiệm không phải do cùng một người tô ra. Kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT xác định 140 bài thi trắc nghiệm của 56 thí được can thiệp, nâng điểm ít nhất từ 0,2 điểm đến cao nhất 9,25 điểm/một môn thi.
Ông Mai Văn Trinh khẳng định: “Nếu trước kia thí sinh đạt 27 điểm nhưng sau khi có kết luận điều tra, kết quả chấm thẩm định thí sinh chỉ được 15 điểm thì kết quả cuối cùng là kết quả chấm thẩm định”.
Cũng liên quan đến việc gian lận điểm thi tại địa phương Hòa Bình, Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ sửa điểm thi THPT xảy ra tại Hòa Bình, đồng thời đề nghị VKSNDTC truy tố 3 người liên quan về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Các bị can gồm Nguyễn Quang Vinh (53 tuổi, nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình), Đỗ Mạnh Tuấn (40 tuổi, Phó hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) và Nguyễn Khắc Tuấn (38 tuổi, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý Chất lượng Giáo dục). Trong số 3 người bị khởi tố, riêng Đỗ Mạnh Tuấn thừa nhận được hưởng lợi 550 triệu đồng từ việc chỉnh sửa bài thi THPT.
Về kỳ thi năm 2019 tới đây, ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh đến công tác lựa chọn nhân sự tham gia kỳ thi. Theo đó, coi trọng, lựa chọn người có trình độ chuyên môn cao, có tinh thần trách nhiệm, được tập huấn đầy đủ về quy trình kỹ thuật.
Ở tất cả các khâu, từ in sao đề thi, bảo mật đề thi, tổ chức coi thi đều có sự tăng cường vai trò của các cán bộ đến từ các trường đại học. Đặc biệt, năm nay sẽ sử dụng các thiết bị hỗ trợ, như camera an ninh. Ở khâu chấm thi, việc chấm thi bài thi trắc nghiệm được giao cho các trường đại học.
Phần mềm chấm thi trắc nghiệm năm nay được hoàn thiện một bước, đến nay đã sẵn sàng sử dụng cho kỳ thi THPT quốc gia 2019 theo hướng tăng cường bảo mật, mã hóa tất cả các dữ liệu chấm thi và có công nghệ để bảo đảm rằng mọi can thiệp trong quá trình chấm thi bài thi trắc nghiệm sẽ bị phát hiện.