Người rò rỉ các tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ làm việc tại một căn cứ quân sự, khoảng 25 tuổi, bắt đầu gửi tài liệu từ cuối năm 2022 và không vì mục đích chính trị.
Điều tra của báo Washington Post đăng ngày 12-4 (giờ địa phương) cho thấy các tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ bị rò rỉ, có thể xuất phát từ một nhóm kín trên nền tảng nhắn tin Discord.
Bỗng một ngày, các tài liệu xuất hiện
Năm 2020, có 25 người cùng chung sở thích về súng và thiết bị quân sự thành lập một nhóm kín trên nền tảng nhắn tin Discord. Họ trò chuyện, xem phim, chơi game cùng nhau như bao nhóm bạn bình thường.
Bỗng một ngày cuối năm 2022, người nhóm trưởng với biệt hiệu OG bắt đầu gửi vào nhóm những dòng tin nhắn chi chít chữ viết tắt và thuật ngữ chuyên ngành.
Thông tin được báo Washington Post thu thập qua cuộc phỏng vấn hai thành viên nhóm, cả hai đều chưa thành niên.
Những ai thật sự đọc những tin nhắn ấy sẽ nhận ra đây đều là thông tin nội bộ của chính phủ, loại chỉ những người đã được kiểm tra nhân thân trong nhiều tháng trời mới được tiếp cận.
Đều đặn nhiều tháng sau đó, OG tiếp tục gửi hàng trăm tài liệu tình báo mật của chính phủ, được anh ta đem về nhà từ “căn cứ quân sự” nơi mình làm.
Ban đầu, các tài liệu được gửi dưới dạng tin nhắn chữ, rồi dần chuyển hẳn sang ảnh chụp trực tiếp. Đây chính là những bức ảnh đã trôi nổi trên mạng, làm chấn động thế giới nhiều ngày qua.
Theo nguồn tin của báo Washington Post, OG ghi chú, giải nghĩa cẩn thận từng tài liệu mình gửi. Anh dạy cho các thành viên nhóm cách đọc tài liệu tình báo, về những gì đang xảy ra trên thế giới và các phi vụ bí mật của chính phủ.
“Tôi là một trong số ít người nhận ra các tài liệu đó là thật. Lúc ấy, tôi cảm thấy mình đứng cao hơn tất cả mọi người xung quanh. Tôi biết những điều họ không biết”, một người chia sẻ.
Tiết lộ thông tin mật vì yêu gia đình mạng
Cả hai thiếu niên được báo Washington Post tiếp cận cùng khẳng định biết tên thật và bang OG ở, nhưng kiên quyết từ chối tiết lộ.
OG tự xưng với các thành viên khác trong nhóm rằng mình làm việc tại một cơ sở bảo mật nghiêm ngặt, nơi điện thoại và các thiết bị điện tử bị cấm để tránh lộ thông tin mật.
Một thành viên nhóm cho biết mình rất ngưỡng mộ OG, từ sự tự tin đến kỹ năng sử dụng vũ khí của người này. Thiếu niên này cảm thấy có sự gần gũi với OG, người anh mô tả như một hình mẫu người cha.
Người này chia sẻ: “Chúng tôi đều rất thân với nhau, như một gia đình khăng khít. Chúng tôi phụ thuộc vào nhau”. Những người trong nhóm, đặc biệt là OG, đã giúp cậu vượt qua giai đoạn trầm cảm và cân bằng cảm xúc. “Chúng tôi yêu thương nhau rất nhiều”.
Chính vì lý do đó, OG đã tiết lộ những thông tin mật cho nhóm này. Anh ấy muốn “cho chúng tôi biết”, cố gắng sử dụng những thông tin ấy để bảo vệ bạn bè khỏi tình hình thế giới vốn đang rất hỗn loạn.
Góc nhìn tối về chính phủ
Nguồn tin của báo Washington Post cũng một mực khẳng định OG không có thái độ thù địch với Chính phủ Mỹ, đồng thời không làm vì quyền lợi của một quốc gia nào. “Anh ta không phải đặc vụ Nga, cũng không phải đặc vụ Ukraine”.
Tuy nhiên, OG cũng có cái nhìn không đẹp về chính phủ. OG mô tả với bạn mình Chính phủ Mỹ cùng lực lượng hành pháp và tình báo là “thế lực tàn ác muốn đàn áp và che giấu công dân mình khỏi sự thật”.
Thậm chí, OG từng tiết lộ chính quyền đã biết trước về vụ xả súng tại một chi nhánh siêu thị Buffalo hồi tháng 5-2022, làm chết 10 người da màu và làm bị thương 3 người khác.
Dù biết trước nhưng lực lượng hành pháp vẫn để vụ việc diễn ra vì muốn lợi dụng đó làm nguyên nhân tăng ngân sách cho mình. Thông tin này chưa được kiểm chứng.
Nguồn tin này cũng cho biết dù bất mãn với chính phủ, OG không hề có ý định công khai thông tin mình nắm giữ cho công chúng. Anh chỉ công khai tài liệu mật vì quyền lợi các thành viên trong gia đình mạng của mình.
Sự đổ vỡ của gia đình mạng
“Hầu hết những người trong nhóm đủ thông minh để biết những gì OG đăng không được tiết lộ ra bên ngoài”, thiếu niên chia sẻ.
Tuy nhiên, trong số 25 thành viên nhóm, có đến một nửa là người nước ngoài. Trong đó có cả người Nga và người Ukraine. Hầu hết những người hào hứng với các tài liệu mật nhất đều đến từ “khối Đông Âu và các nước hậu Xô Viết”.
Bên cạnh đó, “nhóm người Ukraine cũng khá quan tâm”.
Nhưng rồi, đến ngày 28-2, một thành viên nhóm đã đăng những tài liệu mật lên một nhóm Discord khác. Trong suốt tháng 3, các tài liệu lan truyền khắp nền tảng này. Nhưng phải đến tháng 4, chính quyền Mỹ mới nhận ra sự tồn tại của chúng.
Về phần OG, anh tiếp tục chia sẻ tài liệu đến giữa tháng 3, trước khi anh nói với nhóm mình đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng. OG giữ liên lạc với các thành viên nhóm đến tận vài ngày trước khi báo Washington Post trò chuyện cùng nguồn tin của mình.
Trong tin nhắn cuối cùng, OG ám chỉ mình sẽ biến mất, khiến các thành viên khác rất buồn và lo lắng cho người thủ lĩnh.
Chính phủ Mỹ hiện chưa lên tiếng về thông tin trên Washington Post.
Theo Tuổi trẻ