Xá lợi trái tim Hòa thượng Thích Quảng Đức chuyển về Việt Nam Quốc Tự

share on:

Sau hơn nửa thế kỷ được gìn giữ cẩn trọng, “trái tim bất diệt” của Bồ tát Thích Quảng Đức sẽ được đưa về bảo tháp Việt Nam Quốc Tự.

Xá lợi trái tim hòa thượng Thích Quảng Đức chuyển về Việt Nam Quốc Tự

Chánh điện của Việt Nam Quốc Tự sẽ trở thành trụ sở của Giáo hội Phật giáo TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.

Hòa thượng Thích Trí Quảng (Phó chánh Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo TP HCM) cho biết, công trình Việt Nam Quốc Tự sẽ khánh thành trong dịp Đại hội đại biểu Phật giáo TP HCM lần thứ 9 nhiệm kỳ 2017-2022, trong hai ngày 6 và 7/11.

Ngoài ngôi chánh điện thiết kế hoàn toàn mới – sử dụng làm trụ sở của Giáo hội Phật giáo TP HCM, bảo tháp 13 tầng tại Việt Nam Quốc Tự (kế bên, cao 63 m) sẽ được hoàn thành dịp Tết Nguyên đán 2018.

Bảo tháp với ý nghĩa biểu tượng cho tinh thần phụng sự, thống nhất của 13 tổ chức, hội đoàn, tông phái tham gia cuộc đấu tranh bất bạo động của Phật giáo vì hòa bình và bình đẳng tôn giáo tại miền Nam năm 1963.

“Nơi đây sẽ tôn thờ xá lợi trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức, đồng thời sẽ trưng bày các tư liệu về cuộc đấu tranh bất bạo động đó”, Hòa thượng Thích Trí Quảng nói và cho biết việc này sẽ được thực hiện sau khi khánh thành bảo tháp.

Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối đàn áp Phật giáo năm 1963.

Hòa thượng Thích Quảng Đức, thế danh Lâm Văn Tức, sinh năm 1897, là hòa thượng phái Đại thừa. Ông đã tẩm xăng tự thiêu tại ngã tư đại lộ Phan Đình Phùng và phố Lê Văn Duyệt (nay là ngã tư Nguyễn Đình Chiểu – Cách Mạng Tháng Tám) ở Sài Gòn vào ngày 11/6/1963 nhằm phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm.

Thi thể của ông được thỉnh về chùa Xá Lợi làm tang lễ. Theo nhiều nhân chứng, sau khi nhục thân biến thành tro thì quả tim vẫn còn, trở thành một khối rắn như đá với hình dáng nguyên vẹn một cách lạ thường.

Trái tim được gìn giữ ở chùa Xá Lợi, rồi tôn thờ tại Việt Nam Quốc Tự, sau đó được gởi vào Ngân hàng Pháp tại Sài Gòn và nay là chi nhánh phía Nam của Ngân hàng Nhà nước.

Cũng trong năm đó Việt Nam Quốc Tự bắt đầu được xây dựng. Sau năm 1975, ngôi chùa bị thu hẹp còn 3.700 m2, nhường đất cho các công trình khác.

Đến năm 2014, chính quyền TP HCM đã thu hồi và bàn giao hơn 7.200 m2 kế bên để xây dựng chánh điện và các hạng mục công trình. Các hạng mục công trình có quy mô 5 tầng và bảo tháp với kinh phí xây dựng hơn 200 tỷ đồng.

TP HCM hiện có gần 12.000 Tăng Ni, trong đó Phật giáo Bắc tông chiếm phần lớn với hơn 10.000 vị.

Theo VNEXPRESS

Facebook Comments