Một ngư dân 28 tuổi người Việt Nam đã cứu mạng 2 người Mỹ và giúp giải cứu 5 người khác khi con tàu mà anh này làm việc bị chìm ngoài khơi Đảo Lớn của bang Hawaii – Mỹ.
Trong bài viết đăng tải ngày 6-4, hãng tin AP cho biết anh Khanh Huynh trở thành ngư dân khi chỉ mới 12 tuổi. Trong 6 năm qua, anh sống trên một tàu đánh cá ở Hawaii, chuyên đánh bắt cá ngừ Ahi cao cấp để cung cấp cho những khách hàng giàu sang trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, anh Khanh không phải là thuyền trưởng. Dù làm việc từ 12 đến 20 giờ/ngày với nghề nghiệp được xem là một trong những nghề nguy hiểm nhất nhưng anh chỉ kiếm được chưa đến 10.000 USD/năm (phần lớn gửi về cho cha mẹ). Trên thực tế, anh Khanh không được phép trở thành thuyền trưởng của một con tàu thương mại trong vùng biển liên bang vì không phải là công dân Mỹ.
Thế nhưng, viên thuyền trưởng người Mỹ, người được cho là chịu trách nhiệm quản lý tàu Công chúa Hawaii, lại chưa từng làm việc trên tuyến đường biển dài của Thái Bình Dương. Một giám sát viên liên bang nằm trong số 8 người trên tàu cho biết anh Khanh là người lèo lái con tàu từ khi nó rời cảng đến khi bị chìm.
Anh Khanh Huynh. Ảnh: AP
“Tôi chưa từng nhìn thấy viên thuyền trưởng người Mỹ làm gì trên tàu, ví dụ như ra lệnh, chỉ đường hay bất cứ điều gì giúp con tàu trở nên tốt hơn, ổn định hơn. Ông ta chỉ nằm trên giường thôi” – giám sát viên liên bang Steve Dysart nói với hãng tin AP. Theo lời ông Dysart, dù được thuê làm những công việc lặt vặt trên tàu nhưng anh Khanh có vai trò không khác gì thuyền trưởng.
Khi con tàu gặp nạn ngoài khơi cách bờ biển 644 km vào ngày 25-3, anh Khanh đang lau dọn cabin trong khi các thủy thủ khác thả lưỡi câu cá. Đến gần trưa, con tàu đâm vào đá ngầm và dần chìm xuống biển. Anh Khanh lao vào buồng lái, cố điều khiển con tàu nhưng nước biển đã bắt đầu tràn vào cửa sổ cabin.
Vì vậy, anh buộc phải chụp lấy cây búa, đập vỡ cửa sổ và thoát ra ngoài. Sau đó, anh nhìn thấy 5 người rơi xuống biển trong khi trên tàu vẫn còn 2 người là viên thuyền trưởng Robert Nicholson và giám sát viên Dysart.
Tàu Công chúa Hawaii khi bị đắm. Ảnh: AP
“Tôi rất lo lắng vì khi đi ra cửa và nhìn ra khoang thì chỉ thấy toàn là nước. Huynh đã cứu mạng 2 người, trong đó có tôi” – ông Dysart nhớ lại. Để rời khỏi con tàu chìm, ông Dysart và ông Nicholson phải lặn xuống tìm cánh cửa và ngoi lên mặt nước.
Trong lúc đó, anh Khanh đã lấy được xuồng cứu sinh và đưa 2 người Mỹ lên. Sau đó, 3 người đàn ông giải cứu 5 ngư dân khác, gồm người Việt Nam và người Kiribati.
Hiện lực lượng Tuần duyên Mỹ đang điều tra vụ đắm tàu.
Vụ việc là sự cố mới nhất trong một loạt những tai nạn hàng hải chết người và làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng bóc lột người lao động. Hãng tin AP cho biết luật lao động của tiểu bang và liên bang không áp dụng cho anh Khanh và khoảng 700 lao động nước ngoài khác tại Hawaii. Nguyên nhân là vì họ không có visa Mỹ nên không được phép nhập cảnh và phải sống trên tàu suốt cả năm, ngay cả khi neo đậu tại Honolulu.
Dù trải qua vụ tai nạn kinh hoàng, anh Khanh vẫn không có ý định về nước. “Dù rất sợ khi ở trên con tàu đắm nhưng tôi không sợ quay lại với biển khơi” – anh nói.