Những ngày gần đây, việc Đảng, Nhà nước ta kiên quyết đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý theo kỷ luật và pháp luật một số cán bộ sai phạm, trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo cấp cao được dư luận xã hội đồng tình. Tuy nhiên, cũng xuất hiện những băn khoăn, lo lắng và cả những quan điểm kích động, xuyên tạc, cho rằng, phải chăng những sai phạm đã trở thành “lỗi hệ thống” và đến mức trầm kha, thậm chí bi quan, suy giảm niềm tin. Trước hiện tượng này, chúng ta cần phải có cái nhìn bình tĩnh với bản lĩnh và niềm tin cách mạng đúng đắn…
Còn đó bài học “chặt cành để cứu cây”
Trước hết, chúng ta cần khẳng định rằng, kỷ luật của Đảng ta là tự giác, nghiêm minh và đặc trưng của pháp chế xã hội chủ nghĩa (XHCN) là mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Việc xử lý những cán bộ vi phạm như trên không có gì là bất thường, đột biến từ trước tới nay nếu xét về nguyên tắc kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đã từ lâu, trong xã hội ta, có công thì thưởng, có tội thì phạt. Và khi mà công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh thì những nguyên tắc ấy càng được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên. Đó là việc làm bình thường để xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh; thật sự là người lãnh đạo thật trung thành, người đầy tớ của nhân dân. Đó là đòi hỏi tất yếu để xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, “muôn điều phải có thần linh pháp quyền” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng tâm niệm và căn dặn từ những năm đầu thế kỷ trước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng căn dặn: “… một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chân chính”. Soi rọi thực tiễn vào những lời căn dặn của Người, chúng ta càng thêm tin tưởng những việc làm gần đây của Đảng, Nhà nước ta chính là theo tinh thần một Đảng “có gan thừa nhận khuyết điểm và sửa chữa khuyết điểm”.
Việc xử lý một số cán bộ cấp cao gần đây cũng không phải có gì “ghê gớm”, chưa có tiền lệ mà trong lịch sử, Đảng ta cũng đã nhiều lần xử lý với tinh thần “tiến bộ, mạnh dạn, chân chính”. Không chỉ lấy đức trị để giáo dục, răn đe, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chú trọng xây dựng pháp luật để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và khi có luật rồi thì phải thi hành thật nghiêm. Một tháng sau ngày lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng, nêu rõ 6 căn bệnh cần đề phòng là: Trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Tháng 11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh ấn định hình phạt tội đưa và nhận hối lộ và năm 1946, Người ký Quốc lệnh khép tội tham ô, trộm cắp của công vào tội tử hình. Trong trả lời chất vấn của Quốc hội vào năm 1946, Người nói: “Chính phủ hết sức làm gương, nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ hối lộ, đã trừng trị, đang trừng trị và sẽ trừng trị cho kỳ hết”.
Nói đi đôi với làm, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng y án tử hình đại tá quân nhu Trần Dụ Châu vì tội tham ô, lợi dụng xương máu của anh em chiến sĩ để lo việc cá nhân. Đến năm 1964, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trương Việt Hùng vì có bồ bịch mà đầu độc vợ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định y án tử hình. Nói về sự việc đau xót này, Người đã để lại lời căn dặn đầy thấm thía: “Thà chặt một cành sâu cho cây xanh tốt”.
Đau xót nhưng đồng thuận, tin tưởng
Nhìn lại những vụ việc xử lý cán bộ, công chức vi phạm gần đây, tuy số vụ việc bị xử lý có gia tăng, tính chất mức độ một số vụ vi phạm có nghiêm trọng hơn, cán bộ bị xử lý có những trường hợp ở cương vị lãnh đạo, chỉ huy cao cấp… nhưng bên cạnh sự đau xót, nuối tiếc, dư luận đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân và cả bạn bè quốc tế đều rất đồng tình, tin tưởng vào quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta.
Không phải ngẫu nhiên mà có những cán bộ lão thành cách mạng, giáo sư, nhà nghiên cứu khi trả lời phỏng vấn báo chí đã đặt câu hỏi: “Việc nhiều cán bộ cao cấp bị xử lý hình sự là đáng lo hay đáng mừng?”. Câu trả lời đều có một điểm chung: Không ai có thể vui mừng trước việc đồng chí, đồng đội của mình, nhất là những đồng chí đã trưởng thành, phát triển lên cương vị cấp cao bị vi phạm, “nhúng chàm” và “ngã ngựa”. Đó là nỗi đau xót, là những bài học đắt giá. Nhưng cũng không vì thế mà bi quan, tuyệt vọng, đến mức cho rằng: “Đảng ta như thế là hỏng rồi”, “sai phạm nhiều thế thì bộ máy này đâu còn trong sạch”(?). Ngược lại, nhìn vào những việc làm kiên quyết của Đảng, Nhà nước ta, chúng ta càng thêm tin tưởng công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng thành công, bộ máy Nhà nước ngày càng trong sạch.
Là một nhà nghiên cứu lý luận chuyên sâu về tấm gương đạo đức của Bác Hồ, GS Hoàng Chí Bảo cho rằng: Khi nói đến vấn đề chống tham ô, tham nhũng, Người đã nói, phải thẳng tay trừng trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể là ai. Chính điều đó là điều hợp với lòng dân nhất. Bởi dân chỉ muốn Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo cầm quyền để dân đi theo, dân noi theo và dân thực hiện sự nghiệp đổi mới này đến đích thành công. Những sự việc vừa qua tuy nhức nhối, đau đớn nhưng chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và không lảng tránh sự thật. Trong đó có sự thật nhìn thẳng vào chính đội ngũ cán bộ, mà cán bộ đã mắc vi phạm khuyết điểm thì phải kỷ luật. Chính điều đó làm cho Đảng trong sạch vững mạnh, làm cho sức chiến đấu của Đảng được mạnh hơn”.
Niềm tin cách mạng
Sự quyết liệt đấu tranh, không có ngoại lệ, không có vùng cấm đối với những trường hợp vi phạm như thời gian vừa qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư đã giúp cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng hiệu quả. Ý Đảng, lòng dân, vận nước hài hòa. Có thể thấy rất rõ xung quanh những sự việc ấy, tuy vẫn có không ít âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, kích động, chia rẽ, nhưng không thể làm nguội tắt ngọn lửa phòng, chống tham nhũng, không thể làm suy giảm niềm tin cách mạng chân chính.
Những ngày gần đây, lợi dụng thông tin về các trường hợp cán bộ cao cấp, trong đó có cả một số tướng lĩnh, sĩ quan công an bị khởi tố, kẻ xấu đã kích động gây hoang mang, suy giảm niềm tin vào quân đội, công an với luận điệu “những thanh bảo kiếm và lá chắn bảo vệ chế độ đã bị vấy bẩn, suy yếu”. Nhưng với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta luôn kiên định niềm tin, không lẫn lộn giữa hiện tượng và bản chất. Tuy có một số cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao bị xử lý hình sự nhưng một rừng cây được chặt một vài cành sâu bệnh thì rừng cây ấy thêm xanh tốt. Lực lượng vũ trang nhân dân vẫn là lực lượng tuyệt đối trung thành, vững mạnh và tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Tinh thần quyết liệt xử lý cán bộ vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, kể cả cán bộ đó là Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị hay tướng lĩnh cao cấp cho thấy Đảng ta đã và đang bước vào một thời kỳ xây dựng, chỉnh đốn Đảng mạnh mẽ, nghiêm túc và toàn diện nhất trước đòi hỏi ngày càng nặng nề của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều đó bắt nguồn từ ý chí của Đảng, bắt nguồn từ lòng dân và cũng bắt nguồn từ mệnh lệnh của cuộc sống, đòi hỏi của sự phát triển và hội nhập. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu: “Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người!”. Với niềm tin cách mạng, nhìn vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, chúng ta thắp lên sự hy vọng và đồng thuận để đấu tranh, đẩy lùi những thói hư tật xấu, giúp Đảng ta ngày càng vững mạnh, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, để đất nước ngày càng tiến bộ và phát triển.
CÔNG MINH – NGUYÊN MINH/Báo QĐND