Lợi dụng những vấn đề nhạy cảm, phức tạp về chính trị, xã hội để kích động bạo loạn, biểu tình là chiêu bài nguy hiểm của tổ chức phản động Việt Tân. Đáng tiếc, nhiều người vì các lý do khác nhau đã bị rơi vào bẫy của Việt Tân, bị chúng lợi dụng làm con rối chống phá đất nước, gây bất ổn về an ninh chính trị, xã hội.
Từ những vụ việc xảy ra gần đây cho thấy, nhiều người tham gia kích động, biểu tình và thực hiện các hành vi gây rối, chống phá chính quyền, chống lực lượng chức trách vì các lý do chính: được tổ chức Việt Tân hoặc chân rết của tổ chức này ban phát cho một ít lợi ích vật chất (tiền, tài sản) nên hung hăng kích động, chống phá, cổ súy người khác cùng chống phá; từng có quá trình chống phá đất nước, nay được dịp “làm tới” để thể hiện vai trò cá nhân nhằm “lấy điểm” trong mắt tổ chức Việt Tân; do nhận thức sai lệch, nghĩ rằng cứ xuống đường, cứ biểu tình là thể hiện lòng yêu nước; do bị kích động dẫn tới những hành động không phân biệt phải trái; do muốn thể hiện trên Facebook, trên diễn đàn mạng, muốn câu view, tỏ ra mình “nói và làm” hơn người…
Những biểu hiện này đã xuất hiện, gia tăng tại một số thời điểm, nhưng hiện đang bị Việt Tân lợi dụng dưới cái áo kêu gọi biểu tình để “thể hiện lòng yêu nước”. Khẩu hiệu “lòng yêu nước” được giăng ra từ nhiều vụ việc nóng gần đây, từ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam đến sự cố môi trường biển miền Trung và gần đây là việc Quốc hội thảo luận dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật Đặc khu), Luật An ninh mạng.
Riêng trong tháng 6 vừa qua, trên trang mạng xã hội Facebook của tổ chức khủng bố Việt Tân và một số đối tượng phản động đã đăng tải thông tin kêu gọi, kích động biểu tình vào sáng chủ nhật hằng tuần, tập trung vào các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, các tỉnh Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai…
Các tổ chức phản động đã sử dụng Facebook và các trang mạng liên tục đăng tải, chia sẻ các bài viết, hình ảnh có nội dung xuyên tạc, phỉ báng Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ quan hệ Việt – Trung, tạo ra tâm lý lo lắng, bất an, bức xúc trong nhân dân.
Cũng như hành vi lợi dụng việc Fomosa xả thải ở miền Trung, đây không chỉ là những cuộc tụ tập biểu tình mang tính chất tự phát đơn thuần mà đằng sau đó là âm mưu kích động bạo loạn của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong và số đối tượng chống đối chính trị trong nước, được thực hiện một cách bài bản với kế hoạch, ý đồ rất rõ.
Ban đầu là phản ứng trên Facebook, mạng xã hội về một vấn đề chính trị, xã hội nào đó. Việt Tân nắm bắt xu hướng xã hội, đưa ra các bài viết hướng lái dư luận, tìm cách chia sẻ trên mạng. Những bài viết này tạo ra các “điểm nhấn” mà người dân quan tâm, đánh vào lòng tự tôn dân tộc, tạo tâm lý hoài nghi, lo lắng, từ đó tốc độ lan truyền tăng vọt. Đáng chú ý, cổ súy cho Việt Tân là các đối tượng chống đối, bất mãn trong nước cũng hùa theo, tìm cách lan truyền, chia sẻ bài viết.
Cần lưu ý rằng, việc xuất hiện những bài viết của một số học giả, nhà khoa học, trí thức (vì các lý do khác nhau) cũng gây nhiều tác động. Chẳng hạn, về dự án Luật Đặc khu vừa rồi, bên cạnh những bài viết xuyên tạc, chống phá của các tổ chức, cá nhân thù địch, phản động, những đối tượng chống đối thì cũng xuất hiện những bài viết của một số cựu chiến binh, nhà khoa học, trí thức có tên tuổi, họ tung lên Facebook với những góc phân tích đa chiều.
Những bài viết này có những lập luận riêng của tác giả, trong đó đặt ra những vấn đề thuộc về lịch sử, về quan hệ Việt – Trung, về những góc nhìn xã hội, an ninh, quốc phòng, về tình hình đặc khu ở thế giới và khu vực, ưu điểm và hệ lụy, từ đó đưa ra những cảnh báo…
Đó có thể là những bài viết đóng góp hữu ích cho các cơ quan chức năng, cho Quốc hội, nhất là trước vấn đề lớn và nhạy cảm như đặc khu kinh tế, với động cơ xây dựng, vì việc lớn, vì tâm huyết, vì trách nhiệm và ý thức cá nhân, ý thức của nhà khoa học, trí thức với đất nước.
Những ý kiến, đóng góp đó cũng là một phương diện để cơ quan lập pháp nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo.
Tuy nhiên, khi tiếp cận những bài viết này trên Facebook, khi giữa bão dư luận tràn ngập, rất có thể những bài viết đó cũng gây tâm lý phân ưu trong người đọc và việc tiếp cận dưới trạng thái nào, tâm lý ra sao cũng là một vấn đề.
Trong bối cảnh đối diện với bão mạng, thông tin đa chiều như vậy, nhiều người vì các lý do khác nhau đã trở thành con rối của Việt Tân, của các tổ chức phản động, hành động có tính toán hoặc hành động bột phát, gây tổn hại đến lợi ích đất nước.
Các thế lực thù địch, phản động lợi dụng, hướng lái các cuộc biểu tình, tập trung đông người mang màu sắc chính trị, với quy mô và tính chất ngày càng phức tạp, được chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ, có kịch bản cụ thể.
Những cuộc tập trung đông người, biểu tình xuất hiện một nhóm đối tượng nòng cốt (nhiều đối tượng có nhân thân lai lịch xấu, bất mãn, từng nhiều lần bị xử lý), số này có mặt để cổ vũ, hướng lái, kích động quần chúng nhân dân bao vây trụ sở chính quyền, đập phá tài sản, chống người thi hành công vụ.
Những hành vi trên là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, bị xã hội lên án và phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Điển hình như ngày 10-6, Công an tỉnh Bình Dương bắt giữ Trần Minh H (37 tuổi, quê Thanh Hóa, thường trú phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, Bình Dương) và Nguyễn Đình T (27 tuổi, quê Nghệ An, thường trú phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, Bình Dương) để điều tra về hành vi in ấn tài liệu, kêu gọi người dân tham gia biểu tình trái phép.
Trần Minh H bị bắt khi đang phát tờ rơi kêu gọi biểu tình xung quanh Khu công nghiệp Sóng Thần, thị xã Dĩ An. Kiểm tra nơi cư ngụ của H, Công an thu giữ được nhiều tài liệu, máy móc liên quan đến hành vi vi phạm.
Tại cơ quan Công an, H khai: “Em nhận thức được hành vi của mình là sai, mình bị lôi cuốn. Em mong tất cả mọi người trong cộng đồng Việt Nam khi vào mạng xã hội không nên giống như em”.
Ngày 18-6-2018, cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam Nguyễn Văn Quang (SN 1987, trú ở xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa) về tội “Làm, tàng trữ, tin truyền thông tin nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.
Theo cơ quan điều tra, Quang thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook cá nhân có địa chỉ “Quang Nguyen Van” để đăng tải, phát tán những bài viết có nội dung kêu gọi, kích động người dân xuống đường biểu tình phản đối dự án Luật Đặc khu.
Mới đây, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Phú Thọ đã truy tìm được đối tượng đăng tải bài viết kêu gọi biểu tình trên nhóm Page “Biển 19.biz” là Nguyễn Ngọc Việt (22 tuổi, ở xã Minh Phú, huyện Đoan Hùng, hiện đang tạm trú và làm nghề lao động tự do tại phường Nông Trang, Việt Trì, Phú Thọ).
Sau khi được mời làm việc, Nguyễn Ngọc Việt khai nhận: Năm 2012, Việt thiết lập và sử dụng tài khoản Facebook có tên “Ngọc Nguyễn” nhằm giao lưu, kết bạn và tìm hiểu thông tin.Vào ngày 9-6, tài khoản của chị ta nhận được tin nhắn từ một Facebook lạ, nội dung kêu gọi biểu tình để phản đối Quốc hội thông qua dự thảo Luật Đặc khu. Khi đi ăn uống cùng với một số người bạn ở Vĩnh Phúc, cả nhóm đề cập việc nhận được thông tin kêu gọi biểu tình và đã thách đố nhau đăng tải nội dung trên Facebook cá nhân của mình. Để thể hiện, Việt đã đẩy thông tin trên lên Facebook của mình…
Qua những vụ việc trên cho thấy, nhận thức của một bộ phận giới trẻ hiện nay về việc đăng tải thông tin trên mạng xã hội cũng như hiểu biết về pháp luật còn rất hạn chế.
Bên cạnh những cá nhân đăng Facebook, kích động biểu tình vì có tư tưởng bất mãn, chống đối, nhận được tiền của tổ chức phản động thì nhiều người chỉ vì lý do đơn giản như thách đố, câu view, để thể hiện “tài năng”, “độ lì”, để thể hiện “yêu nước”… là đăng thông tin bất kể hậu họa. Chính họ trở thành những con rối, những kẻ phụ họa cho ý đồ kẻ xấu, gây phức tạp tình hình…